Với chức năng nhiệm vụ được giao, đặc thù đối tượng quản lý của ngành là nông dân - lực lượng chiếm trên 70% dân số của quốc gia nói chung và Vĩnh Long nói riêng, đối tượng đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế nước nhà nhưng lại chịu nhiều tổn thương nhất trong cơ chế thị trường nên làm theo Bác về Phong cách quần chúng luôn là cách ứng xử tôi cần thể hiện xuyên suốt mọi hành động trong quá trình sống và làm việc của mình để tăng cường mối liên hệ với nông dân, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thành công trong nhiệm vụ nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý.
Là người đứng đầu đơn vị, nếu không biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nông dân thì sẽ không được dân dành sự yêu kính, tôn trọng và tin tưởng cho mình. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, công chức ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay để vận động dân triển khai thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành NN nhằm gia tăng giá trị sản xuất.
Từ nhận thức: trong tổ chức, tập thể hiện tượng mất dân chủ là mầm mống của chia rẽ, bè phái, kèn cựa, đố kỵ lẫn nhau... dẫn đến mất đoàn kết thì đơn vị không thể nào hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao nên phải thực hành dân chủ theo đạo đức Hồ Chí Minh.
Làm theo Bác về phong cách quần chúng, ngành NN nói chung và thủy sản nói riêng trong vài năm gần đây thật sự vô cùng bấp bênh bộc lộ nhiều tồn tại chưa phát triển ổn định và bền vững và đỉnh điểm vào năm 2012, 2013 đầy gian khó. Tham mưu sao cho có hiệu quả cho lãnh đạo Sở, tỉnh và cơ quan chuyên môn cấp trên để tháo gỡ khó khăn cho ngành luôn là trăn trở có lẽ không phải của riêng ai! Trong công tác tôi luôn nhớ lời dạy của Bác để quán triệt tư tưởng“Nước lấy dân làm gốc” và “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” để hiểu rằng đó là chân lý quý báu trong sự nghiệp xây dựng kinh tế nói chung và xây dựng Nông thôn mới nói riêng, dù khó mấy cũng thành công khi có sự chung tay của người dân. Nhớ lại, 2013 là năm đầu tiên đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ đào tạo nghề lao động nông thôn vào những tháng cuối năm, bỡ ngỡ vô cùng với bao nhiêu là quy định về thủ tục triển khai thực hiện, chất xám và thực tiễn sản xuất thì chúng tôi đã có những kinh nghiệm tổ chức vận động tham gia trong công tác chiêu sinh thì không dễ gì có ngay. Thế nhưng Chi cục Thủy sản lại là đơn vị duy nhất của Sở đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch dạy nghề đã đăng ký. Thật không dễ thành công nếu chúng tôi không làm tốt công tác phối hợp với chính quyền cấp xã và vận dụng tối đa kỹ năng “dân vận khéo”. Nói luôn đi đôi với làm, tất cả buổi Hội thảo, tập huấn, khai giảng và bế giảng các lớp đào tạo nghề, tranh thủ mọi nơi, mọi lúc, tôi đến từng nông dân một để khơi gợi cho mọi người phát biểu, lắng nghe, giải thích về kỹ thuật, thông tin về thị trường, kế hoạch phát triển ngành... như thế tôi mới thấu hiểu hết “ông chủ” nông dân cần “đầy tớ” cán bộ, công chức biết dường nào. Để từ đó, luôn nghĩ suy cá nhân và đơn vị mình cần và phải làm gì để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con? Và đó cũng là mục tiêu mà chúng tôi tự đặt ra khi làm theo Bác về phong cách quần chúng bên cạnh chức năng quản lý của mình được giao phó.
