BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Những dấu son trong cuộc đời của người thầy lớn

17/09/2015 15:17

Phần 1: Hết lòng vì giáo dục vùng cao
Năm 1968 đánh dấu việc gia nhập hàng ngũ những kỹ sư tâm hồn của chàng sinh viên quê lúa Thái Bình, Phạm Đức Tùy.

Là giáo viên văn học tại trường Phổ thông cấp 1-2 Đô Lương (Thái Bình), nhưng người thầy giáo trẻ này rất ham học hỏi, luôn dành thời gian tìm hiểu về những môn thuộc khối C của mình (sử, địa), nên khi những giáo viên dạy sử, địa ở trường có việc phải nghỉ dạy, thì thầy giáo Tùy vào dạy thay được ngay. 

Cũng nhờ ham học hỏi, mà thầy giáo Tùy trưởng thành rất nhanh, trở thành giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Và tới năm 1976, sau 8 năm trong nghề, thầy Tùy đã vinh dự được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường Phổ thông cấp 1-2 Đô Lương, thuộc Phòng Giáo dục Đông Hưng (Thái Bình).

Tháng 11/1978, nhận quyết định điều động “Tăng cường giáo viên cho các tỉnh phía Nam”, thầy Tùy cùng với 15 thầy cô giáo khác của Ty Giáo dục Thái Bình rời quê hương vào với cao nguyên Đắk Lắk. Đầu tháng 12/1978, thầy Tùy được phân công về Phòng Giáo dục Ea Súp và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Phổ thông cấp 1-2 Ea Ta (nay là Ea Ta thuộc huyện Cư M’gar). 

