Phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Bác Hồ là người giản dị trong cuộc sống đời thường, trong công việc cũng như tiếp xúc với quần chúng nhân dân. Từ việc Bác đi thăm nhà tập thể công nhân, viết thư cho một đồng chí, nói chuyện với các cháu thiếu nhi hay đi thăm và tặng quà cho các cụ già mỗi khi Tết đến, cho dù trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác Hồ luôn gần gũi thân thiết. Trong từng lời nói, cử chỉ và công việc, Bác Hồ rất giản dị và ẩn chứa trong đó là những bài học sâu sắc về nhân cách sống, về quan điểm cách mạng và thái độ phục vụ nhân dân. Khi Bác nói về đường lối, chính sách, chủ trương với quần chúng cũng hết sức giản dị, dễ hiểu, như năm 1954, khi hòa bình được lập lại trên miền Bắc, có lần nói chuyện với bà con công giáo ở Phát Diệm, Bác nói: “Từ nay, với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui”. Những lời nói của Người thể hiện quan điểm tư tưởng vững chắc, lập trường chính trị rất rõ ràng, song vẫn dễ đi vào lòng người, động viên khuyến khích mọi người cùng chung tây xây dựng đất nước. Bác nói được với mọi người, hơn thế, nói được với mỗi người, bởi đó là tiếng nói chân thực, giản dị; giản dị vì đó chính là tiếng nói của một tấm lòng. Bác đã viết bài tuyên truyền cách mạng, kêu gọi mọi người đứng lên kháng chiến giành độc lập dân tộc. Những tư tưởng lớn được truyền đạt dưới một văn phong giản dị, cô đọng, súc tích như: “Không có gì quý hơn độc lập tư do” hay để kêu gọi tinh thần đoàn kết Bác đã nói “Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết. Thành công thành công đại thành công”. Đặc trưng nổi bật dễ nhận thấy trong cách nói, cách viết Hồ Chí Minh là tính ngắn gọn, hàm súc. Các bài nói, bài viết của Bác Hồ đã kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông – ghi ít, nhớ nhiều, ý tại ngôn ngoại. Chính vì vậy, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không choáng ngợp”.
Bác Hồ là người sáng lập ra báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là một nhà báo dày dạn kinh nghiệm. Bác đã viết nhiều bài báo, nhiều lần trực tiếp trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước. Khi trả lời phỏng vấn, rất nhiều khái niệm rộng lớn Bác thể hiện thành một câu rất ngắn gọn, dứt khoát, rõ ràng, dễ nhớ nhưng nói lên đầy đủ thực chất vấn đề. Ví dụ, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng tin Reuter của Anh năm 1947, Người đã miêu tả chính sách đối ngoại của nước ta bằng một câu giản dị nhưng lại mang tính tổng quát rất cao: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ an hem, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”. Trả lời phỏng vấn của Báo Frères D’Armes năm 1948, về câu hỏi Chủ tịch ghét gì nhất, Bác trả lời “Điều ác”, còn điều gì yêu nhất thì Bác đáp lại “Điều thiện”; về điều gì mong muốn nhất, Bác khẳng định: “Nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu”; còn việc sợ gì nhất thì Bác nói rõ: “Chẳng sợ gì cả. Một người yêu nước không sợ gì hết và nhất thiết không được sợ gì!”. Khi tiếtp xúc với báo chí, cũng như khi nói chuyện, Bác hay dùng những cầu ví dân gian đầy hình tượng và dễ nhớ. Như khi trả lời các nhà báo về những yêu sách ngang ngược của bọn Trung Hoa Quốc dân đảng khi chúng ở Việt Nam, Bác dặn dân ta “Muốn gánh được nặng phải chịu được khó nhọc”. Hoặc khi được hỏi về đại cương chính sách đối ngoại của Việt Nam, Bác trả lời ngắn gọn: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”. Hay khi nói tới nhân tố mang tính quyết định đối với thành công trên mặt trận ngoại giao, Bác nhấn mạnh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”…
Coi báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến tác dụng của bài viết làm sao đến được với người đọc, làm cho người đọc hiểu nội dung bài viết một cách nhanh nhất. Bởi vậy, đối với quần chúng lao động, Bác luôn chọn cách viết đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn đầy đủ ý. Người chỉ rõ: “Mình viết ra cốt để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích”. Chính vì vậy, theo Bác, để bài viết đạt được tính ngắn gọn, hàm súc, cô đọng, có nội dung thiết thực, gắn với mục đích đặt ra; điều quan trọng là người viết phải rèn luyện công phu.
