Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức của người cán bộ lãnh đạo, quản lý được biểu hiện trước hết là trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân. Người cho rằng, điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối, chính sách và nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho mục tiêu lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý là người giữ cương vị rất quan trọng trong bộ máy của hệ thống chính trị càng cần có đức hy sinh cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ, vào Đảng là tự nguyện; nếu vào Đảng mà sợ hy sinh thì đừng vào hoặc khoan hãy vào, để khi nào rèn được đức hy sinh rồi hãy vào.
Hiện nay, việc giáo dục tuyên truyền phẩm chất trung với nước, hiếu với dân cần phải làm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức sâu sắc và quyết tâm thực hiện cho bằng được mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cần nêu cao hơn nữa tinh thần độc lập dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới chứ không phải lệ thuộc vào ngoại bang để “đánh mất” bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt, Đảng ta khuyến khích mọi người, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý được làm giàu chính đáng theo pháp luật, chứ không phải làm giàu bằng tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, trốn thuế, dùng mọi biện pháp chiếm đoạt của công, của dân làm của riêng.
Trung với Đảng, trung với nước là phải luôn đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Khi cần, người cán bộ sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cá nhân mình, của gia đình mình cho lợi ích của Đảng, của dân tộc. Vì trong lợi ích của Đảng, của Tổ quốc có lợi ích của cá nhân mình. Có người cho rằng, hiện nay không nên nói nhiều tới lợi ích tập thể và đức hy sinh của người cán bộ mà phải đề cao lợi ích cá nhân mới tạo được động lực cho sự phát triển. Đây là quan niệm rất sai lầm và mang tính võ đoán chủ quan. Trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khi các lợi ích đặt ra cho mọi người thì phải giải quyết hài hoà giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội, người cán bộ là người có trọng trách trong bộ máy của hệ thống chính trị càng cần phải có đức hy sinh cho lợi ích của Đảng, của Tổ quốc. Có như vậy, người cán bộ mới được dân tin, dân phục, dân yêu. Đức hy sinh chính là biểu hiện cao nhất đạo đức cách mạng trung với nước, hiếu với dân của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng. Đa số chiến sỹ cách mạng là người có đạo đức cả đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, sinh hoạt ngày thường thì làm gương mẫu. Không phải chúng ta ham chuộng khổ hạnh và bần cùng. Trái lại, chúng ta phấn đấu hy sinh, vì chúng ta muốn xây dựng một xã hội ai cũng ấm no, sung sướng... trước hết phải nâng cao mức sống của nhân dân, rồi mới nâng cao mức sống của cá nhân mình. Tức là “Lo, thì trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ”(1). Dù thực tiễn có nhiều thay đổi, song quan điểm nêu trên của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục định hướng, soi sáng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, trung với nước không tách rời hiếu với dân. Hiếu với dân đòi hỏi người cán bộ phải thực sự là công bộc của dân, phải gắn bó với dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, phải nắm vững dân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm tới đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Hiếu với dân còn bao hàm cả hiếu với cha mẹ, mỗi cán bộ không chỉ yêu thương cha mẹ mình, mà còn phải yêu thương cha mẹ người, mọi người cùng yêu thương cha mẹ, yêu thương nhân dân. Hồ Chí Minh viết: “Người kiên quyết cách mạng nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc, phong kiến giày vò. Mình không những cứu bố mẹ mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa. Phải hiểu chữ hiếu của cách mạng rộng rãi như vậy”(2). Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân. Khi ra đi tìm đường cứu nước Người đã theo đuổi mục đích cao cả là đấu tranh để giải phóng đồng bào ta đang bị đọa đày đau khổ. Khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của cách mạng, Người luôn phấn đấu thực hiện cho được “một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Khi phải từ biệt thế giới này, Người vẫn còn nuối tiếc là không được phục vụ nhân dân lâu hơn, nhiều hơn nữa.
Hai là, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Yêu thương con người được thể hiện ở tình cảm của người cán bộ lãnh đạo, quản lý dành cho nhân dân; thể hiện trong mối quan hệ với đồng chí, đồng đội, với mọi người chung quanh; thể hiện đối với những người mắc sai lầm, khuyết điểm, lầm đường lạc lối đã hối cải. Yêu thương con người đòi hỏi người cán bộ phải làm mọi việc để phát huy sức mạnh của mỗi người, đoàn kết để phấn đấu thực hiện cho được sự ham muốn, ham muốn tột bậc của Hồ Chí Minh là làm sao cho “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Hồ Chí Minh: Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân; việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh; chớ có vác mặt quan cách mạng để đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng hiện nay ở không ít nơi, không ít người trong bộ máy của hệ thống chính trị xa dân, không kịp thời lắng nghe và giải quyết tâm tư nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, sách nhiễu ức hiếp nhân dân, làm cho lòng dân không yên, gây nên tình trạng khiếu kiện vượt cấp ở một số nơi diễn ra trầm trọng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ ta.
