BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ với việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

11/09/2015 16:25

Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như việc vận dụng tư tưởng của Người trong mọi lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng cũng như những con người Việt Nam mới luôn là vấn đề thời sự, thể hiện tính cần thiết, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên của Trường ĐTBDCBCC phải tiếp tục đào sâu suy nghĩ, kiên trì phấn đấu và noi theo. Đó là sự nghiệp của toàn Đảng, của hệ thống chính trị, nhằm góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đồng thời đó cũng là sự nghiệp của Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (Trường ĐTBDCBCC) trong quá trình phát triển.

Đại hội IX của Đảng ta đã đưa ra một mệnh đề cấu thành định nghĩa rất chuẩn xác về tư tưởng Hồ Chí Minh, rằng "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam". Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu không phải dưới góc độ những ý kiến, những suy nghĩ riêng lẻ, cụ thể, mà trong sự tổng hợp có tính hệ thống, tức là nghiên cứu dưới góc độ một học thuyết chính trị - cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu, một mẫu mực tuyệt vời về đạo đức, không chỉ đạo đức của con người xã hội mà còn là đạo đức của một lãnh tụ cách mạng, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là nghiên cứu những phẩm chất cao quý thể hiện trong cuộc sống của Người, mà còn là nghiên cứu những quan điểm của Người về đạo đức, những quan điểm đó đã, đang và sẽ còn chỉ đạo dài lâu cho sự nghiệp của Đảng ta, của Cách mạng Việt Nam.

Xuyên suốt các tác phẩm của Người, từ "Đường Cách mệnh" (1927), "Sửa đổi lối làm việc" (1947), "Cần, kiệm, liêm, chính" (1949) cho đến "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" (1969) và bản Di chúc của Người (1969), ta thấy toát lên tinh thần và những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức.

Khái niệm đạo đức, được Hồ Chí Minh tập trung đề cập trong các tác phẩm của Người là đạo đức của xã hội mới, cao hơn nữa là đạo đức cách mạng, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Trong khuôn khổ buổi toạ đàm ngày hôm nay, tôi chỉ xin đề cập đến những phẩm chất đạo đức cao quý chung nhất, cơ bản nhất mà Người nêu lên đối với cán bộ cách mạng nói chung và đối với đội ngũ giảng viên-những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng nói riêng:

Đối với cán bộ cách mạng nói chung người đề ra yêu cầu về đạo đức:

Một là: Trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Không phải một lần mà rất nhiều lần, không phải đối với một số đối tượng nhất định mà đối với rất nhiều đối tượng khác nhau, Người luôn luôn nhắc nhở rằng, điều chủ chốt nhất của đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, là trung với nước, hiếu với dân.

Hai là: Nhân, nghĩa, trí, dũng. Nhân là thật thà yêu thương, giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẵn sàng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không ngại cực khổ, không sợ uy quyền. Nghĩa là ngay thẳng, không có tà tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu Đảng. Trí là đầu óc trong sạch, sáng suốt, dễ hiểu lý luận, dễ tìm phương hướng, biết xem người, xét việc,... Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa; cực khổ khó khăn có gan chịu đựng; có gan chống lại vinh hoa phú quý không chính đáng; nếu cần, có gan hy sinh cả tính mạng mình...

Ba là: Cần, kiệm, liêm, chính. Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm; thấy rõ lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta... Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của của nhân dân, của nước, của bản thân mình, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi; không phô trương hình thức, không liên hoan chè chén lu bù... Liêm là luôn luôn tôn trọng, gìn giữ của công và của dân; phải trong sạch, không tham lam; không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình... Chính "nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn". Đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa chữa điều dở... Đối với người thì không nịnh hót cấp trên, không xem khinh người dưới; luôn luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà... Cần, kiệm, liêm, chính luôn luôn đi liền với chí công, vô tư, tức là hết lòng chăm lo công việc chung, không tơ hào, tư lợi.