Bác không chỉ dạy các nhà báo về quan điểm viết báo là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, mà còn phải viết thế nào cho người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Dù các bài viết đó thuộc thể loại nào, phục vụ cho đối tượng người đọc nào, nói về những vấn đề cụ thể nào của cuộc songs chiến đấu, lao động hay những vấn đề lớn nào của đất nước, dân tộc, thời đại; theo Hồ Chí MInh, muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu phải học cách nói của quần chúng. Có học cách nói của quần chúng thì mới được người đọc là quần chúng chấp nhận. Người dạy “Chớ ham dùng chữ”, “Viết phải thiết thực”. Mặc dù là người uyên bác, am hiểu văn hóa phương Đông, phương Tây, biết nhiều ngoại ngữ nhưng Người thường sử dụng từ ngữ đơn giản, thông dụng mà lại phản ánh đúng bản chất sự vật, có sức thuyết phục cao. Chính bởi vậy nhiều câu, nhiều ý trong các bài viết của Người đã đi vào đời sống và trở thành khẩu hiệu, phương châm hành động như: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” hay châm ngôn ngắn gọn, chặt chẽ: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”… Người cực lực phê phán những cách dùng chữ cầu kỳ, không phù hợp đối tượng và ngữ cảnh văn hóa.
Theo Bác, nhà báo khi tác nghiệp, dưới bất cứ hình thức và thể loại nào đều phải chú trọng tới đối tượng cần giáo dục, tuyên truyền; phải hiểu rõ sở thích, nhu cầu, trình độ, phong tục tập quán của từng loại đối tượng ấy để viết bài, nói chuyện, truyền đạt cho được ý định, mục tiêu, yêu cầu, nội dung quan điểm, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giúp người dân hiểu biết tình hình, rõ nhiệm vụ, thực hiện đúng quy định pháp luật. Bác căn dặn rằng nhà báo cũng từ nhân dân mà ra, là con em của nhân dân, đi nhiều, biết nhiều nhưng không vì thế mà nói, viết những điều “Cao siêu, to tát” làm cho người dân không hiểu hoặc hiểu sai. Đối với người dân lao động, chân lý luôn luôn là cụ thể, họ chỉ làm được những việc mà họ có hiểu biết và có thể làm được. Do vậy, cách tiếp cận, viết bài, đưa hình, truyền ảnh không đung, không trúng, không phù hợp, không hấp dẫn đối tượng cần tác động, tuyên truyền thì chẳng những lao động của nhà báo uổng công, vô ích, tốn giấy mực, lãng phí tiền của, thời gian, công sức mà ngược lại còn bị gây dư luận không thuận trong xã hội.
Trong lớp báo chí đầu tiên của nước ta được tổ chức trong rừng Việt Bắc vào năm 1949, Bác gửi thu khuyên các nhà báo 4 điều sau: (i) Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; (ii) Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người ta; (iii) Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho họ hiểu; (iv) Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Bằng kinh nghiệm thực tiễn, Bác căn dặn các “chiến sĩ cầm bút” trước khi viết báo luôn luôn phải đặt ra những câu hỏi: Viết cho ai, viết để làm gì, viết cái gì và viết như thế nào? Theo Bác những câu hỏi trên đều thuộc nội dung viết báo, mà nội dung là cái quyết định nhất chất lượng của bài báo. Viết mà không rõ đối tượng, mục đích thì nội dung lạc đề. Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt nhưng phải có đầu, có đuôi. Bác khuyên người làm báo: “Chớ viết khô khan quá, phải viết cho văn chương vì ngày trước khác, bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới đọc”. Theo đó, Bác nhắc nhở cán bộ nói và viết phải ngắn gọn, rõ ràng, rành mạch như: “1 cộng 1 bằng 2” để người dân dù không biết chữ cũng có thể hiểu được để mà làm theo, như khi miền Bác xây dựng xã hội chủ nghĩa (năm 1954), để khuyến khích nông dân ra sức thi đua khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, Bác khuyên bảo: “Ruống đất khôn lắm, nó cũng biết suy tính đấy. Người chăm sóc nó chừng nào thì nó trả ơn cho người chừng ấy”. Qua đó, chúng ta thấy Bác quả là một tấm gương vô cùng sinh động khi các bài nói, bài viết của Bác hết sức ngắn gọn, giản dị, dễ đọc, dễ hiểu mà vẫn vô cùng sâu sắc, ai nghe cũng hiểu, ai đọc cũng nhớ. Đây là điều mà nhiều bản báo cáo, tổng kết của chúng ta hiện nay chưa đạt được.
