BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn nhân sự cao cấp Bộ Nội vụ trong buổi đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc

07/10/2015 14:25

Bộ Nội vụ là một trong 13 Bộ của Chính phủ lâm thời được thành lập ngày 28/8/1945. Ngay từ ngày đầu thành lập Bộ Nội vụ đã có vị trí đặc biệt quan trọng trong cơ cấu Chính phủ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời giao thực hiện chức năng: Tổ chức, xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền cách mạng, đảm bảo an ninh chính trị, trị an và đảm nhiệm một phần chức năng của Chủ tịch Phủ, theo dõi điều hành công tác nội trị, pháp chế, hành chính công và điều phối hoạt động của các bộ khác. Có thể thấy tất cả các lĩnh vực công tác Bộ Nội vụ được giao đảm nhiệm đều là những lĩnh vực quan trọng có tính chất nội trị quốc gia. Do vị trí đặc biệt quan trọng của Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, Chính phủ liên hiệp kháng chiến nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm lựa chọn nhân sự cao cấp bố trí vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên là đồng chí Võ Nguyên Giáp sinh ngày 28/8/1911 trong gia đình một nhà nho đức độ ở Lộc Thủy – Lệ Thủy – Quảng Bình, lớn lên học ở Quốc học Huế, sau đó ra Hà Nội học ở trường Albert Sarraut, tốt nghiệp nhận bằng cử nhân luật, là giáo sư sử học trường Tư thục Thăng Long. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928, bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra năm 1930, sau đó được trả tự do. Từ năm 1936 đến năm 1939, ông tham gia tích cực phong trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Năm 1940 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cùng năm này vượt biên sang Trung Quốc gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đây ông trở thành người học trò xuất sắc, tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1941, ông cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về Cao Bằng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa dành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời được thành lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh “chọn mặt gửi vàng”, tin cậy giao trọng trách giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông là người duy nhất trong Chính phủ được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao thay mặt Chính phủ ký một loạt sắc lệnh quan trọng trong buổi đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân. Chỉ trong 6 tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ nội vụ với tài năng đức độ của mình ông đã tham mưu cho Chính phủ và chỉ đạo đập tan bộ máy, giải tán các tổ chức chính trị phản động, xóa bỏ các chế độ, chính sách của chính quyền thực dân phong kiến; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự tri an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân. Đặc biệt ông đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng trình Chính phủ ban hành một loạt các sắc lệnh quan trọng tạo cơ sở pháp lý để tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương, xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ và quản lý điều hành đất nước theo chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chỉ trong vòng 6 tháng ông đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 100 sắc lệnh, trong đó có 30 sắc lệnh ông thay mặt Chính phủ ký ban hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các thành viên Chính phủ được bầu ngày 03/11/1946