Mặc dù không trực tiếp sản xuất nhưng hàng ngày cứ theo dõi tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra là tôi lại không khỏi chạnh lòng khi giá thu mua nguyên liệu cứ tụt dần và người nuôi liên tục thua lỗ trong thời gian gần đây! Thực tế chi phí sản xuất ngày càng tăng theo đà tăng không ngừng của chi phí thức ăn, đây là yếu tố đầu vào chiếm từ 70 - 80% giá thành sản xuất. Với suy nghĩ của người làm nghề, tác động đến giá mua và bán là điều không thể nhưng tác động kỹ thuật để giúp người nuôi giảm chi phí sản xuất để nâng cao lợi nhuận, tại sao không? Nếu mình có TÂM và đủ TẦM, thì không gì là không thể! Tôi đề xuất và tham gia chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu khoa học “Thử nghiệm phương pháp cho ăn gián đoạn trên cá tra nuôi thương phẩm” đã cải tiến các biện pháp kỹ thuật trong khâu quản lý và chăm sóc vật nuôi bằng cách cho ăn gián đoạn (ăn 7 ngày ngưng 2 ngày hoặc 3 ngày ngưng 1 ngày) thay vì cho ăn liên tục mỗi ngày như kỹ thuật nuôi truyền thống nhằm giảm chi phí thức ăn nhưng tăng trọng và năng suất nuôi không giảm, với kết quả đã mang lại hiệu quả rõ rệt góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nuôi góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường từ việc giảm nhu cầu sử dụng thức ăn và nhu cầu sử dụng thuốc và hóa chất. Với kết quả của sáng kiến cải tiến kỹ thuật này đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng giải “Phụ nữ Việt Nam sáng tạo” lần đầu tiên vào năm 2011 và sau 2 năm triển khai ứng dụng, giải pháp kỹ thuật này đã đạt giải nhì của Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa tỉnh Vĩnh Long lần thứ IV năm 2013 và đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia trong số 282 giải pháp trên toàn quốc. Được khen thưởng chúng tôi mừng nhưng phấn khởi hơn nhiều khi không chỉ người nuôi cá tra ở Vĩnh Long mà gần như các tỉnh lân cận đều đã ứng dụng giải pháp kỹ thuật này, không vui làm sao được khi thường xuyên nhận được điện thoại từ những người nuôi, thậm chí có những người chưa từng biết mặt đã cám ơn: nhờ giải pháp kỹ thuật của cô mà chúng tôi không lỗ, thậm chí có lời chút đỉnh để cầm cự chờ giá cả lên. Đó là niềm hạnh phúc giản đơn của tôi có được khi thấu hiểu nông dân.
Không riêng bản thân nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của đồng nghiệp, công chức, viên chức đơn vị mình, học tập Bác tôi cũng đã yêu cầu mọi cán bộ, công chức phải coi trọng mối liên hệ chặt chẽ với nông dân, phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, tận tụy với đối tượng quản lý. Đây không chỉ là phong cách cần thiết của cán bộ, công chức trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên bình thường. Hiểu dân là để hiểu cấp dưới được chính xác hơn, hiểu cấp dưới là để hiểu dân được đầy đủ hơn. Càng hiểu dân và càng hiểu cấp dưới, tôi càng hiểu chính mình và càng rút ra được những điều bổ ích để bổ sung cho nhiệm vụ tham mưu chủ trương, chính sách cho cấp trên bởi đối với người đứng đầu đơn vị không có gì tốt đẹp, vẻ vang hơn bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Vì vậy, tôi luôn nhắc nhở mọi cán bộ, công chức lời Bác dạy “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh Là người dứng đầu đơn vị, phải biết phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của tập thể, lợi ích của nhân dân. Bác nói: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng... Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không phù hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại...”. Do muốn góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, để “vận động hành lang” cơ chế chính sách có lợi cho người nuôi thủy sản, trực tiếp thì không thể nên tôi thực hiện động thái này thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng ngòi bút của mình với mấy chục bài báo đăng trên các báo địa phương và Trung ương để tiếp cận giới truyền thông đài Truyền hình Vĩnh Long, VTV1, VTV2... cùng thực hiện hàng chục phóng sự, chuyên mục Đối thoại chính sách hay Khoa giáo... để nói thay tâm tư nguyện vọng của người sản xuất thủy sản và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Tôi cũng đã tham gia với Ban soạn thảo văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất đề xuất đưa quy định sản xuất cá tra phải đăng ký hoạt động và quy định giá sàn thu mua nguyên liệu vào dự thảo Nghị định để có