BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình thực hiện những chương trình tuyên truyền về những tấm gương điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

17/09/2015 09:34

Thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Qua gần 10 năm học tập và thực hành làm theo tấm gương của Bác, tôi đã nhận thức sâu sắc rằng: Chủ  tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Nhìn chung, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng có thể khái quát thành bốn nội dung cơ bản, là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư và tinh thần quốc tế trong sáng. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, thì tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc không thể thiếu được trong xây dựng nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Phê bình là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ.Không phê bình tức là bỏ mất một quyền dân chủ của mình.

Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là một di sản tinh thần vô cùng quí báu của Đảng và dân tộc ta. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, vấn đề đặt ra không chỉ ở chỗ thừa nhận và khẳng định những giá trị thực tiễn to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh, mà một điều rất quan trọng là vận dụng và phát triển những giá trị tư tưởng đó vào sự nghiệp xây dựng đội ngũ cán bộ của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam, trong đó có bản thân tôi.

Góc độ là một phóng viên làm công tác tuyên truyền trong một cơ quan ngôn luận Đảng, bản thân luôn tìm hiểu và theo đuổi các đề tài trong đó có những cá nhân, tập thể học tập và làm theo lời Bác. Cơ quan nơi tôi đang công tác là Trung tâm truyền hình Việt Nam tại TPHCM (VTV9) đóng trên điạ bàn TPHCM, tôi có nhiều lần gặp gỡ trao đổi phỏng vấn những người liên quan đến mảng này. Tôi đã đặt câu hỏi với PGS- TS Phan Xuân Biên, Nguyên Trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh(TPHCM) : Vì sao TPHCM là điạ phương có những tập thể, cá nhân và nhiều mô hình học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nhân rộng và khác hơn so với nơi khác? Tôi đã nhận được câu trả lời: Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. HCM đã rất ý thức và phải phấn đấu gấp nhiều lần so với nơi khác vì thành phố này được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bác Hồ bình dị mà cao quý. Người đã tạo nên sự vĩ đại từ những hành động tưởng như rất bình thường. Đó chính là phong cách, lối sống, đạo đức cách mạng, phẩm chất lớn lao mà tôi luôn kính phục, nỗ lực học tập và làm theo”.

Những đề tài mà tôi đã thực hiện học tập và làm theo gương Bác, có người là chủ nhà trọ 5 năm không tăng giá, vì một lý do duy nhất là thương những người công nhân nghèo hơn mình. Hay những người là đồng bào dân tộc thiểu số trong nhà mình di ảnh cuả Bác được đặt ở nơi trang trọng nhất như luôn có Bác chỉ lối soi đường. Hoặc với những người trên cương vị làm lãnh đạo nhưng luôn gần dân, trọng dân.

Mỗi người có một cách học ở Bác từ những việc làm khác nhau, nhưng có lẽ, cái chung nhất của mọi cõi lòng học theo Bác chính là hướng tới điều tốt đẹp cho cả xã hội.

Một nhà thơ Indonesia viết: "Người không màng danh dự ghế suy tôn/Ngồi vào đấy với Người không có nghĩa/Khi đức độ đã ngời như ngọc quý/Thì có nghĩa gì, chiếc ghế phủ nhung êm...". Yêu nước, yêu dân, cống hiến trọn cuộc đời cho độc lập dân tộc, cho hạnh phúc nhân dân..., đó là cái gốc của đạo đức Hồ Chí Minh. Và từ cái gốc ấy sẽ cần, kiệm, liêm, chính; sẽ chí công vô tư; sẽ có lòng nhân ái, yêu thương con người, sống có nghĩa có tình. Người từng nói: Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức tính cách mạng của con người. Và Người cũng nói, đó là bốn thang thuốc cách mạng để chữa những căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như cuộc đời Người vốn thế chứ không chỉ để làm gương. Có thể nói, ở Người, đạo đức đã đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, suy nghĩ và hành động, lời nói và việc làm, giữa việc công và đời tư.

Qua bài viết, tôi muốn chia sẻ và tâm đắc với 1 tác phẩm mà mình đã thể hiện phát sóng trong Chuyên mục "Tôi Người Việt Nam", tên của tác phẩm này là "Dấu ấn Bà hội đồng".

Chương trình đề cập đến một tấm gương mà trong suốt quãng đời của mình, dù ở cương vị nào cũng học tập và làm theo gương Bác. Đó là Bà Phạm Phương Thảo- Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM Khoá VII. Có thể nói nhiệm kỳ hoạt động cuả HĐND TPHCM Khóa VII đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân thành phố. Ấn tượng không chỉ bởi có nhiều điểm mới, sáng tạo dân chủ hơn. Mà có lẽ khi ấn tượng còn thể hiện khi nhắc đến vị chủ tịch Hội đồng nhân dân TPHCM ai cũng nghĩ ngay đến một người nữ lãnh đạo sống giản dị, chân thành và luôn gần dân. Cũng theo người Phụ nữ này để làm được điều ấy trước hết phải thấm nhuần tư tưởng: Học tập và làm theo lời bác là "Trọng dân, gần dân"

Bà Phạm Phương Thảo, cho biết bản thân mình cũng theo gương Bác, luôn tu dưỡng, rèn luyện. Mỗi tháng bà đi xe buýt 5-10 lần, nếu có điều kiện thì đi xe đạp hoặc đi bộ đến nơi làm việc, khi đi công tác bằng máy bay thì chọn vé hạng thường.

Đối với bà, làm theo tấm gương Bác Hồ phải bằng những việc làm cụ thể. Trên cương vị của mình, bà đã hướng mọi suy nghĩ, hành động vào việc thúc đẩy sự phát triển của thành phố và phục vụ nhân dân; cùng chính quyền thành phố quyết liệt thực hiện cải cách hành chính để phục vụ dân ngày càng tốt hơn. Bà cho biết: “Trước đây, cán bộ công chức thành phố bị phê bình là “3 không”: Không cười, không giải thích, nói chuyện với dân không có chủ ngữ”. Đến nay, đã có hơn 20.000 cán bộ công chức học ứng xử văn hóa với dân”.

Qua những chương trình mà mình đã thực hiện với những tấm gương học tập và làm theo gương Bác, bản thâm tôi đã học hỏi rất nhiều từ thực tiễn cuộc sống để làm vốn sống, vốn nghề và một điều quan trọng bản thân luôn tâm niệm là "Có Bác lòng ta trong sáng hơn"

Phóng viên Nguyễn Duy Thịnh, Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh
Tìm kiếm