Bộ trưởng Bộ Nội vụ thứ hai là Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947). Sinh ra từ đất Quảng Nam giàu tinh thần yêu nước, là một trí thức đại khoa bảng, nhưng đã từ bỏ chốn quan trường phong kiến hủ bại sớm tham gia phong trào yêu nước của thế kỷ 20. Cụ là một trong những người sáng lập ra phong trào Duy Tân. Sau cao trào 1908, cụ bị thực dân Pháp giam cầm 13 năm trong nhà tù Côn Đảo. Ra tù, cụ lao ngay vào cuộc đấu tranh cho độc lập, dân chủ, trên cương vị Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ (1928), chủ bút báo “Tiếng dân”. Cách mạng Tháng Tám thành công, với tài năng đức độ, học rộng hiểu sâu và tinh thần vì nước thương dân, cụ đã nhanh chóng đứng về phía Cách mạng Tháng Tám, ủng hộ Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Tháng 3 năm 1946 nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay đồng chí Võ Nguyên Giáp đi nhận nhiệm vụ khác. “Việc cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia Chính phủ và giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ giúp Chính phủ có thêm một nhân sỹ tài năng, đức độ, do đó củng cố thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của quần chúng nhân dân và uy tín của Chính phủ được tăng thêm”. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã không quản tuổi cao, cống hiến hết sức mình cho dân, cho nước, tích cực tham gia vào các hoạt động quan trọng của Chính phủ. Từ ngày 29/5 đến ngày 21/10/1946, cụ được Chủ tịch Hồ chí Minh tin cậy giao ký các công văn thường ngày và Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng Chính phủ. Đặc biệt ngày 21/5/1946 khi Phái đoàn Chính phủ Việt nam sang thăm Pháp và dự cuộc đàm phán chính thức Việt-Pháp tại Phông-ten-nơ-blô, Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng thành kính nói với cụ: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự nhờ cậy ở cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong cụ dĩ bất biến ứng vạn biến”. Như vậy trong lúc vận nước ngàn cân treo sợi tóc cụ Huỳnh Thúc Kháng ngoài cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao trọng trách Quyền Chủ tịch nước, trực tiếp giải quyết các công việc quốc gia đại sự. Cuối năm 1946, cụ được cử thay mặt Chính phủ đi kinh lý ở miền Trung để kêu gọi đồng bào chiến sĩ ủng hộ Chính phủ liên hiệp kháng chiến, không may cụ bị ốm nặng và tạ thế ngày 29/4/1947. Sự ra đi của cụ là tổn thất lớn lao của Chính phủ, của quốc dân đồng bào.

