Chất vấn và trả lời chất vấn là một hoạt động luôn thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, của cơ quan thông tấn báo chí.
Chất vấn là một trong những hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, được tổ chức công khai tại kỳ họp hoặc giữa 2 kỳ họp. Chất vấn tại kỳ họp phổ biến chất vấn bằng miệng của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nó được coi là hình thức giám sát trực tiếp của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với các cơ quan, cá nhân khi được chất vấn nhằm giải đáp, làm rõ trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền được phân công, đồng thời giúp đại biểu Hội đồng nhân dân có cơ sở đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh do Hội đồng nhân dân bầu và góp phần tạo dư luận Xã hội quan tâm thúc đẩy người được chất vấn thực hiện lời hứa.
Để buổi chất vấn có chất lượng, đạt hiệu quả cao, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri thì yếu tố cấu thành thể hiện ở 03 mặt: Người tổ chức điều hành chất vấn, người chất vấn và người trả lời chất vấn và vai trò của các chủ thể trên cần xác định rõ những vấn đề sau:
* Thứ nhất: Người tổ chức điều hành chất vấn (chủ tọa kỳ họp/Thường trực Hội đồng đồng nhân dân).
1. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, đơn vị cần chất vấn trong mỗi kỳ họp. Muốn vậy, phải lắng nghe thu thập thông tin; nắm chắc, phân loại thông tin và chọn lọc những vấn đề trọng tâm cần chất vấn để xin ý kiến quyết định đại biểu Hội đồng nhân dân. Nguồn cung cấp thông tin từ các hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, giao ban các Tổ đại biểu, qua các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt qua 02 chương trình “Lắng nghe và Trao đổi”, Chương trình “Đối thoại cùng chính quyền thành phố” đã giúp Thường trực Hội đồng nhân dân qua những lần trao đổi, đối thoại phát hiện những vấn đề mà cử tri quan tâm.
2. Trao đổi thống nhất với 3 Thường trực HĐND – UBND - Ban Thường trực UBMT TQ VNTP trong việc tiếp nhận những ý kiến phản ánh của nhân dân và các đoàn thể chính trị - xã hội; dự kiến nội dung, đơn vị chất vấn và yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm phân công đơn vị trực tiếp trả lời và đơn vị khác hỗ trợ trả lời khi cần thiết.
3. Tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được thể hiện các bước sau:
+ Xác định vấn đề, nhóm vấn đề cần tập trung; tiến hành lấy ý kiến đại biểu quyết định nội dung, đơn vị, thời gian chất vấn (có thể lấy ý kiến bằng phiếu do Thường trực Hội đồng nhân dân đề xuất để đại biểu có thời gian tham khảo ý kiến và quyết định trực tiếp).
+ Điều hành linh hoạt, tăng cường đối thoại, đây là yếu tố quan trọng tạo sinh động nghị trường nhưng vẫn tập trung vào nội dung chính, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục; khi cần thiết sẽ mời các sở ngành, quận huyện, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố trả lời bổ sung hoặc làm rõ nội dung cần bàn.
+ Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chủ tọa kỳ họp kết luận về: tổng số lượt đại biểu phát biểu, tổng số ý kiến, bao nhiêu nội dung được nêu ra tại kỳ họp; những nội dung đạt được và chưa đạt được trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Đối với những trường hợp chưa thể trả lời ngay, chủ tọa kỳ họp sẽ yêu cầu các đơn vị có liên quan có văn bản trả lời sau khi kết thúc kỳ họp.
+ Để nâng cao trách nhiệm lãnh đạo của các đơn vị được chất vấn và là cơ sở để Hội đồng nhân dân tham gia giám sát, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố khi cần thiết ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết đó nêu rõ lời hứa cần thực hiện, xác định nội dung trọng tâm, cần có biện pháp khắc phục và trách nhiệm báo cáo kết quả tại kỳ họp sau của người được chất vấn
+ Trong thời gian diễn ra kỳ họp, phiên chất vấn, được truyền hình, truyền thanh trực tiếp; thiết lập đường dây điện thoại nóng, hộp thư điện tử và mời cử tri tham dự kỳ họp để cử tri theo dõi, giám sát.