Những ngày thầy Tùy đến với đất cao nguyên, cũng chính là những ngày đất nước ta vừa bước ra khỏi khói lửa chiến tranh, còn thiếu thốn trăm bề, cơ sở hạ tầng hầu như là con số không. Với Đắk Lắk, tình hình còn khó khăn hơn nhiều. Địa bàn xã Ea Ta lại giáp biên giới Campuchia, bị Fulro đánh phá liên miên. Từ trường Ea Ta về thị trấn Ea Súp phải đi mất một ngày lội bộ đường rừng. Đường về thị xã Buôn Ma Thuột cũng mất chừng ấy thời gian và mức độ khổ ải cũng không kém. Không thể kể hết nỗi gian truân của tập thể gần 20 cán bộ, giáo viên trường Ea Ta, đã vượt khó đến với gần 400 học sinh thuộc cả 3 cấp (mẫu giáo, cấp I và cấp II), là con em của 4 buôn dân tộc (buôn Dray Xí, buôn M’Lăng, buôn Tăng Lé và buôn Vin), cùng một khu định cư dân kinh tế mới Thái Bình. 
Hầu hết các giáo viên của trường Ea Ta đều mới vào nghề, nên ngoài vai trò điều hành, quản lý, thầy Tùy còn phải liên tục dự giờ, tổ chức thao giảng để các thầy cô trao đổi, rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên. Với giáo viên thì như vậy, còn với học sinh, thầy Tùy cũng phải dành thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em, động viên các em chuyên cần học tập, đồng thời chú trọng đào tạo nhân cách cho các em. 
Những học sinh ở vào hoàn cảnh quá khó khăn, không may bị đau ốm, đều được thầy Tùy và các thầy cô trong trường chia sẻ định lượng lương thực, thực phẩm nhỏ nhoi của mình để giúp đỡ. Một số học sinh cá biệt lười học, hay gây gổ đánh nhau, vô lễ với người lớn… cũng được thầy hiệu trưởng gặp riêng, chuyện trò cởi mở, vui vẻ như cha con, dần dần các em đã trở thành những điển hình chăm ngoan. Nhờ đó, thầy Tùy và các thầy cô của trường Ea Ta đã nhanh chóng nhận được thiện cảm của nhân dân quanh vùng, nhất là của đồng bào dân tộc bản địa.
Nhờ những nỗ lực của thầy Tùy và đội ngũ giáo viên trường, trường Phổ thông cấp 1-2 Ea Ta đã nhanh chóng được Phòng Giáo dục Ea Súp chọn làm trường điểm, tổ chức lễ thao giảng của ngành giáo dục huyện tại đây. Chính quyền xã cũng coi đây là điểm sáng, niềm tự hào của địa phương, nên rất quan tâm hỗ trợ. 
Một vinh dự lớn nữa đã đến với thầy hiệu trưởng đầy nhiệt huyết, luôn tận tâm với sự nghiệp trồng người, đó là ngày 3/2/1980, sau đúng 14 tháng vào dạy học tại Đắk Lắk, thầy Phạm Đức Tùy đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thành công với vai trò Hiệu trưởng trường Ea Ta, thầy Phạm Đức Tùy đã được lãnh đạo địa phương tín nhiệm điều động giữ trọng trách ở một số cương vị khác ngoài ngành giáo dục trong hơn 20 năm, từ năm 1983-2004 (sẽ được đề cập rõ hơn trong bài viết sau). Nhưng cái duyên làm thầy của thầy Phạm Đức Tùy vẫn chưa hết. Đến năm 2004, thầy Tùy được phân công làm Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk. 
Ở cương vị và trọng trách lớn này, thầy Tùy đã đổi mới phương thức dạy của giảng viên trong trường, tổ chức cho các giảng viên của trường thay nhau đi thực tế dưới cơ sở, nắm bắt tình hình để xây dựng giáo trình sát thực tế hơn; tránh xáo rỗng, xa rời thực tế. Ông đặc biệt quan tâm đến trình độ của giảng viên. “Môi trường giáo dục đã trở nên không quan trọng, mà quyết định hơn cả là trình độ của người thầy”, xác định thế, nên ông đã tổ chức cho tập thể bình chọn ra các giảng viên trẻ, có khả năng phát triển và gửi đi học tiếp. Chỉ trong vòng hai năm, từ 2004 - 2005, đã có 5 giảng viên được cử đi học các lớp trên đại học -một quyết định mang tính đột phá, đầy táo bạo của ông hiệu trưởng Phạm Đức Tùy, bởi vấn đề này xưa nay còn bỏ ngỏ.
Quan hệ thầy trò khi này đã có nhiều điểm khác xưa. Học viên này tóc bạc hơn thầy, học viên khác có vị thế ngang hoặc hơn thầy, nhưng tất cả đều học được từ người hiệu trưởng này những phong thái làm việc hết lòng vì sự nghiệp, không màng danh lợi cá nhân và học được ở ông nhân cách và nét nhân văn; hết lòng vì lợi ích tập thể, không tham quyền cố vị, giản dị, khiêm tốn trong mọi nơi, mọi lúc.
Giờ đây, thầy Tùy đã nghỉ hưu được gần 4 năm, trở về với cuộc sống đời thường, nhưng bao lớp học trò của ông vẫn mãi mãi nhớ tới ông với niềm tôn kính “Ơn Thầy”.
Phần 2: Gan dạ, mưu trí chống âm mưu bạo loạn
Tháng 10/1983, thầy Phạm Đức Tùy được điều động về huyện Ea Súp và giữ nhiều cương vị quan trọng, trong đó đặc biệt giai đoạn ông làm Chánh Văn phòng Huyện ủy Ea Súp, đã để lại dấu ấn tốt đẹp với huyện Đảng bộ, các cấp các ngành và nhân dân trong huyện.

Phong trào “Đại đoàn kết”: Kết nghĩa giữa các thôn - buôn, cơ quan - buôn làng; dần dần triển khai sâu rộng: Gia đình - gia đình. Đảng viên - cụm dân cư; được khởi xướng từ huyện Ea Súp và đã có công lớn của Chánh Văn phòng Phạm Đức Tùy. “Chủ trương mang tính kế sách, chiến lược, hợp ý Đảng, thuận lòng dân”, sau bao đêm trăn trở nặng nỗi thương dân của Chánh Văn phòng Huyện ủy đã tham mưu, đề xuất ý tưởng này với Bí thư Huyện ủy và được Thường vụ nhất trí, xây dựng thành nghị quyết Đảng bộ huyện, đồng thời nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Trên cương vị Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ đầu (1996-2000), Bí thư Phạm Đức Tùy đã có những chính sách chăm lo thiết thực với đời sống đồng bào. Từ việc chăm lo cho những hộ dân kinh tế mới vừa chuyển đến, đang còn ở lán trại, có một cái Tết xa quê đầm ấm; đến việc vận động các đơn vị công an, quân đội đưa cán bộ y tế đến tận các buôn xa khám và cấp thuốc miễn phí… ông đều chỉ đạo sát sao cấp dưới thực hiện hiệu quả. 
Đặc biệt, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện, nổi bật là công trình Thủy lợi Ea Súp Thượng, cùng mạng lưới kênh mương dẫn thủy nhập điền để biến vùng đất rộng hàng ngàn ha quảng canh bấp bênh một vụ nhờ thời tiết, thành cánh đồng lúa nước hai vụ ăn chắc với 4.000 ha, thuộc 5 xã, thị trấn, cánh kênh Đông, kênh Tây… đều là sáng kiến của ông. Nhờ đó, đồng bào ai gặp Bí thư Huyện ủy cũng rối rít bắt tay cám ơn “cán bộ” đã mang lại no ấm cho đời sống.