Trong nhân sự cao cấp giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ còn có giáo sư đại tri thức Hoàng Minh Giám. Giáo sư Hoàng Minh Giám sinh ngày 04/11/1904 tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay là quận Bắc Từ Liêm thành phố Hà Nội, trong một gia đình nhiều người đỗ khoa bảng. Năm 1926, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Đông Dương khóa III, sau đó dạy học ở Phnôm Pênh (Campuchia), Sài Gòn. Ông tham gia Đảng Xã hội Việt Nam, là Ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội. Ông được bổ nhiệm giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ đầu tiên theo Sắc lệnh số 01/SL ngày 30/8/1945 do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ ký. Đến ngày 22/02/1946, cũng theo đề nghị của Bộ Nội vụ ông được Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Trên cương vị Thứ trưởng Bộ Nội vụ, giáo sư Hoàng Minh Giám trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đàm phán với Sainteny – đại diện Chính phủ Pháp, dẫn đến việc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1946, ông tham gia phái đoàn của Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, đến tháng 11/1946, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Người thay Đổng lý Văn phòng Hoàng Minh Giám là luật sư Phạm Khắc Hòe. Ông Phạm Khắc Hòe sinh năm 1901 ở Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh trong một gia đình khoa bảng, thuở nhỏ ông học chữ nho, sau học tiểu học Pháp-Việt, năm 1919 – 1922 học ở Trường Quốc học Huế, năm 1922 – 1925 học ở Trường Cao đẳng Pháp luật và hành chính Hà Nội. Năm 1925, ông tốt nghiệp và được phân công làm tham tán toàn sứ làm việc ở Huế và Quy Nhơn. Năm 1944 - 1945 làm Ngự tiền Văn phòng Đổng lý, hàm Thượng thư của vua Bảo Đại. Ông là người soạn thảo Chiếu Thoái vị của vua Bảo Đại ngày 22/8/1945. Chứng kiến sự hấp hối của triều đình nhà Nguyễn trước và trong Cách mạng Tháng Tám, đồng thời là người góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của triều đình phong kiến từ bên trong, ông đã phối hợp với lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Việt minh tại Huế vận động gây sức ép, buộc Bảo Đại thoái vị, góp phần làm sụp đổ chế độ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông tham gia chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Nha pháp chính, đến ngày 22/3/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 31/SL bổ nhiệm giữ chức Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Giám đốc Nha pháp chính và Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ, ông còn tham gia các cuộc đàm phán Việt Pháp ở Đà Lạt và ở Phông-ten-nơ-blô với tư cách là cố vấn kiêm Tổng thư ký Đoàn đại biểu Việt Nam. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy trên cương vị Giám đốc Nha Pháp chế -Hành chính, Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ ông đã mang hết khả năng, trình độ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm của mình cùng với lãnh đạo Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ thực hiện tốt công tác pháp chế -hành chính của Chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa.Trong lịch sử nền hành chính nước nhà, việc sử dụng ông Phạm Khắc Hòe - Đổng lý Văn phòng Hoàng đế Bảo Đại vào cơ cấu cán bộ chủ chốt của Bộ Nội vụ là ví dụ điển hình minh chứng cho tài năng thu phục những công chức - trí thức của chính quyền cũ, có trình độ năng lực chuyên môn, có hạnh kiểm tốt vào làm việc cho chính quyền cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chánh Văn phòng đầu tiên của Bộ Nội vụ là ông Hoàng Hữu Nam, tên thật là Phan Bôi. Ông sinh năm 1911 trong một gia đình nổi tiếng về hiếu học, yêu nước và cách mạng. Khi 15, 16 tuổi, ông học trường Quốc học Huế, ông sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng trong năm này ông bị thực dân Pháp bắt đưa ra xét xử trong vụ án “Đông Dương cộng sản”, ông bị kết án 20 năm tù và đầy ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do, tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở Quảng Nam, Đà Nẵng và Hà Nội. Năm 1941, ông lại bị thực dân Pháp bắt đưa đi an trí tại Bắc Mê-Vị Xuyên- Hà Giang, nhà lao Ninh Bình, sau đó bị đầy đi Madagasca (Châu Phi). Tháng 6 năm 1943, ông được phóng thích khỏi Madagasca và được đưa sang Ấn Độ. Để có cơ hội về nước tham gia hoạt động cách mạng được tổ chức Đảng trong nước đồng ý, ông cùng 6 đồng chí khác cùng bị giam ở Madagasca nhận làm tình báo cho Anh. Cuối năm 1944, sau khi dự huấn luyện nghề tình báo, ông được quân đội Anh đưa về Việt Nam, nhảy dù xuống Cao Bằng, ông bắt nối với cơ sở của ta và được đưa về công tác ở cơ quan Trung ương Đảng. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông và một số đồng chí khác trong đó có đồng chí Phạm Văn Đồng được Bác Hồ phân công ở lại củng cố cơ sở. Tháng 01 năm 1946 ông được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ. Cũng trong năm này, ông được bầu là Đại biểu Quốc hội. Tháng 3 năm 1946 khi Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập, thay thế Chính phủ lâm thời, ông Hoàng Hữu Nam được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông còn được giao nhiệm vụ là Trưởng ban Liên kiểm Việt Pháp. Trong thời gian này, ông tham gia vào nhiều quyết định quan trọng của trung ương để bảo vệ chính quyền non trẻ, trước tình hình phức tạp lúc bấy giờ. Ông được cử làm đặc phái viên Quân ủy Hội, Chính trị ủy viên Quân đội tiếp phòng Việt Nam. Khi mặt trận Hà Nội vỡ, ông cùng Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục công tác trong Hội đồng Chính phủ. Ông là một lãnh đạo ưu tú của Bộ Nội vụ, là người cộng tác đắc lực cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 24/4/1947, ông bị mất trên đường công tác tại Tuyên Quang. Sự ra đi của ông trong lúc quốc dân đang cần nhân tài để đảm đương việc nước là một tổn thất lớn lao của Chính phủ và của Bộ, ngành Nội vụ.

