BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Nay Blum - Bác sĩ của buôn làng

24/09/2015 10:56

Nay Blum - Trưởng trạm y tế xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai là một trong những cán bộ y tế tiên phong trong việc xóa bỏ hủ tục, chăm sóc sức khỏe cho người dân các làng của xã Glar. Không chỉ tận tụy, nhiệt tình chăm sóc bệnh nhân, ông còn hiến một phần đất của gia đình để xây dựng Trạm y tế xã Glar, nhận nuôi 4 đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nuôi ăn học thành người. Người dân xã Glar thường gọi ông với cái tên thân thương, trìu mến là “Bác sĩ của buôn làng”.

ĐÔI CHÂN KHÔNG MỎI

Bác sĩ Nay Blum sinh năm 1969, trong một gia đình Bahnar thuần nông đông con ở làng Ktu, xã Glar. Cho đến bây giờ, ấn tượng sâu sắc về sự nghèo khó của gia đình những ngày đói khát không có cái ăn, ngày lạnh không có quần áo mặc vẫn luôn ám ảnh trong trí nhớ của ông. Ngay từ nhỏ, dù thiếu thốn mọi bề nhưng nhận thấy cậu bé Nay Blum luôn say mê học tập lại có năng khiếu đặc biệt về môn toán, gia đình và thầy giáo đã động viên, giúp đỡ anh vượt qua hoàn cảnh khó khăn để vươn lên học tập. Hồi ấy, đường sá cách trở, cuộc sống dân làng Ktu hầu hết đều túng quẫn nghèo đói, bệnh tật liên mien, uống thuốc lá, mời thầy cúng mãi vẫn không khỏi. Chính từ lúc đó, ước mơ được làm bác sĩ chữa bệnh cho dân làng đã được cậu bé hiếu học nung nấu.

Bác sĩ Nay Blum chuẩn bị phát thẻ bảo hiểm y tế năm 2015 cho bà con trong xã. Ảnh: Hồ Thương

Năm 1988, (khi vừa tròn 19 tuổi) chàng thanh niên Nay Blum rời làng lên tỉnh theo đuổi ước mơ học ngành y ở trường Trung cấp Y tế Gia Lai. Năm 1991, Nay Blum làm quen và kết duyên với nữ hộ sinh H’Nơn. Tốt nghiệp trường y, hai vợ chồng Nay Blum lại khăn gói trở về làng. Thời đó, xã Glar chưa có trạm y tế, cả xã chỉ có hai vợ chồng biết chữa bệnh.

Lúc bấy giờ, người dân ở các làng vẫn còn tin theo các hủ tục lạc hậu, ai có bệnh thì lên rừng lấy lá, đau chỗ nào lấy lá giã nhỏ bôi lên chỗ ấy, rồi mời thầy cúng đến nhà cúng để đuổi tà ma đau đi. Tập quán ngàn đời là vậy, người làng chưa biết đến khám bệnh, bốc thuốc, giữ gìn vệ sinh… nên những ngày khám chữa bệnh đầu tiên gặp nhiều khó khăn. Dân làng càng không tin, Nay Blum càng quyết tâm hơn nữ. Từ những bệnh nhân đầu tiên được bác sĩ Nay Blum chữa khỏi mà không cần thuốc lá, không tốn gà heo mời thầy cúng, dân làng đã bắt đầu thay đổi nhận thức. Từ khi được tin tưởng, người làng ai ốm đau cũng đến nhà nhờ cậy, chưa có trạm y tế, hai vợ chồng xách theo túi thuốc đi đến tận nhà bệnh nhân để thăm khám. Những năm đầu thập niên 90, cả hai vợ chồng đều chữa bệnh miễn phí cho dân làng. Cuộc sống chỉ có số tiền lương rất ít ỏi, phải làm rẫy thêm để kiếm sống nhưng nhờ có dân làng thương yêu đùm bọc, cho gạo, cho rau củ nên Nay Blum vẫn quyết tâm bám làng, bám nghề.

Nhận thấy trình độ chuyên môn còn hạn chế cùng với quyết tâm chữa bệnh thật tốt cho dân làng, Nay Blum đã đăng ký đi học bác sĩ ở Huế từ năm 2001 đến năm 2006. Những ngày tháng đi học xa nhà, Nay Blum vẫn luôn tranh thủ những kỳ nghỉ để về khám chữa bệnh cho bà con. Đôi chân không mỏi ấy không hề do dự, luôn hết mình vì người bệnh.

HIẾN ĐẤT LÀM TRẠM Y TẾ XÃ…

Suốt thời gian dài, đi khám bệnh tại nhiều nhà người dân, bác sĩ Nay Blum nhận thấy những hạn chế khi không có nơi khám chữa bệnh cố định. Xã Glar trước kia có 12 làng, người dân sống rải rác, thiếu thốn cả về nhân lực, lẫn cơ sở vật chất, nhất là thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh khiến cho việc chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng trạm y tế xã, vì địa hình đồi dốc, quỹ đất hạn hẹp nên việc tìm mặt bằng rộng, thông thoáng ở trung tâm xã Glar để xây dựng trạm y tế gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, bác sĩ Nay Blum luôn trăn trở suy nghĩ, ông biết rằng trạm y tế xã được xây dựng sớm ngày nào thì càng có lợi cho dân ngày ấy. Ông về bàn với vợ hiến toàn bộ 6 sào (6.000m2) diện tích đất làm rẫy của gia đình để làm trạm y tế.

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, giờ đây, Trạm y tế xã Glar được xây dựng 2 lầu khang trang với 6 nhân viên y tế, được trang bị đầy đủ dụng cụ và hàng chục loại thuốc để phục vụ khám, chữa các loại bệnh thông thường và sơ cứu ban đầu cho bà con. Để đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh cho bà con, bác sĩ Nay Blum đã động viên cán bộ y tế xã trồng vườn thuốc nam, với hơn 40 loại cây thuốc chữa bệnh thông thường được trồng như chanh, sả, tía tô, hương nhu, gừng, hẹ, rẻ quạt… Nhờ kết hợp chữa bệnh giữa Đông y và Tây y, bệnh tình của người dân mau chóng thuyên giảm. Hiện nay, trạm y tế xã Glar đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Ngoài việc khám chữa bệnh, bác sĩ Nay Blum cùng với nhân viên y tế của trạm còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho bà con dân làng giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh, thực hiện chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, chương trình bảo hiểm y tế, bài trừ các hủ tục lạc hậu trong cuộc sống.

Khắp các chân đồi sườn núi của xã Glar hôm nay, đâu đâu cũng thấy một màu xanh ngút ngàn hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Và đâu đó trên những con đường đến các buôn làng trong xã, chúng tôi như thấy hình dáng nhỏ bé mà nhanh nhẹn với nụ cười hiền lành của bác sĩ Nay Blum đang rảo bước đi khám chữa bệnh cho người dân. Nay Blum là người bác sĩ tâm huyết với nghề với nhân dân xứng đáng với danh hiệu “Lương y như từ mẫu”.

 

HỒ THƯƠNG

(Sách “Người tốt việc tốt làm theo gương Bác”,

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, tập V, xuất bản 19-5-2014, tr38-42)

Tìm kiếm