cơ sở quản lý và chỉ đạo sản xuất hiệu quả hơn so với trước đây cơ quan quản lý khó kiểm soát hoạt động này và giúp người nuôi có điều kiện bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Ngoài đối tượng chủ lực là cá tra, để hỗ trợ nông dân tôi đã tham mưu đề xuất đa dạng hóa nuôi nhiều đối tượng thủy đặc sản trong đó có lươn đồng với dự án “Nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống và phát triển mô hình nuôi lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo”, Dự án đã chuyển giao thành công cho nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp tạo ra con giống đảm bảo đồng đều về kích cỡ và chất lượng cung cấp cho người nuôi góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất thay vì sử dụng con giống tự nhiên ngày càng khan hiếm có hiệu quả sản xuất thấp. Qua hơn 2 năm thực hiện chuyển giao và xây dựng mô hình, chúng tôi đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nông dân, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn, đặc biệt là với những hộ gia đình sản xuất với quy mô nhỏ ở những vùng thí điểm xây dựng nông thôn mới như Mỹ Lộc, Song Phú, huyện Tam Bình. Mô hình sản xuất này đã giúp người nông dân đạt tỉ suất lợi nhuận khá cao từ 45,3 - 62,8%; Kết quả bước đầu đã thể hiện tính lan tỏa của dự án, ngày càng có nhiều nông trong và ngoài tỉnh nhân rộng ứng dụng kỹ thuật này. Nếu các đại biểu biết rằng trước đây, bà con nuôi lươn bị thất bại liên tục vì phải mua con giống trôi nổi khai thác từ tự nhiên với phương thức lạm sát và bây giờ nếu được trực tiếp nghe nông dân gọi điện liên tục đến cho chúng tôi từ Trà Vinh qua cần Thơ đến Hậu Giang, để liên hệ nơi cung cấp giống và đến tham quan mô hình và thậm chí tận các tỉnh miền Bắc nhờ hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật.., thì các đại biểu mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc của chúng tôi, nó hơn hẳn việc kết quả của chúng tôi là 1 trong 38 giải pháp được chọn từ 152 giải pháp của cả nước được tôn vinh và khen thưởng trong ngày Phụ nữ Việt Nam Sáng tạo năm 2013..
Làm theo Bác về phong cách dân chủ, không riêng bản thân, tôi luôn yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải đặt mình trong tập thể, lắng nghe ý kiến của tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể, nhận trách nhiệm cá nhân và hoàn thành tốt nhiệm vụ được tập thể giao phó và tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, không bao giờ đặt mình cao hơn tổ chức, ở ngoài sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, mà luôn tranh thủ sự bàn bạc với tập thể lãnh đạo đơn vị và các phòng. Tôi luôn đề cao, mở rộng dân chủ, từ dân chủ trong công đoàn cơ sở đến dân chủ trong toàn đơn vị. Tôi năng đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng với nhận thức mở rộng dân chủ để phát huy sức mạnh của tập thể bởi. Đề ra công việc, ban hành Quy chế, không khó, vấn đề là thực hiện nó ra sao. Ai thực hiện? - Tập thể, quần chúng. Vì vậy, có dân chủ, bàn bạc tập thể mới cùng thông suốt, nhất trí, mới cùng quyết tâm thực hiện, tránh được “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Để không xảy ra mất đoàn kết thì người đứng đầu không chuyên quyền, độc đoán, áp đặt chủ quan, trong hội nghị cán bộ, công chức cho mọi người tự nguyện đồng tình thì sau hội nghị, mới quyết tâm thực hiện những gì Nghị quyết đã đề ra. Chính việc thật sự mở rộng dân chủ để tất cả cán bộ, công chức bày tỏ hết ý kiến của mình mới làm cho cán bộ, công chức đề ra sáng kiến; Có được kết quả này tôi càng thấm thìa hơn lời bác dạy “thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khỏ khăn”. Trong công tác lãnh đạo đơn vị, tôi luôn có ý thức sử dụng sức mạnh tổng hợp của tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên, sức mạnh tập thể của mọi cán bộ, công chức của đơn vị. Trước khi quyết định một công việc hệ trọng, tôi đều hỏi lại cẩn thận và tham khảo ý kiến những người xung quanh, tôi tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định: Mọi vấn đề về quản lý nhà nước, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật,... tôi đều huy động sự tham gia của đội ngũ cán bộ chuyên môn cao của đơn vị đặc biệt là lực lượng trẻ tài năng, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi Kế hoạch, dự án, chương trình đều được cân nhắc kỹ, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.