Học tập phong cách báo chí Hồ Chí Minh
Cuộc đời Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, những lời nói, lời dạy của Bác luôn là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng mà mỗi chúng ta cần phải học tập và làm theo. Những bài học giản dị và sâu sắc về phong cách báo chí Hồ Chí Minh mãi mãi còn nguyên giá trị, là phương pháp luận đối với sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là “hành trang” của mỗi nhà báo chân chính. Sự giản dị của Bác càng làm nổi bật đời sống nội tâm và tôn thêm vẻ đẹp con người Bác. Tại sao Bác giản dị đến nhường ấy? Bởi con người Bác là sự kết tinh hài hòa giữa nền văn hóa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, phương Đông và phương Tây; bởi tấm lòng cao đẹp và trái tim yêu thương mênh mông của Bác “Bác sống như trời đất của ta. Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa. Tự do cho mỗi đời nô lệ. Sữa để em thơ, lụa tặng già…” (Trích trong bài thơ “Bác ơi”của Tố Hữu); Bác hiểu được lẽ Trời Đất, thiên mệnh, sống hòa nhịp với con người, với thời gian hiện tại nhưng hướng về tương lai… Học tập phong cách viết báo chân thực, ngắn gọn, trong sáng, giản dị, sinh động của Bác dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, nhà báo cũng đều phải phản ánh đúng sự thật. Học cách viết ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, hiệu quả của Bác vừa là một yêu cầu, vừa là tiêu chí đánh giá phẩm chất, năng lực của nhà báo, của cán bộ, đảng viên hiện nay. Bởi vậy, nói và viết trong sáng, giản dị, dễ hiểu là một đặc trưng nổi bật trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh mà mỗi cán bộ, đảng viên cần học tập.
Ngày nay, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đất nước ta đã giành độc lập dân tộc, hòa bình và thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời đại mới, dân tộc ta, nhân dân ta, non song đất nước ta có nhiều cơ hội nhưng đồng thời phải đối diện với nhiều thách thức mới. Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Đối với tôi, một cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao, học tập phong cách báo chí Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy mình cần nỗ lực rèn luyện rất nhiều theo phẩm chất đạo đức cũng như văn phong nói và viết ngắn gọn, rõ ràng, giản dị, trong sáng, dễ hiểu của Bác. Trong công việc hàng ngày, mỗi bản báo cáo, tổng kết cần ngắn gọn, súc tích; chứa đựng nội dung cụ thể, chặt chẽ; cách trình bày mang tính thuyết phục, dễ hiểu và thu hút người nghe, người đọc. Bên cạnh đso, trong công tác tuyên truyền đối ngoại cũng như tiếp xúc với báo chí cần chịu khó nghiên cứu sâu hơn; toàn diện hơn cả về nội dung lẫn phương pháp của Bác Hồ khi tiếp xúc báo chí như không lảng tránh báo chí, tránh phát ngôn dông dài, ý tứ không rõ ràng, không có lợi cho hình ảnh đất nước. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật thông tin và quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nghiên cứu lựa chọn các thông tin để phù hợp với các đối tượng trong nước và nước ngoài cũng như phát huy vai trò các phương tiện kỹ thuật hiện đại ứng dụng vào công tác thông tin đối ngoại để truyền tải đúng đắn, hiệu quả thông điệp về đường lối chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng và Nhà nước.
Chuyên viên Vũ Thị Hồng Hoa
Vụ Thông tin Báo chí – Bộ Ngoại giao