* Thứ hai: Người tham gia chất vấn (đại biểu Hội đồng nhân dân)
1. Đây là quyền và trách nhiệm của người đại biểu, là chủ thể trực tiếp đặt câu hỏi, là sự đối thoại mang tính quyền lực của đại biểu Hội đồng nhân dân với cơ quan quản lý nhà nước được quy định tại Điều 41 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 và lắng nghe sự trả lời của người có trách nhiệm để có thể phản biện lại hoặc yêu cầu làm rõ nội dung của câu hỏi.
2. Câu hỏi đặt ra trong buổi chất vấn để được mọi người cùng chia sẽ có tính thời sự cao thì đòi hỏi người đại biểu Hội đồng nhân dân phải có kỹ năng nghe, nhìn, tổng hợp, chọn lọc ý kiến, tự tin khi đứng trước đông người và có thái độ chuẩn mực, không quá khiêu khích, đặt câu hỏi ngắn gọn, xúc tích, lời lẽ rõ ràng, cụ thể. Muốn vậy, người đại biểu cần nắm sát tình hình kinh tế - văn hóa – xã hội của thành phố, hiểu rõ những vấn đề bức xúc của người dân, có kiến thức hiểu biết về pháp luật hoặc những vấn đề mà mình quan tâm muốn trao đổi.
* Thứ ba: Người trả lời chất vấn (Ủy ban nhân dân các cấp, các sở ngành, quận huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước).
1. Tiếp nhận và chuẩn bị các nội dung từ các câu hỏi gởi trước của đại biểu hoặc những gợi ý trọng tâm từ Thường trực Hội đồng nhân dân.
2. Rà soát, nắm chắc số liệu, tiến độ công việc mà mình đang điều hành. Đặc biệt nắm cơ chế phối hợp hoạt động giữa các sở ngành và địa bàn để khi trả lời làm rõ trách nhiệm, kết quả công việc.
3. Thái độ trả lời cầu thị, thẳng thắn, trực tiếp đi thẳng vào vấn đề cần trao đổi, không né tránh, không đùn đẩy việc sang người khác.
4.Triển khai thực hiện nghiêm túc nghị quyết chất vấn về vấn đề nào đó của Hội đồng nhân dân thành phố và báo cáo kết quả tại kỳ họp lần sau.
Qua nửa nhiệm kỳ hoạt động (từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2013) Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII luôn xác định dành thời gian 01 ngày hoặc 01 ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp thường kỳ. Mỗi buổi có 1 sở hoặc 2 sở tham gia chất vấn, cuối buổi chất vấn hoặc trong quá trình chất vấn cần làm rõ những nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành thì Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trả lời bổ sung. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 12 diễn ra từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 12 năm 2013, ngoài trả lời chất vấn của sở ngành, đơn vị liên quan, còn bố trí trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tham gia trả lời chất vấn trong 1 buổi sáng.
- Tính đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành 03 nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, nội dung nghị quyết liên quan: vấn đề ô nhiễm môi trường, công tác quy hoạch, giải quyết các dự án treo, an toàn giao thông, khoa học công nghệ, giao thông, ngập nước, chăm sóc sức khỏe người dân…
- Sau kỳ họp, Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân tích cực tổ chức các cuộc giám sát để thúc đẩy tiến độ thực hiện nghị quyết và khi cần thiết tổ chức chất vấn việc thực hiện nội dung của nghị quyết tại các kỳ họp chuyên đề.
Tóm lại, để hoạt động chất vấn không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bên cạnh việc hoàn chỉnh những quy định pháp luật về hoạt động chất vấn ví dụ như quy định biện pháp chế tài khi người được chất vấn chưa thực hiện đầy đủ ời hứa thì vai trò người đại biểu Hội đồng nhân dân cần được quan tâm vì họ là chủ thể quan trọng tạo sự sinh động tại nghị trường, vì vậy đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm trước các yêu cầu đổi mới của đất nước, thành phố, trước những quan tâm, bức xúc của cử tri để từ đó làm cho sức mạnh của quyền chất vấn thành kết quả hiện thực; góp phần nâng cao chất lượng sống người dân và hiệu lực, hiệu quả điều hành quản lý nhà nước.
Thường trực HĐND Thành phố Hồ Chí Minh