Trung, hiếu, nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư đều là những khái niệm vốn có từ Nho học và đạo đức từ lâu đời của ông cha ta, song đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi mới và phát triển, thậm chí có những khái niệm đổi mới hẳn về nội dung, như xưa kia là trung với vua, hiếu với cha mẹ, nay là trung với nước, hiếu với dân. Do đó, những phẩm chất đạo đức được Người nêu lên chính là những phẩm chất của đạo đức mới, của con người mới và nền văn hóa mới. Nó là sự kết hợp tinh thần cách mạng của giai cấp công nhân với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và những tinh hoa đạo đức của nhân loại.

Đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn có tầm sâu rộng hơn, vượt qua khuôn khổ quốc gia để tạo nên sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, xem "bốn phương vô sản đều là anh em"...


Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng và người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”4. Người nhấn mạnh: Đảng ta tổ chức trường học cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng, đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế để Đảng ta có thể làm tốt hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình. Theo tư tưởng của Người, cán bộ, công chức phải không ngừng học tập cả về lý luận và thực tiễn. Đảng chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức bởi vì nhiệm vụ cách mạng rất khó khăn và phức tạp, mỗi thời kỳ lại có những khó khăn, phức tạp riêng, chính vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng là công tác thường xuyên và lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của người thầy và chỉ ra yêu cầu tiêu chuẩn của người thầy, Người chỉ rõ: Người huấn luyện của đoàn thể phải làm biểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc. Như vậy, tiêu chuẩn yêu cầu trước hết đối với người huấn luyện phải là người được đào tạo và có khả năng truyền đạt về chuyên môn mà mình huấn luyện, giảng dạy; người thầy gương mẫu cả về tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc và người thầy phải là người thường xuyên học tập, nghiên cứu.

Phát triển tư tưởng đạo đức Hồ chí Minh trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức

Đẩy mạnh phong trào “đội ngũ giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức với việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là định hướng quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của nhà trường theo yêu cầu hiện nay. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, phần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”7 và “ Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”8. Một trong những giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đó là phải quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tại Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015 đã chỉ rõ sự cần thiết phải “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ”. Đồng thời, tại Quyết định số 875/QĐ-BNV ngày 18/9/2012 về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị và giảng viên quản lý nhà nước giai đoạn 2012-2015 đã đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2015, nâng cao chất lượng tương đối toàn diện đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị và giảng viên quản lý nhà nước, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nghiên cứu khoa học”.

Đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ là đơn vị có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và đại biểu HĐND, cán bộ, công chức cấp xã; vì vậy, để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đòi hỏi Trường phải có định hướng xây dựng đội ngũ giảng viên của nhà trường theo những phương thức và cách thức nhất định nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng. Triển khai xây dựng đội ngũ giảng viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu thực tế, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gặp những khó khăn và thuận lợi sau:

Tính đến tháng 10/2012, đội ngũ giảng viên của Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (bao gồm cả giảng viên thỉnh giảng và giảng viên cơ hữu) có 95 người, trong đó đội ngũ giảng viên cơ hữu có 19 người, viên chức khác và đội ngũ chuyên gia thuộc nhà trường tham gia giảng dạy có 15 người, còn lại là các nhà quản lý, khoa học, nhà giáo của Bộ Nội vụ, các Bộ ngành Trung ương và các Học viện. Về chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu như sau: 01 nhà giáo ưu tú; 02 Tiến sỹ; 13 Thạc sỹ (trong đó có 05 ThS.NCS); 03 cử nhân (03 đang chờ bảo vệ luận văn thạc sỹ).

Đối với đội ngũ giảng viên cơ hữu: Đa số được tiếp nhận từ các cơ quan, đơn vị không cùng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn cả về giảng dạy, cả về giải quyết các tình huống quản lý thuộc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Về chuyên ngành đào tạo của đội ngũ giảng viên như: Luật, Hành chính, Kinh tế, Văn thư-Lưu trữ, Chính trị học, Tôn giáo, Thi đua-khen thưởng....chiếm tỷ lệ 50% còn lại là các chuyên ngành đào tạo khác nên cũng chưa đảm bảo được về chuyên ngành theo yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Đối với giảng viên thỉnh giảng: Do giảng dạy chỉ là công tác kiêm nhiệm nên họ còn phải giải quyết công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại cơ quan đơn vị nên rất bị động khi tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, hơn nữa do vị trí công tác, “thương hiệu” của đội ngũ giảng viên thỉnh giảng nên các cán bộ quản lý đào tạo của Trường rất ngại phải trao đổi về việc quản lý và đảm bảo chất lượng, hiệu quả đứng lớp của đội ngũ này.