Chánh Văn phòng thứ hai Bộ Nội vụ là ông Đặng Việt Châu, tên thật là Đặng Hữu Rạng sinh năm 1914 ở Bách Tính- Nam Hồng- Nam Trực- Nam Định trong một gia đình nhà nho khí tiết không chịu công tác với chính quyền thực dân Pháp. Sau khi học xong tiểu học, năm 1929, ông vào học ở trường Thành Chung Nam Định. Tháng 3/1931, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1937 ông tham gia xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách khu C gồm 4 tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Hà Nam và Ninh Bình. Ông cùng các đồng chí Xứ ủy lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai. Năm 1939, ông bị mật thám Pháp bắt giam cầm ở nhà lao Bắc Mê (Hà Giang). Đầu tháng 8/1942 mới được thả, nhưng bị quản thúc. Cuối năm 1944, ông tham gia phái đoàn ngoại giao do Hoàng Quốc Việt lãnh đạo từ Hải Phòng sang Quảng Tây, Trung Quốc. Tháng 5/1945 về nước, ông được Xứ ủy giao nhiệm vụ giúp ban cán sự Vĩnh Yên lãnh đạo khới nghĩa giành chính quyền ở Vĩnh Yên và được cử làm Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 30/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 85 cử ông giữ chức Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ, sau đó được cử làm đặc phái viên của Bộ Nội vụ ở Ninh Bình và Thanh Hóa.

Trong nhân sự cấp cao của Bộ đầu năm 1946, còn có ông Tôn Quang Phiệt được giao phụ trách Nha Thanh tra Bộ. Tôn Quang Phiệt sinh năm 1900 trong một gia đình nhà nho tại Võ Liệt, Thanh Trương, Nghệ An. Thuở nhỏ học ở Trường Thành Chung tại Quốc học Vinh. Năm 1923, học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1925, ông cùng Đặng Thai Mai, Phạm Thiều sáng lập ra tổ chức Việt Nam nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu, sau đó tổ chức này thống nhất với Hội Phục Việt, ông là Hội trưởng Hội Phục Việt. Năm 1927, tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930 gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đầu năm 1930, ông bị bắt, bị kết án 7 năm tù, bị đầy đi Buôn Mê Thuột. Năm 1934, ông ra tù, bị quản thúc, dạy học ở trường tư thục Vinh, sau đó vào Huế mở trường tư thục Thuận Hóa. Từ 1936 – 1945, tham gia Mặt trận dân chủ, phong trào Đông Dương đại hội, tham gia hội truyền bá quốc ngữ. Sau cách mạng Tháng Tám, ông là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban kháng chiến đầu tiên của Thừa Thiên Huế. Năm 1946, ông là đại biểu Quốc hội khóa I, được Chính phủ giao phụ trách Nha Thanh tra thuộc Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, trong cơ cấu nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ từ 28/8/1945 đến tháng 12/1946 còn có ông Lê Giản. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia phong trào cách mạng bị thực dân Pháp bắt đầy sang đảo Madagasca (Châu Phi). Tháng 6/1943 ông được phóng thích cùng với Hoàng Hữu Nam, ông được quân đội Anh huấn luyện làm tình báo. Sau đó chuyển sang Cục tình báo chiến lược của Mỹ OSS, cuối năm 1944 ông nhảy dù xuống Việt Bắc, mang điện đài, tài liệu và tiền của địch cho Việt Minh. Tháng 01/1946 được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm nhận chức Giám đốc Nha Công an của Bộ Nội vụ. Sau khi Nha Công an đổi thành Việt Nam Công an vụ, ngày 08/6/1946 thay mặt Chủ tịch Chính phủ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng ký Sắc lệnh cho ông Nguyễn Dương được từ chức Giám đốc Công an vụ, ông Lê Giản được cử làm quyền Giám đốc Việt Nam Công an vụ. Trên cương vị Giám đốc Nha Công an, Quyền Giám đốc Việt Nam Công an vụ ông Lê Giản đã đóng góp hết sức mình cho sự nghiệp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự trị an trong tháng, năm đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.

