BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Công tác tham mưu phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Tham gia hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và UBTV Quốc hội.

24/03/2016 10:53

Quyền giám sát tối cao của Quốc hội có thể được hiểu là quyền kiểm soát toàn bộ quá trình thực thi quyền lực Nhà nước, được Hiến Pháp 1980 và 1992 quy định. Quyền hiến định này được phát triển cụ thể bởi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, đã tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng để ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, giám sát chuyên đề của UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và Đại biểu Quốc hội.

I/ Thực tiễn và hiệu quả công tác phục vụ.

Trong 2 năm từ sau khi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội được ban hành, công tác giám sát của Quốc hội đã có những đổi mới. Hoạt động xem xét báo cáo của các nhánh quyền lực tối cao; hoạt động chất vấn tại nghị trường; xem xét các giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH; nghe thuyết trình của các UB của Quốc hội; hoạt động giám sát thực tế do các Đoàn của Trung ương, các Đoàn ĐBQH địa phương … được triển khai tích cực. Chúng tôi nhất trí cao với đánh giá về hoạt động giám sát trong 2 năm 2004-2005 của UBTVQH, rằng: Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH tiếp tục được đẩy mạnh, đã có những chuyển biến nhất định, nhận thức về vị trí, vai trò của hoạt động giám sát từng bước được nâng cao và đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động giám sát chuyên đề được tiến hành công khai, dân chủ, có ý nghĩa thực tiễn, được đông đảo cử tri hoan nghênh….

Đoàn ĐBQH Thành phố đã chủ động tham gia hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH và tổ chức các cuộc giám sát riêng về việc thi hành pháp luật, tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương với hiệu quả ngày càng cao. Ở góc độ tham mưu, phục vụ, Văn phòng Đoàn ĐBQH Thành phố đã tham mưu với Lãnh đạo Đoàn ĐBQH TP thực hiện các nội dung sau:

- Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về công tác giám sát hàng năm và tình hình thực tiễn của Thành phố để xây dựng chương trình cả năm gồm 2 phần: phần tham gia các Đoàn giám sát của UBTVQH; HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội; phần các chủ đề giám sát riêng của Đoàn ĐBQH Thành phố. Chương trình năm được cụ thể hóa cho 6 tháng và hàng tháng.

- Hầu hết các Đoàn Giám sát của UBTVQH, các UB của Quốc hội đến Thành phố, ngoài ĐBQH TP là thành viên của các UB thì Thành phố đều có ĐBQH tham gia và cử chuyên viên Văn phòng tham gia phục vụ Đoàn.

- Đối với từng chuyên đề giám sát của Đoàn ĐBQH, Văn phòng đề xuất thành phần ĐBQH tham gia đoàn giám sát, đơn vị chịu sự giám sát, thời gian tiến hành, nội dung để yêu cầu các đơn vị báo cáo phục vụ giám sát, tổ chức phục vụ đoàn giám sát tại các đơn vị và thị sát tại cơ sở.

- Ngay từ đầu năm, sau khi Đoàn ban hành chương trình hoạt động giám sát, Văn phòng phân công chuyên viên tập hợp tài liệu, thông tin liên quan đến từng chuyên đề từ internet, báo chí, các chuyên gia có quan hệ để gửi đến từng thành viên đoàn giám sát nghiên cứu trước khi tiến hành cuộc giám sát, phục vụ cho ĐBQH chất vấn và đánh giá tình hình.

- Thực hiện việc tổng hợp thông tin từ báo cáo của các đơn vị chịu sự giám sát, ghi chép và gỡ máy ghi âm cuộc giám sát, tài liệu thu thập trước giám sát, cử chuyên viên đi thực tế để kiểm tra thêm nếu cần. Sau khi kết thúc chương trình giám sát, Văn phòng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và gửi xin ý kiến từng thành viên của đoàn giám sát; tập hợp các góp ý của ĐBQH để chỉnh lý và trình Trưởng Đoàn giám sát (thường là đồng chí lãnh đạo Đoàn ĐBQH TP) để duyệt, ký ban hành báo cáo đánh giá và những kiến nghị của giám sát.

- Có theo dõi việc xem xét giải quyết các kiến nghị giám sát của các cơ quan chức năng thông qua các VBQPPL được ban hành, báo cáo định kỳ và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tham mưu và phục vụ Đoàn ĐBQH TP thảo luận và đề nghị các nội dung cần đưa vào chương trình giám sát hàng năm của Quốc hội.

Hai năm qua, VP Đoàn ĐBQH TP đã phục vụ:

· ĐBQH TP tham gia 16 đoàn giám sát về 5 chuyên đề lớn của UBTVQH, đã giúp nâng cao kỹ năng hoạt động cho ĐBQH, cung cấp thông tin cho ĐBQH trong hoạt động chất vấn và quyết nghị các chính sách tại nghị trường ngày càng có chất lượng.