Chế độ, chính sách đối với giảng viên theo đánh giá chung, còn chưa đáp ứng được mục tiêu là động lực để đội ngũ giảng viên gắn bó lâu dài với nghề giáo. Lãnh đạo nhà trường đã nhận thức được đây là khâu then chốt để thu hút và giữ chân các giảng viên giỏi, nên ngoài thực hiện các quy định của nhà nước về chế độ, chính sách đối với giảng viên, Trường cũng đã có nhiều các quy định cụ thể về thanh toán chế độ giảng dạy trong Quy chế chi tiêu nội bộ, trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm... để khuyến khích và thu hút giảng viên giỏi đam mê với nghề giáo. Tuy nhiên để xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng đội ngũ giảng viên của nhà trường.

Xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức với việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng các nội dung sau:

Một là, chú trọng nâng cao nhận thức và chất lượng của đội ngũ giảng viên hiện có của nhà trường

Tiếp tục triển khai có hiệu quả cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đối với đội ngũ giảng viên nhà trường nhằm đảm bảo công tác này được triển khai sâu rộng và thiết thực đến tất cả đội ngũ giảng viên; nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường. Muốn vậy, cần phải xây dựng các chương trình hành động cụ thể, có đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm thông qua đó rèn luyện phẩm chất, tư tưởng, đạo đức của mỗi giảng viên theo yêu cầu đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra đối với mỗi cán bộ, cách mạng nói chung, cũng như đối với đội ngũ giảng viên và người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng. Khi Người giảng viên đã tự nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, cũng như thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh họ sẽ ý thức được việc phải tự rèn luyện bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng dạy và gắn bó với nhà trường, cùng vượt khó để nâng cao vị thế và sự phát triển của nhà trường. Nhận thức về trách nhiệm, vai trò của “người thầy” theo tư tưởng Hồ Chí Minh đối với đội ngũ giảng viên sẽ là nòng cốt để Trường ĐTBDCBCC thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng góp phần đẩy mạnh và có hiệu quả cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay. 

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên phải không ngừng học tập cả về lý luận và thực tiễn. Trau dồi lý luận, đạo đức cách mạng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đi đôi với nâng cao kỹ năng, khả năng và phương pháp giảng dạy. Muốn vậy, phải có các giải pháp tăng cường về đào tạo, bồi dưỡng đối với giảng viên. Lựa chọn có hiệu quả về nội dung bồi dưỡng, chương trình, phương pháp, hình thức, thời gian và nguồn tài chính. Trong đó, phải xây dựng kế hoạch đi nghiên cứu, khảo sát thực tế hàng năm cả trong và ở nước ngoài, sau chuyến khảo sát phải có báo cáo thu hoạch; đồng thời quy định việc nghiên cứu viết bài đăng trên tạp chí ngành, nội san....như một nhiệm vụ bắt buộc đối với đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp này cần được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Nội vụ trong việc bổ sung ngân sách cũng như của Lãnh đạo Trường trong việc tạo điều kiện để đội ngũ giảng viên được đi học tập, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài.

Để công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đạt hiệu quả, cần xây dựng và quy định rõ ràng các chuyên ngành đào tạo cần có tương ứng với các nội dung giảng dạy mà giảng viên đảm nhiệm để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức. Đồng thời, có cơ chế để sử dụng có hiệu quả đội ngũ chuyên gia thuộc Trường trong việc đánh giá, bồi dưỡng kèm cặp giảng viên trẻ.

Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chất lượng đứng lớp của đội ngũ giảng viên và qúa trình tự bồi dưỡng của đội ngũ giảng viên trẻ. Đối với đội ngũ giảng viên trẻ, tuy được đào tạo chính quy, có chuyên môn nghiệp vụ cao nhưng cái “thiếu” và “yếu” đó là kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy và trong giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước mà mình nghiên cứu, giảng dạy. Việc đi khảo sát, nghiên cứu thực tế là nội dung cần quan tâm trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ. Vì vậy để đảm chất lượng, cần có sự đôn đốc, kiểm tra quá trình tự bồi dưỡng của đội ngũ này, chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp là lãnh đạo Khoa. Một nội dung không thể thiếu đó là việc xây dựng cơ chế đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên sau khoá đào tạo, bồi dưỡng gắn với quá trình lên lớp và nghiên cứu khoa học. Người giảng viên phải là người “biểu mẫu” về mọi mặt, vì vậy không thể thiếu công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cũng như các hoạt động khác của giảng viên. Có như vậy chúng ta mới giữ cho đội ngũ giảng viên ngày một tiến bộ, tránh được các sai sót đáng tiếc, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.

Hai là, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm và chế độ, chính sách đối với đội ngũ giảng viên nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên

Trước mắt cần rà soát các văn bản của nhà nước quy định về tuyển dụng, quản lý giảng viên để thể chế hoá và triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định. Các lĩnh vực liên quan đến đội ngũ giảng viên mà văn bản của Nhà nước chưa điều chỉnh đến, đã phát sinh trong thực tế tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm..., Trường cần căn cứ tình hình thực tế và quy định của Nhà nước để ban hành bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành, cho ý kiến chỉ đạo.

- Về tuyển dụng: tiếp tục triển khai cơ chế tuyển dụng theo hướng ưu tiên những giảng viên có chất lượng và có học hàm học vị cao; tuyển dụng giảng viên cơ hữu theo chuyên ngành đào tạo phù hợp với nội dung, chuyên môn giảng dạy như: Luật, Hành chính, Kinh tế, Tôn giáo, Văn thư-lưu trữ, quản trị văn phòng...đồng thời xây dựng cơ chế đãi ngộ thỏa đáng để thu hút người có học vị từ Tiến sỹ trở lên, có kinh nghiệm công tác. Chú trọng đến việc ký hợp đồng với các nhà quản lý cấp cao, những người đã có nhiều kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực theo các vị trí việc làm đã được Bộ Nội vụ phê duyệt để triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm cho đội ngũ công chức thuộc Bộ, cũng như các vị trí việc làm theo nhu cầu của các cơ quan, đơn vị khác.

- Về đánh giá, sử dụng, quy hoạch và bổ nhiệm:

+ Cần đổi mới phương pháp đánh giá giảng viên đảm bảo khách quan nhằm thúc đẩy đội ngũ giảng viên cơ hữu tự nhận thức và nâng cao chất lượng đứng lớp của mình. Hiện nay công tác đánh giá đội ngũ giảng viên cũng như quản lý, theo dõi chất lượng đứng lớp của giảng viên còn chưa được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Muốn làm tốt việc này cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá và phương pháp đánh giá nhằm nâng cao chất lượng bài giảng và khuyến khích giảng viên tự nghiên cứu học hỏi; đồng thời trong mỗi Khoa phải bố trí giảng viên có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm đứng lớp tham gia dự giờ giảng để nhận xét, góp ý cho những giảng viên trẻ mới đứng lớp. Kết quả đánh giá phải được công khai và có cả ý kiến của học viên để đảm bảo khách quan. Kết quả đánh giá chất lượng khách quan, đi đôi với khen thưởng thoả đáng, sự nhiệt tình giúp đỡ, kèm cặp của những giảng viên có nhiều kinh nghiệm, có chuyên môn, nghiệp vụ cao là một trong những động lực thật sự khuyến khích đội ngũ giảng viên tự nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu. Vì vậy cần “hiểu và đánh giá đúng”giảng viên “để lựa chọn và sử dụng đúng” chuyên môn, khả năng của giảng viên.