Ba là, cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Trong tình hình hiện nay, phải làm cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thấm nhuần sâu sắc hơn nữa phẩm chất đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Việc này, từ trước tới nay chúng ta vẫn thực hiện, song trong chừng mực nào đó, công tác tuyên truyền, giáo dục ở các cấp, các ngành, nhà trường và địa phương có những bất cập so với sự phát triển của thực tiễn. Còn không ít cán bộ, đảng viên hiểu nội dung của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách giáo điều, máy móc theo lối “tầm chương, trích cú". Có thể khẳng định rằng, nội dung đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, nhưng không thể hiểu một cách phi lịch sử, chết cứng mà nhất thiết phải bổ sung vào đó những nội dung, yêu cầu mới, gắn với thực tiễn mới của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Sinh thời, Hồ Chí Minh vẫn thường sử dụng những phạm trù đạo đức của nho giáo, đạo đức cổ truyền, song Người đã cải tạo nội dung và đưa vào những phạm trù đó những yêu cầu mới phù hợp với nhiệm vụ cách mạng. Theo tinh thần như vậy, ngày nay không thể hiểu cần, chỉ là sự cần cù, chịu khó, tự lực, tự cường... mà còn là trình độ tư duy, sự chủ động, nhạy bén của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, đề xuất phương hướng, giải pháp lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; sự năng động, sáng tạo xử lý các tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Kiệm, không chỉ là ý thức tiết kiệm từ cái nhỏ đến cái lớn, tiết kiệm thời gian, công quỹ...mà còn đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có sự tỉnh táo, tinh tường nắm bắt thời cơ, vận hội, cạnh tranh có hiệu quả để làm giàu cho đất nước; đồng thời, khắc phục những thách thức, rủi ro, gây thất thoát đối với tài sản của Nhà nước và tập thể. Liêm, bên cạnh yêu cầu phải sống trong sạch không tham tiền của, hiếu sắc, không nịnh trên, dối dưới... còn phải đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu đấu tranh loại bỏ bệnh quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đang diễn ra trầm trọng, làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của Đảng, gây bức xúc trong nhân dân. Chính, vừa phải thẳng thắn, chính trực, làm điều thiện, tránh điều ác; hơn nữa, còn phải công tâm, khách quan, dân chủ, gần gũi gắn bó với quần chúng, sâu sát cơ sở; nêu cao dũng khí trong tự phê bình và phê bình. Chí công vô tư, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có tầm nhìn sâu, rộng về tương lai, tiền đồ phát triển của quốc gia, dân tộc, luôn đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết và trước hết, không nhỏ nhen ở những toan tính cá nhân, những mối lợi nhất thời, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa.
Bốn là, có tinh thần quốc tế trong sáng. Theo Hồ Chí Minh cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều đóng góp vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng thế giới. Do đó, Người yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, mở rộng đoàn kết giữa dân tộc ta với các dân tộc trên thế giới. Tinh thần quốc tế trong sáng là phẩm chất đạo đức không phải đối với bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào cũng bộc lộ ra, nhưng việc giáo dục của Đảng và việc rèn luyện của mỗi cán bộ về tinh thần quốc tế lại không thể coi nhẹ, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi chúng ta đã và đang thực hiện chủ trương của Đảng về đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế, với tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.
Hiện nay, cần tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức sâu sắc rằng, trong điều kiện toàn cầu hoá, việc mở rộng tình đoàn kết quốc tế, hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập quốc tê là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Đoàn kết quốc tế trong sáng là thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới, phấn đấu vì độc lập, hoà bình, hợp tác và phát triển. Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác, mở rộng hợp tác cùng có lợi, phấn đấu vì hoà bình, phát triển, chống chiến tranh, đói nghèo, bất công, cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế. Cán bộ lãnh đạo, quản lý phải kiên quyết đấu tranh chống tâm lý tự ty, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; phê phán các biểu hiện vong bản, vọng ngoại hoặc vô nguyên tắc trong hội nhập quốc tế.
Như vậy, sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng chính là ở thực tiễn không ngừng phát triển. Do đó, việc giáo dục, tuyên truyền những phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng của Người chỉ thực sự sinh động, có hiệu quả cao khi bám sát những yêu cầu thực tiễn của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Công tác tuyên truyền cần tập trung làm cho mọi người, mọi cấp, mọi ngành hiểu được và nhận thức một cách chân thực về tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, họ tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, coi đó là việc làm sung sướng nhất, vẻ vang nhất như lời căn dặn của Người. Mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tình cảm kính yêu vô hạn đối với Bác góp phần thực hiện thắng lợi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động.
Ghi chú:
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1996, tr.568.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, H.1996, tr.60.
Đặng Sỹ Lộc
Học viện Chính trị Quân sự