Như vậy, từ 28/8/1945 đến tháng 12 năm 1946 trong nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ giữ chức Bộ trưởng là Giáo sư sử học Võ Nguyên Giáp và nhân sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, thứ trưởng Bộ Nội vụ là các ông Hoàng Minh Giám và Hoàng Hữu Nam. Ngoài ra, còn có các cán bộ cao cấp, cán bộ chủ chốt của Bộ là Đổng lý văn phòng Bộ Phạm Khắc Hòe, Chánh Văn phòng Bộ Đặng Việt Châu, Giám đốc Nha Thanh tra Tôn Quang Phiệt, Giám đốc Nha Công an Lê Giản... Trong số họ có người là chiến sỹ cách mạng, đảng viên cộng sản, có người là nhân sĩ, trí thức yêu nước, xuất thân từ các thành phần khác nhau, được đào tạo trong các trường, lớp có tên tuổi, được rèn luyện, thử thách, vào sinh ra tử trong các phong trào cách mạng, bị giam cầm, tù đày trong các nhà lao của đế quốc, vì đại nghĩa dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc họ đi theo chính quyền cách mạng và Chính phủ liên hiệp kháng chiến, họ được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, trọng dụng, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ. Có thể thấy “thành phần cán bộ của Bộ ngay từ đầu đã thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc mạnh mẽ trên cơ sở của chủ nghĩa yêu nước và ý thức phụng sự nhân dân”. Bên cạnh các cán bộ cách mạng cao cấp như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Hữu Nam, Đặng Việt Châu... Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Bộ Nội vụ đã cảm hóa mời được các nhân sỹ, trí thức yêu nước, tiến bộ có danh vọng và uy tín, có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực hành chính, pháp chế và quản lý như chí sĩ đại khoa bảng Huỳnh Thúc Kháng, đại trí thức Hoàng Minh Giám, luật sư Phạm Khắc Hòe đến làm việc trên tinh thần thành thật hợp tác, lấy công việc phụng sự dân tộc làm mục tiêu, không phân biệt, kỳ thị. “Đây chính là một trong những ưu điểm nổi bật thể hiện tinh thần đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vận dụng trong việc xây dựng cơ quan Bộ Nội vụ nói riêng và xây dựng chính quyền cách mạng nói chung. Chủ trương này đã tạo ra ấn tượng và ảnh hưởng sâu sắc tới cả một thế hệ nhân sĩ, trí thức thời đó, có tác động to lớn và tích cực trong việc củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và củng cố chính quyền cách mạng.

Có thể khẳng định việc lựa chọn nhân sự cao cấp của Bộ Nội vụ trong những tháng, năm đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân là minh chứng cụ thể và điển hình về tài đức và chính sách trọng dụng nhân tài, trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là đỉnh cao của sự kế thừa phương sách dùng người “dụng nhân như dụng mộc” của ông, cha ta trong lịch sử. Nhiều nhân tài, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh lưa chọn bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Bộ Nội vụ sau này trở thành các cán bộ lãnh đạo kiệt xuất và uy tín của Đảng và Nhà nước như: Giáo sư, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp sau trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt nam, nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam, là một trong những vị tướng tài giỏi nhất trên thế giới, giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ, người được suy tôn là anh hùng của nhân dân. Giáo sư Hoàng Minh Giám - Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ sau trở thành Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa VI, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, nhà ngoại giao, nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam. Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Đặng Việt Châu sau trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Khu IV, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương, Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phụ trách Thanh tra Bộ Nội vụ Tôn Quang Phiệt sau trở thành Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Khóa I, Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội Khóa III và IV, Chủ tịch UB đoàn kết nhân dân Á-Phi của Việt Nam v.v…

Như vậy việc lựa nhân tài, trí thức vào cơ cấu lãnh đạo cao cấp (nhân sự cao cấp) Bộ Nội vụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi đầu xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc là vô cùng sáng suốt, chính xác và rất hiệu quả. Nhờ có những cán bộ lãnh đạo cao cấp, chủ chốt tài ba này Bộ Nội vụ đã hoàn thành xuất sắc chức năng, nhiệm vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ giao xây dựng và bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến kiến quốc thắng lợi./.

PGS. TS. Văn Tất Thu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Nguồn: www.isos.gov.vn
Tìm kiếm