Làm theo Bác về phong cách nêu gương của người đứng đầu, tôi luôn tâm niệm nêu gương thì trước hết phải làm gương trong mọi công việc từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên, về mọi mặt, phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm, cần nêu gương trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với công việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều chưa tốt của bản thân, đối với mọi người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung, độ lượng; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện hữu khuynh: người tích cực không thừa nhận để noi gương, người không tích cực không góp ý chân thành để cùng tiến bộ; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “để việc công lên trên, lên trước việc tư”. Trong đơn vị, để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, tôi nhớ Bác dạy: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Là người đứng đầu đương nhiên tôi gương mẫu chấp hành chỉ thị chấn chỉnh lề lối làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin triệt để để tiết kiệm chi phí, thời gian, hạn chế tối đa tiếp khách, đi xe riêng khi đi công tác... để thực hành tiết hiệm. Làm bất cứ việc gì được giao đều phải chu đáo, dù đó là việc lớn hay nhỏ. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, nếu vì lý do nào đó mà không hoàn thành thì phải làm thêm giờ cho xong. Tôi luôn chia sẻ với cán bộ, công chức của mình rằng: tiền lương chúng ta nhận từ tiền thuế của dân, nguồn mà người dân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có, nếu ai lười biếng và không làm đàng hoàng tử tế tức là lừa gạt dân và có tội với dân, trong đó có cả người thân của chúng ta. Vì thế, Sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết năm đều kịp thời khen thưởng biểu dương nhân tố tích cực, từng cán bộ, công chức đều được chân thành đánh giá ưu, nhược điểm, ai được xếp loại xuất sắc và có đóng góp nhiều công sức cho đơn vị đều được khen thưởng để kịp thời động viên và học tập lẫn nhau. Nếu 2 năm trước đây tôi thường “bị” nghe lãnh đạo Sở nhác nhở về giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức mình thì giờ đây tôi có thể tự tin về việc chúng tôi thực hiện tốt các yêu cầu Chỉ thị “chấn chỉnh lề lối làm việc” của UBND tỉnh. Với phương châm Luôn lắng nghe để thấu hiểu và hãy chân thành với tâm trong sáng trong nêu gương, tôi đã cùng các thành viên của đơn vị góp phần xây dựng được 1 tập thể đoàn kết tốt, thống nhất hành động, tất cả cùng biết, cùng bàn và cùng kiểm tra, giám sát nhau; thực hiện tốt công khai, minh bạch những gì quy định trong quy chế dân chủ để mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ, chia sẻ công việc với nhau với hiệu quả cao nhất.
Với kết quả hoạc tập và làm theo Bác, đơn vị chúng tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên năm 2012 đơn vị tôi được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, cá nhân tôi được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và năm 2013 được để nghị xét tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể xuất sắc và Huân chương Lao động hạng Ba cho cá nhân.
Ý thức từ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Trước đây tôi đã từng băn khoăn: Bác là vĩ nhân của thế giới, “học” thì có thể nhưng để “hành” theo tấm gương và đạo đức của Bác thì khó vô cùng, dễ có mấy ai?
Bác Hồ kính yêu của chúng ta quá vĩ đại - tôi không có đủ ngôn từ hay lời hoa mỹ nào để suy tôn Bác - và cũng không thể làm được những gì to lớn theo gương Bác, nhưng qua nhiều lần được quán triệt các chuyên đề, tôi nghĩ mình vẫn có thể có những việc làm nho nhỏ xuất phát từ tinh thần trách nhiệm với chữ Tâm và chữ Tín của người cán bộ. Với vị trí người đứng đầu Chi cục Thủy sản tôi đã nhận thức rõ trách nhiệm nêu gương của mình trong cuộc vận động học tập và làm theo lời Bác dạy sẽ có ý nghĩa mang đến hiệu quả thiết thực hơn trong thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình tồ chức làm theo Đạo đức Hồ Chí Minh
Phát huy tốt vai trò gương mẫu của cán bộ đảng viên và phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất và học tập những tấm gương người tốt, việc tốt sẽ góp phần thành công việc thực hiện kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Khi tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách sẽ luôn luôn tạo ra được không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo, với cái tâm thật trong sáng sẽ tạo điều kiện người có ý kiến mạnh dạn dám nói, dám phê bình, làm cho cấp trên, cấp dưới không cách biệt nhau, để luôn hãng hái, có sáng kiến trong khi làm việc để nậng cao hiệu suất công tác, hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất hơn..