Nhịp sống thường ngày của nhà giáo Phạm Đức Tùy
Mọi việc tưởng đã êm ả, đầu nhiệm kỳ thứ II của ông trong vai trò Bí thư Huyện ủy, (năm 2001 - 2004), một biến cố không mong muốn xảy ra trên địa bàn huyện, như một thử thách tài trí và bản lĩnh, đức độ của ông.
Ngày 3/2/2001, hàng trăm đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là đồng bào người Êđê) tập trung trên mấy chục xe máy kéo công nông, với các hung khí như xà gạc, dao, rựa, gậy gộc, nghe lời kích động, xúi giục, kéo lên tỉnh để làm loạn. Nhiệm vụ trước mắt của lãnh đạo huyện Ea Súp là tuyên truyền, phân tích cho đồng bào hiểu rõ về việc làm chưa đúng của mình là đã bị mắc mưu kẻ xấu là vi phạm pháp luật. Tiếp theo là phải kiên quyết ngăn chặn những sự manh động, tránh xảy ra xô xát, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng.
Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Tùy đã có một sáng kiến: Ông cho một chiếc xe reo chở cây gỗ nằm án ngữ ngay đầu cầu Dak Bùng, khiến cho tất cả các xe máy kéo, công nông không thể qua cầu. Xe không qua được thì người ta bỏ xe lại, chạy bộ, với hy vọng là tới các buôn ở phía trước có rất nhiều người, nhiều xe đang chờ. Chạy bộ tới hồ Ea Ma thì tất cả gặp một chướng ngại vật khác do Bí thư Tùy chỉ đạo dựng lên. Không đi đâu được nữa, giữa không gian hồ trong mát với hàng trăm ha ruộng rẫy, dần dần những tâm trạng tức giận, nổi loạn cũng dịu đi. Có thể nói, bằng tài trí của mình, Bí thư Huyện ủy đã “nhờ” nước và gió của hồ… mà hóa giải mà dập tắt ngòi nổ bạo loạn. Bởi từ đây nghe rõ những cuộc điện đàm từ Cưm’gar, Ea H’Leo, Krông Bông, Lak… gọi về với giọng điệu xụi lơ: “Không thể tiến quân, khi không có người Easup tiên phong!”. Cuộc bạo loạn không thành, bị tắt ngúm ngay tại điểm khơi mào.
Qua ba đêm hai ngày cố tình nhịn đói, nhịn khát chứ không sử dụng thực phẩm và nước uống cứu trợ, trong đêm tối, đám đông nổi loạn cũng tan rã, ra về.
Bí thư Phạm Đức Tùy thở phào, nhưng ông xác định: “Nhiệm vụ kế tiếp là phải điều tra tìm hiểu tường tận xem ai, ở đâu là đầu mối tiếp nhận, truyền bá thông tin, tổ chức bạo loạn, gây rối? Thì ra không đâu đâu xa, chính là amí H’Len, cư trú ngay tại thị trấn huyện. Bí thư Phạm Đức Tùy quyết định phải “quật đổ Nữ soái” này, kẻ đã tự ví mình như đỉnh núi cao nhất vùng Ea Súp, kẻ đã từng có một tuyên bố xanh rờn trước ông: “Thôi, bây giờ tất cả đã muộn rồi. Chúng tôi không cần đất, không cần nước. Cái mà chúng tôi cần thì huyện, tỉnh, đến Trung ương cũng không giải quyết nổi mà sẽ và chỉ có sự can thiệp của Liên hợp quốc. Đó là Nhà nước Đề Ga độc lập”.
Hai ngày sau khi tự rút lui bẽ bàng bên hồ Ea Ma, một mưu đồ nổi loạn đập phá trụ sở làm việc của các cơ quan huyện trên địa bàn thị trấn, được nhen nhóm và dự định diễn ra vào ban đêm. Nhận được thông tin chính thức của lực lượng an ninh báo về, Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Tùy tổ chức gấp cuộc họp Thường vụ mở rộng. Tiếp theo, ông mời tất cả các già làng của các buôn đồng bào trong và quanh thị trấn đến họp. Bên ly trà và những đĩa bánh kẹo, Bí thư Huyện ủy thông báo: “Đã có kẻ xúi giục đồng bào đêm nay kéo đến đập phá trụ sở các cơ quan trên địa bàn huyện. Cơ quan an ninh đề nghị cho bắt khẩn cấp những kẻ cầm đầu và những tên cộm cán, nhưng hàng ngũ cán bộ chủ chốt đề nghị chưa triển khai bắt ngay, mà chuẩn bị lực lượng phương án hữu hiệu để khống chế. Tại tất cả các trụ sở đều đã được dùng điện để bảo vệ, quyết không để kẻ xấu xâm hại tài sản quốc gia. Tôi thông báo để các già làng biết tình hình và thiện tình, thiện ý của lãnh đạo huyện, đồng thời yêu cầu các già làng về khuyên bảo con cháu và bà con trong buôn mình không được manh động”. 
Cuộc họp kết thúc với những nụ cười, những cái bắt tay thân mật hứa hẹn, các già làng ra về sớm…
Điện dùng cho công tác bảo vệ đêm ấy vẫn chỉ là những bóng đèn điện. Và đêm ấy vẫn như bao đêm, thị trấn Ea Súp vẫn yên bình, lấp lánh ánh đèn…