+ Về sử dụng, quy hoạch và bổ nhiệm: Trong quá trình quản lý giảng viên, khi giảng viên không đáp ứng được các yêu cầu giảng dạy thông qua quá trình đánh giá, cần mạnh dạn luân chuyển sang vị trí công việc khác nhằm phát huy năng lực từng cá nhân. Để làm tốt công tác bổ nhiệm lãnh đạo Khoa, ngoài các quy trình công tác cán bộ, phải có quy định riêng về tiêu chuẩn lãnh đạo Khoa như có học vị Tiến sỹ trở lên, có kỹ năng kèm cặp, bồi dưỡng, khuyến khích giảng viên thuộc Khoa học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Việc quy hoạch, bổ nhiệm lãnh đạo Khoa cần phải có thời gian theo dõi và phải được tín nhiệm từ các giảng viên trong Khoa. Đặc điểm tâm lý của các giảng viên là trọng người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao. Để đảm bảo chất lượng giảng viên thuộc các Khoa, bổ nhiệm Lãnh đạo Khoa ngoài yêu cầu trình độ chuyên môn còn đòi hỏi lãnh đạo Khoa phải có năng lực bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kế cận và nâng cao chất lượng giảng viên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác giảng dạy theo chuyên môn thuộc Khoa đảm nhiệm. Lãnh đạo Khoa phải là người “làm biểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lề lối làm việc”.

+ Về chế độ, chính sách: chúng ta cần xây dựng có lộ trình các phương án hoàn thiện chế độ, chính sách cho giảng viên yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó lâu dài với Trường. Ưu tiên đầu tư kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; ưu đãi về chế độ, chính sách cho giảng viên là một trong những yếu tố đảm bảo nhà trường có một đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngoài thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với giảng viên theo quy định của Nhà nước, Trường cần xây dựng các cơ chế ưu đãi đối với các giảng viên giỏi, có chế độ khuyến khích đối với giảng viên giỏi kèm cặp, giúp đỡ được nhiều giảng viên trẻ đứng lớp có chất lượng.

Ba là, đảm bảo số lượng và chất lượng của đội ngũ báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng

Trường cần phải xây dựng các quy định nhằm đảm bảo chất lượng bài giảng của các giảng viên, báo cáo viên do Trường ký hợp đồng mời giảng. Đối với đội ngũ này phải có hồ sơ lưu tại Trường như: lý lịch khoa học, thâm niên, kinh nghiệm công tác về các lĩnh vực tham gia giảng dạy, tập huấn và cam kết bố trí thời gian để tham gia giảng dạy tại Trường theo kế hoạch tổ chức lớp; đồng thời quy định cụ thể về đảm bảo chất lượng bài giảng của báo cáo viên, giảng viên thỉnh giảng cũng như việc lấy ý kiến đánh giá từ học viên. Để làm được việc này, Trường cần nghiên cứu xây dựng cơ chế trả thù lao giảng dạy thỏa đáng và đề nghị lãnh đạo Bộ tạo điều kiện giúp đỡ Trường trong việc bố trí công chức thuộc Bộ tham gia giảng dạy cho Trường theo Kế hoạch tổ chức lớp. Đối với một lĩnh vực bồi dưỡng, tập huấn cần dự phòng từ 3 đến 5 giảng viên thỉnh giảng có chất lượng để tránh bị động trong quá trình tổ chức thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng.


Xây dựng đội ngũ giảng viên thuộc Trường ĐTBDCBCC đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Làm tốt công tác này sẽ là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của nhà trường. Để xây dựng đội ngũ giảng viên nhà trường đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, chúng ta phải xác định rõ tầm quan trọng của việc gắn công tác xây dựng đội ngũ giảng viên với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trải qua những kinh nghiệm và thành công trong cuộc đời Cách mạng, tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam hành động cho các thế hệ đi sau. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu, một mẫu mực tuyệt vời về đạo đức, không chỉ đạo đức của con người xã hội mà còn là đạo đức của một lãnh tụ cách mạng, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên của nhà trường là một yếu tố quan trọng quyết định thành công, có hiệu quả công tác này.


Ths. Đặng Thị Mai Hương, Giảng viên,
Trưởng phòng Phòng Tổ chức hành chính, quản trị
Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ


()
Tìm kiếm