· Hơn 20 cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH TP tại địa phương thật sự sôi nổi, tương đối toàn diện và hiệu quả ngày càng tốt hơn, với 90 ý kiến kiến nghị đối với cơ quan Trung ương, 75 ý kiến kiến nghị với các Sở, Ngành Thành phố. Các kiến nghị lúc đầu có dàn trải, dần về sau có đi vào trọng tâm trọng điểm, tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cơ quan chịu sự giám sát.

Thực tiễn cho thấy rằng nhiều kiến nghị giám sát của Đoàn ĐBQH đã được các cơ quan Trung ương, Chính quyền Thành phố tiếp thu, xem xét, góp phần hình thành các quy định của pháp luật, chính sách ở tầm vĩ mô, chủ trương ở địa phương như: bỏ kỳ thi THCS, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư mới, dân góp vốn bằng giá trị QSD đất ở các dự án kinh doanh, điều chỉnh các dự án KCN, mở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tổ chức tái định cư trước khi giải tỏa, nhà ở cho người thu nhập thấp… Đánh giá về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố HCM cho rằng: Các kiến nghị qua hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH TP đã giúp nhiều cho công tác quản lý và điều hành của chính quyền Thành phố.

 II/ Những tồn tại, hạn chế.

Những hạn chế, tồn tại trong công tác tham mưu phục vụ Đoàn ĐBQH tham gia hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTV Quốc hội và hoạt động giám sát riêng của Đoàn tại địa phương nổi lên ở hai mặt:

Một là: Công tác tham mưu phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng là mảng công việc còn yếu. Thiếu người, yếu về năng lực tham mưu, chưa có kinh nghiệm, kể cả chưa mạnh dạn đề xuất ở tất cả các khâu của quá trình hoạt động giám sát. Công tác tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH TP tổ chức giám sát, từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch, địa điểm, thời gian đến nội dung giám sát,  nhiều lúc bị trùng lắp với hoạt động giám sát của UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của HĐND TP. Việc tập hợp tài liệu, thông tin để cung cấp cho ĐBQH chưa thật đầy đủ, chính xác, khách quan. Việc huy động chuyên gia, cơ quan chuyên môn nghiệp vụ có liên quan để giúp đoàn giám sát xem xét, đánh giá vấn đề giám sát chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH đôn đốc và theo dõi kết quả việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan hữu quan có được đặt ra, nhưng hầu như chưa thực hiện, chỉ dừng ở mức theo dõi và phản ảnh tình hình chung.

Hai là: Suy cho cùng những tồn tại, hạn chế trong công tác tham mưu phục vụ cũng là những vấn đề phái sinh từ những hạn chế cơ bản của việc thực hiện chức năng giám sát của ĐBQH và Đoàn ĐBQH  nói chung. Nổi cộm lên có mấy vấn đề như sau:

· Đoàn ĐBQH Thành phố tuy là đoàn có số lượng đại biểu đông nhất nhưng đã có hơn ½ ĐBQH là các đồng chí lãnh đạo chủ chốt ở Thành phố và Trung ương; giữa 2 kỳ họp đã phải bố trí các nhóm ĐBQH tham gia hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, khảo sát, hội thảo tất cả các dự án luật sẽ cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp kế tiếp… nên thời gian vật chất dành cho hoạt động giám sát có hạn chế. Việc phân phối thời gian để tham gia các đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH và giám sát riêng của Thành phố còn bị động.

· Có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm của các thành viên tại các buổi làm việc nên không ít cuộc giám sát trở thành cuộc khảo sát tình hình, hiệu quả giám sát không cao.

· Những kiến nghị sau giám sát của Đoàn ĐBQH TP gửi đến các cơ quan hữu quan của Trung ương, Thành phố, mặc dù được các cơ quan này có xem xét, chấn chỉnh hoặc nghiên cứu vận dụng trong quá trình hình thành chủ trương, chính sách mới, nhưng hầu như không có hồi âm bằng văn bản dễ dẫn đến sự nản lòng. Bằng chứng là nhiều ý kiến kiến nghị trong 2 năm qua có rất ít cơ quan trả lời. Đành rằng ý kiến, kiến nghị của chủ thể giám sát ở cấp độ xác nhận, khuyến nghị về những ưu khuyết, các vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, những ý kiến lưu ý, gợi ý tham khảo cho những giải pháp cần chấn chỉnh trong quá trình quản lý điều hành của chính quyền địa phương cũng không nhất thiết phải phúc đáp. Điều có ý nghĩa là nó có được thẩm thấu vào quá trình hình thành các chủ trương, chính sách và các giải pháp công tác quản lý, điều hành của chính quyền đến mức độ nào.