Phần 3: Cảm hóa bằng tấm lòng
Những năm làm Bí thư Huyện ủy, ông Phạm Đức Tùy luôn được đồng bào tin yêu, kính trọng, cũng bởi tấm lòng nhân hậu và sự hết mình với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mảnh đất này.
Còn nhớ cái buổi Bí thư Huyện ủy Phạm Đức Tùy chủ động ghé thăm nhà dạ (bà) H’Len, mẹ của “Nữ soái rừng xanh” Amí H’Len. Đó là một căn nhà cũ kỹ, phên vách trống trơ, không có gì đáng được gọi là tài sản. Dạ H’Len lầm lũi với ánh nhìn trân trân, đầy cảnh giác. Ngó ra phía ngoài thì vườn đất hoang hóa cỏ mọc, không thấy bóng dáng căn nhà để bảo quản thóc lúa, nông phẩm thường được đồng bào quý như căn nhà chính.
Bí thư Huyện ủy nhanh chóng chỉ đạo: Mua một loạt những giống cây ăn quả quý hiếm về tặng cụ trồng ở vườn nhà và huy động các xưởng cưa “kẻ ít người nhiều” đóng góp cây ván với kích thước đã được tính toán sẵn. Chỉ vỏn vẹn một ngày thi công, một căn nhà kho 32 m2 lợp tôn vững chãi đã sừng sững cạnh ngôi nhà cũ. Nhìn căn nhà kho như mới được Yàng (Trời) ban tặng, dạ H’Len mừng nhiều, vui nhiều. Bí thư Tùy nắm tay bà cụ hỏi: 

- Dạ H’Len ưng cái bụng không?

- Ưng nhiều đó!

- Có nhiều người đến đây nói chuyện dạ H’Len có thích không?

- Thích chớ!

