Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Ủ phát gạo hỗ trợ người dân.
Trung tá Lò Văn Hiêng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Pa Ủ, cho biết: "Pa Ủ hôm nay được khoác áo mới với điện, đường, trường, trạm, được đầu tư khang trang, trong bản hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy làm phương tiện đi lại, có ti vi để cập nhật thông tin và giải trí. Đến nay, 289 hộ/2.970 khẩu, 100% là người La Hủ, đã định cư tại 12 bản với gần 90 căn nhà Đại đoàn kết. Đặc biệt, bà con biết khai hoang trồng lúa nước, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, bệnh nhân đã biết đến trạm y tế, hoặc đồn biên phòng để được khám và điều trị, tình trạng nghiện rượu, nghiện thuốc phiện giảm hẳn, bà con nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tích cực cùng bộ đội biên phòng tuần tra bảo vệ biên giới".
Được biết, để tạo nên kỳ tích này ở Pa Ủ, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Chính phủ bằng các chương trình, dự án còn có sự nỗ lực bám, nắm địa bàn của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pa Ủ với phương châm "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc là anh em ruột thịt".
Cách đây hơn chục năm, tuy chỉ cách trung tâm huyện hơn 60km, song các bản của xã Pa Ủ đều trong tình cảnh không đường, trường, trạm, điện, không thông tin; nhận thức của đồng bào hạn chế, đặc biệt tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, thiếu ý thức vươn lên trong cuộc sống, khiến bà con La Hủ đứng trước nguy cơ bị đói nghèo, lạc hậu, bệnh tật, nghiện hút. Do vậy, nhiệm vụ mà chỉ huy Đồn biên phòng Pa Ủ lúc đó xác định không chỉ quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, mà còn có nhiệm vụ đặc biệt quan trọng giúp người La Hủ yên tâm bám bản xây dựng cuộc sống mới, chấm dứt tình trạng du canh, du cư…
Bộ đội biên phòng giúp dân dựng nhà.
Để từng bước giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, đơn vị duy trì 1 tuần 2 buổi học tiếng La Hủ để cán bộ, chiến sĩ có thể giao tiếp với bà con và thành lập các tổ công tác thực hiện "4 cùng" với nhân dân, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp dân khai hoang ruộng nước, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Đây là một công việc không mấy dễ dàng, bởi bà con lâu nay chỉ quen với việc vào rừng săn bắt, đào củ trên rừng về sử dụng, hết ở khu vực này lại di chuyển chỗ khác, nếu có sản xuất thì chỉ trồng ngô trên nương, do đó, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng lại phải miệng nói, tay làm, đào ao, thả cá, nuôi lợn, làm các mô hình trồng lúa nước, trồng rau để bà con làm theo. Đồng thời, đơn vị tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố kiện toàn các chi bộ, đoàn thể quần chúng và cử đảng viên xuống tham gia sinh hoạt tại 6 chi bộ thôn, bản.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức ra quân giúp dân xóa đói giảm nghèo tại các bản của xã. Cụ thể: Đã tiến hành sửa chữa 3.450m mương dẫn nước, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí được 45 buổi/759 lượt người, xây dựng 1.018m2 ruộng lúa nước 2 vụ, khai hoang phục hóa 2.125m2 ruộng nước, giúp dân trồng lúa, gieo trồng ngô và làm 15 vườn rau ở các bản, xây dựng 12 nhà tắm, 13 nhà vệ sinh công cộng, 21 giàn bầu bí cho các bản. Kết quả, nhiều hộ đã biết mở rộng chuồng trại chăn nuôi gia súc, phát triển sản xuất, từ đó đời sống kinh tế đã được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Quân y Đồn biên phòng tổ chức khám bệnh cho người dân bản.
Quân y Đồn biên phòng còn kết hợp với Trạm Y tế xã Pa Ủ tổ chức khám, chữa bệnh cho nhân dân. Với những bệnh đơn giản, các anh cấp thuốc, điều trị kịp thời, những bệnh nặng hơn thì tiến hành sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên để điều trị. Các anh còn trực tiếp xuống tận bản để khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho bà con, hướng dẫn người dân biết cách ăn ở vệ sinh, nằm màn chống muỗi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh. Giờ đây, mỗi khi bà con bị ốm đau không còn chạy vào rừng tìm lá thuốc tự chữa hay mời thầy cúng, thầy mo về nhà nữa, phụ nữ khi có thai, sinh nở đã biết đến trạm y tế để được chăm sóc, theo dõi sức khỏe.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, chương trình "Hũ gạo tình thương, con lợn tiết kiệm" được triển khai hiệu quả. Số gạo do cán bộ, chiến sĩ đơn vị hàng ngày tiết kiệm đã được giúp đỡ cho các cháu học sinh mầm non 15kg/gạo/tháng, tiền tiết kiệm để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó 350.000 đồng/tháng. Chương trình được bắt đầu triển khai từ năm 2010, đến nay đã có hàng chục em học sinh được hỗ trợ, có thêm điều kiện để theo đuổi ước mơ con chữ.
Chia tay Pa Ủ khi ánh nắng cuối ngày đang khuất dần sau triền núi, đi trên con đường 60km trải nhựa về thị trấn huyện được đầu tư trên 2 tỷ đồng, cùng hàng chục nghìn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, được chứng kiến cuộc sống của người dân Pa Ủ đang thay da đổi thịt, chúng tôi thật sự vui mừng và phấn khởi, thầm mong cho mục tiêu thay đổi về lượng và chất trong đời sống xã hội của cộng đồng người La Hủ nơi đây, theo Đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ", sớm thành hiện thực, để không còn khoảng cách về phát triển giữa người La Hủ với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh.
Đức Duẩn - Minh Thanh