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không phải là học một lần mà phải học liên tục, thường xuyên không phải học để biết mà phải làm thực sự theo lời dạy của Bác, không phải chỉ nâng cao nhận thức mà phải chuyển biến hẳn trong tư tưởng và hành động cụ thể trong công việc hàng ngày sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Sức lan tỏa: Bằng tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học mà tôi đã truyền lửa đến cán bộ, công chức của mình với nhiều dự án, đề tài mang tính ứng dụng cao để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất từ đó sáng kiến thành lập, bảo trợ hoạt động tổ chức khoa học Thủy sản được thực hiện với hình thức câu lạc bộ mọi cán bộ, công chức đều tham gia hoạt động, tạo điều kiện và cơ hội để lực lượng Khoa học có trình độ cao thể hiện và phát huy năng lực để cống hiến, có nhiều đóng góp cho đơn vị với môi trường làm việc cởi mở, chân thành và với việc thiết lập trang web của đơn vị chỉ trong 1 năm hoạt động, đã có hơn 40 ngàn lượt truy cập, hơn 50 lượt thư điện tử về hỏi đáp kỹ thuật, hơn 60 tin, bài được đăng tải, hơn 20 lượt đoàn đến tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả từ dự án lươn.. con số ấy chưa phải là lớn nhưng niềm vui của chúng tôi không nhỏ vì chí ít mình đã hành động thiết thực và sáng tạo khi thực hành là công bộc của dân. Thiết thực hơn với việc nêu gương của người đứng đầu khi cả đơn vị đều đồng lòng thực hành cần, kiệm, liêm chính... để cuối năm ai cũng có thu nhập thêm 1,5 tháng lương để vui Xuân với gia đình.
Nêu gương phong cách quần chúng của Bác dẫn đến hiệu ứng của việc làm theo đã mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân: Từ những lớp tập huấn chuyển giao công nghệ sản xuất và nuôi thương phẩm lươn đồng dự án, được sự vận động của cán bộ kỹ thuật chuyển giao, các kỹ thuật viên này bằng nguồn vốn tự có đã tiến hành nhân rộng mô hình sản xuất với 1.200m2 bể cung cấp hơn 400.000 con giống cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong và ngoài tỉnh (Cần Thơ, Hậu Giang..). Từ khi thực hiện đến nay, dự án đã thu hút đông đảo bà con nông dân trong tỉnh hưởng ứng tích cực, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia dự án, được sự vận động của cán bộ kỹ thuật chuyển giao, có hơn 20 hộ được tham gia tập huấn đã chủ động mua lươn giống về nuôi thương phẩm ở huyện Tam Bình. Kết quả rất khả quan, đã có gần 7 tấn lươn cho nhu cầu thực phẩm Tết từ các nông hộ này, không những tạo điều kiện cho nông dân tham gia xây dựng mô hình sản xuất giống thủy đặc sản có giá trị cao để phát triển kinh tế gia đình mà còn lan tỏa, nhân rộng mô hình sang các địa bàn khác trong khu vực.
Với các kết quả trên 3 năm liền cá nhân và tập thể đơn vị được Đảng bộ bình chọn cá nhân tiêu biểu báo cáo điển hình trong các Hội nghị sơ kết hàng năm, 3 năm về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng ủy và Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với tôi, ngày càng ngộ ra rằng: Không gì là không thể! Những tư tưởng, những bài học đạo đức của Bác về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương “cần - kiệm - liêm - chính - chí công vô tư... không có gì cao xa mà vô cùng gần gũi, vừa dễ làm, vừa mang lại hiệu quả rất thiết thực, rất đỗi đời thường, dễ học, dễ thực hành, nếu có quyết tâm, ai cũng học và làm theo được”. Trong tôi giờ đây đã có sự chuyển biến tư tưởng rất lớn để sống có ích hơn, làm việc hiệu quả hơn để hỗ trợ nông dân. Kết quả này có được ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân còn nhờ đóng góp rất lớn từ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các cấp và nhất là sự ủng hộ đồng tình, đoàn kết và sẻ chia của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị đã dành cho tôi. Nhân hội nghị này, tôi chân thành cám ơn tất cả những ai đã giúp và hỗ trợ tôi trong thời gian qua./.
Phạm Thị Thúy Hồng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long