III/ Những vấn đề đặt ra trong hoạt động giám sát và phục vụ giám sát.

Hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTV Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH còn nhiều vấn đề cơ bản phải bàn cãi.

Giữa lý luận và thực tiễn còn nhiều vấn đề vướng cần phải được nghiên cứu và quyết định ở cấp cao. Để thực hiện thiết chế dân chủ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, yêu cầu mọi quyền lực nhà nước phải được kiểm soát. Tuy nhiên một loạt bất cập được đặt ra: Thẩm quyền hiến định, quy định của luật về giám sát tối cao với việc thực hiện quyền lực trên thực tế của Quốc hội; Tính chất nghiệp vụ, chuyên nghiệp của hoạt động giám sát với hoạt động kiêm nhiệm của ĐBQH; Phạm vi thẩm quyền và cơ chế hoạt động của giám sát tối cao với giám sát chuyên đề ở cấp độ cả nước và địa phương; Năng lực thực tiễn của ĐBQH và cơ quan phục vụ với yêu cầu đòi hỏi cao của hoạt động giám sát…. càng được làm rõ thì hiệu quả mới càng cao.

Qua thực tiễn tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tham gia hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, Đoàn ĐBQH, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần được xem xét thêm:

+ Về chương trình giám sát hàng năm của Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố cần chủ động bám sát và tham gia các nội dung giám sát chuyên đề của Quốc hội, UBTVQH, các Ủy ban của Quốc hội theo Nghị Quyết của Quốc hội được ban hành ngay từ đầu hàng năm. Dù các đoàn có đến hay không đến địa phương mình thì tùy điều kiện nên tổ chức các cuộc giám sát xoay quanh các nội dung đó. Đã tham gia giám sát hoặc tổ chức đoàn giám sát riêng của địa phương thì Đoàn ĐBQH địa phương đều phải có báo cáo chính kiến với những kiến nghị riêng của mình đối với các cơ quan hữu quan.

+ Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố nhất thiết phải có ít nhất 1 chuyên viên có năng lực chuyên để tham mưu phục vụ Đoàn về công tác giám sát. Đồng thời đề nghị Văn phòng Quốc hội có văn bản hướng dẫn rõ hơn về việc huy động các chuyên gia ở các Viện, Trường, Cơ quan chuyên môn của Đảng, chính quyền địa phương như Kiểm tra Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán, Viện KSND… tham gia đoàn giám sát. Việc tham gia ở giai đoạn nào, phạm vi đến đâu cũng phải được định hướng mới giúp cho ĐBQH giảm tải công việc và các kiến nghị, kết luận của giám sát chắc sẽ sát thực tiễn hơn.

+ Cần mở rộng nguồn và chất lượng tài liệu, thông tin phục vụ giám sát. Với nội dung các chuyên đề đã được xác định từ đầu năm, nên có cơ chế cho VP Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố chủ động quan hệ thu thập tài liệu, thông tin trước cho chuyên đề đó. Nguồn thu thập cần mở rộng, từ các VBQPPL, tài liệu của các cơ quan chuyên môn, các báo cáo nghiên cứu chuyên đề, báo cáo tiếp xúc cử tri, thông tin qua báo chí, sử dụng thông tin qua mạng điện tử… Tài liệu, thông tin trên cần có sự tổng hợp, đánh giá ban đầu để cung cấp cho các thành viên của Đoàn giám sát.

+ Về tổng hợp và theo dõi việc xử lý các kiến nghị của giám sát. Thực ra, từ trước đến nay Đoàn ĐBQH và ĐBQH chưa chú trọng nhiều đến việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, thực hiện tốt các quy định đã có của Luật về hoạt động giám sát của Quốc hội, cần tổ chức “giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát”. Về phía Văn phòng phục vụ sẽ cố gắng nâng cao chất lượng dự thảo báo cáo; đề xuất lãnh đạo chắt lọc thành những kiến nghị đúng tầm để chuyển đến các cơ quan hữu quan. Đối với các kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố gửi đến UBTVQH, đề nghị Văn phòng Quốc hội: ngoài việc giúp UBTVQH xử lý và thông tin lại cho các Đoàn ĐBQH, nên tổng hợp những kiến nghị của các tỉnh, thành phố trên cả nước (giống như báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của UBTW MTTQVN) để chuyển đến các cơ quan Trung ương và phát hành phục vụ cho hoạt động chất vấn của ĐBQH tại kỳ họp.

 Lê Xuân Thanh, Chánh VP Đoàn ĐBQH TP. HCM

Theo: http://www.dbnd.hochiminhcity.gov.vn/
Tìm kiếm