- Hai ngày nữa có rất nhiều người ở nhiều lứa tuổi, có cả người ngoại quốc nói nhiều chuyện và hát múa hay lắm đó. Dạ H’Len nói con cháu đến cho vui nhá.
- Nhiều người thì cái nhà mình nhỏ không đựng được đâu!
Ông Phạm Đức Tùy (bìa phải) bên mẹ và chị kết nghĩa và nhà văn Võ Bá Cường
Hai ngày sau, Bí thư Pham Đức Tùy cùng Chủ tịch huyện và một số cán bộ trong Thường vụ huyện ủy, thường trực Ủy ban đưa đến nhà dạ H’Len một cái tivi màu 17 inh. Việc lắp đặt chỉ diễn ra trong phút chốc. Lúc bật lên thì đang là chương trình “Truyền hình tiếng dân tộc” của Đài phát thanh và truyền hình Đắk Lắk, những khuôn mặt thiếu nữ Êđê hồng hào trong phục áo váy cổ truyền nắm tay nhau lượn quanh đống lửa… Tiếng reo hò vỗ tay rộn lên, bà con xóm giềng kéo đến mỗi lúc một đông. 
Bí thư huyện ủy chỉ vào tivi, nói với mọi người: “Huyện tặng chiếc tivi này cho dạ H’Len để bà con cùng xem cùng nghe. Tiếng nói từ tivi là tiếng nói của Đảng, của Bác Hồ đấy. Bà con mình hãy nghe tiếng nói ấy để làm giàu cho gia đình mình, làm giàu cho buôn mình!”.
Có tiếng vỗ tay, rồi tất cả cùng vỗ tay. Có tiếng ai đó nói: “Người này tốt như con của dạ H’Len rồi!”. Bà cụ thay lời cảm ơn bằng cái gật đầu, chỉ vào Bí thư Phạm Đức Tùy đang ngồi ngay bên cạnh: “Ừ! Thằng này là con tao đấy!”. Bí thư Tùy sung sướng quàng tay ôm ngang người dạ H’Len và ngả đầu trên vai bà cụ: “Con là con của dạ H’Len được à?”. “Ừ, mày là con tao được lắm chứ!”. Nói rồi bà lùi lại phía sau, lẻn vào gian ook (phòng) của mình. Sau một hồi quay trở lại, dạ H’Len đặt chiếc vòng đồng vào tay con gái lớn. Hiểu ý mẹ, amí H’Len trao vòng vào cổ tay đứa em kết nghĩa. Amí H’Len nhiều tuổi nhất nên là chị, con nuôi Phạm Đức Tùy nhiều tuổi thứ hai là em, rồi lần lượt đến các em kế tiếp.
Tranh thủ khi chị nuôi trao vòng cho mình - biểu hiện tình cảm cao quý linh thiêng của đồng bào Ê Đê, Bí thư Tùy giao hẹn: “Chị hãy nghe lời em, nghe lời nói từ tivi, người khác nói gì với chị thì chị phải nói lại cho em biết ngay, chị chịu không?”. Amí H’Len gật đầu. Dạ H’Len nhắc lại câu nói, có sức nặng như một lời huấn thị: “Phải nghe lời thằng con này thôi!”. Amí H’Len rơm rớm nước mắt, gật đầu.
Vậy là cuộc kết giao diễn ra tốt đẹp ngoài dự kiến, có cả sự chứng kiến của già làng, không có bất cứ thủ tục ăn thề nào ràng buộc, chỉ có hai câu nói: Một của Bí thư Huyện ủy: “Tiếng nói từ tivi là tiếng nói của Đảng, của Bác Hồ, bà con mình hãy nghe theo những lời nói ấy để làm giàu cho gia đình mình, làm giàu cho buôn mình!” và một câu nói được dạ H’Len lặp lại: “Phải nghe lời thằng con này thôi!”. 
Việc Bí thư huyện ủy kết nghĩa làm em của “Nữ soái rừng xanh” đã dấy lên dư luận đa chiều (mà phần nhiều là suy diễn cá nhân): Nào là “có chính quyền, có lực lượng trấn áp trong tay mà làm vậy là luồn cúi làm mất vị thế thanh danh”, nào là “lấy tiền của Nhà nước ra làm cống vật”, nào là “lão Tùy ăn hai mang: Trước tiên là nhẹ gánh, lại được hàm ơn. Còn nếu nhà nước Đề Ga mà hiện hình được, thì chắc chắn lão cũng được một suất diện HO”. Nhưng các đồng chí của Bí thư Huyện ủy thì nể trọng ông vì đã biết “Lấy trí nhân thay cường bạo”, làm được việc vừa ích nước lại lợi dân.
Bí thư Huyện ủy đã hóa giải tâm đồ đen tối tưởng như đã là thành trì trong lòng amí H’Len. Nên ngay cả sau này, khi ông trở lại nghề cũ là Hiệu trưởng trường Đảng của tỉnh, thì năm 2004, khi hầu hết đồng bào ở các huyện trong tỉnh tiếp tục mắc mưu kẻ xấu xúi giục, tụ tập, kéo nhau lên tỉnh gây rối; riêng đồng bào ở Ea Súp không hề dao động, vẫn “nghe và làm theo những lời nói từ cái tivi”. 
Ngày dạ H’Len mất, gia đình ông Tùy đã về phúng viếng và đưa tiễn mẹ nuôi về “bến Atâu”. Bên linh cữu dạ H’Len có vòng hoa của Tỉnh ủy Đắk Lắk viếng đã xóa đi những điều tiếng dị nghị về sự kiện kết giao có một không hai của 14 năm về trước. 

Theo http://baotintuc.vn
Tìm kiếm