 |
Tiếp xúc cử tri tại huyện Việt Yên |
Thực hiện tốt các bước hiệp thương
Trong công tác bầu cử, các bước hiệp thương để lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là một nhiệm vụ trọng tâm đối với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của các bước hiệp thương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp chủ động thực hiện đúng quy trình hiệp thương theo 5 bước gồm: (1) Tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 1 để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. (2) Các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử. (3) Tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử. (4) Tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú của những người ứng cử. (5) Tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 để lập danh sách chính thức những người ứng cử.
Qua các bước quy trình hiệp thương, MTTQ các cấp trong tỉnh đã lựa chọn, giới thiệu được những người có đủ tiêu chuẩn, bảo đảm được cơ cấu, thành phần ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. MTTQ tỉnh đã lập danh sách 14 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV (Trung ương giới thiệu 3 đại biểu; đại biểu nữ 72,7%; trẻ tuổi 63,6%; dân tộc thiểu số 45,5%); 144 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh (đại biểu nữ 37,5%; trẻ tuổi 23,6%; ngoài Đảng 11,8%; dân tộc thiểu số 16%, tôn giáo 1,4%). MTTQ cấp huyện lập danh sách 645 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện (để bầu 391 đại biểu); MTTQ cấp xã lập danh sách 10.970 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã (để bầu 6.412 đại biểu) bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số dư ít nhất ở mỗi đơn vị bầu cử, bàn giao cho Ủy ban bầu cử các cấp công bố trước ngày 27.4. Điều cử tri ghi nhận là chất lượng các ứng cử viên lần này được nâng lên so với nhiệm kỳ 2011 - 2016. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đạt cao. Cụ thể, trình độ trên đại học của người ứng cử ĐBQH đạt 50% (Khóa XIII đạt 23%); người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đạt 31,3% (Khóa XVII đạt 22%).
Có thể khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, MTTQ các cấp đã tổ chức thành công các bước hiệp thương giới thiệu người ứng cử, bảo đảm dân chủ, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
Để cuộc bầu cử thành công, ngoài tổ chức tốt công tác hiệp thương, lựa chọn người ứng cử bảo đảm cơ cấu, thành phần, số lượng và tiêu chuẩn, thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm làm cho mọi người dân, trước hết là cử tri hiểu rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của QH, của HĐND; các tiêu chuẩn của người đại biểu dân cử. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, tạo không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân hướng tới ngày bầu cử thực sự là ngày hội của nhân dân.
Theo đó, MTTQ tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, đôn đốc Ban Thường trực MTTQ cấp xã phối hợp với các tổ chức thành viên, vận động cử tri dự hội nghị cử tri nơi cư trú của người ứng cử; phối hợp với UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp huyện chủ trì phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức các hội nghị cử tri để những người ứng cử ĐBQH, những người ứng cử đại biểu HĐND gặp gỡ tiếp xúc với cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử. MTTQ tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri tại nơi ứng cử (từ ngày 27.4 - 20.5), hướng dẫn người ứng cử xây dựng chương trình hành động và thực hiện các hình thức vận động bầu cử mà pháp luật quy định, bảo đảm người ứng cử ĐBQH và HĐND tiếp xúc với càng nhiều cử tri càng tốt; qua đó tạo điều kiện thuận lợi để ứng cử viên thực hiện quyền vận động bầu cử qua tiếp xúc cử tri và qua báo, đài của địa phương; đồng thời giúp cử tri có nhiều thông tin về người ứng cử để xem xét, lựa chọn.
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng hình thức tuyên truyền miệng đến khu dân cư, các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, kênh thông tin điện tử, phát huy vai trò các chức sắc tôn giáo, người tiêu biểu để tuyên truyền, vận động trong nhân dân, qua đó đã tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, hiểu và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử.
Có thể nói, đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã sẵn sàng cho ngày hội lớn. Không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử đã lan tỏa đến từng thôn xóm, khối phố. Người dân đang nô nức, phấn khởi, chờ đợi đến ngày thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, với kỳ vọng lựa chọn những người đại diện của mình trong nhiệm kỳ mới. Thời gian từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, để cuộc bầu cử diễn ra đúng luật, an toàn, thực sự là ngày hội của toàn dân đòi hỏi tiếp tục có sự vào cuộc, nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị. Trước hết là sự tuân thủ nghiêm túc các quy định của các ban bầu cử, tổ bầu cử; sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát bầu cử; tăng cường công tác tuyên truyền và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm cho các địa điểm bỏ phiếu, phục vụ thuận lợi các tầng lớp nhân dân trong ngày bầu cử. Cùng với đó, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến mọi người dân, đến các đối tượng, nhất là cử tri lần đầu tiên đi bỏ phiếu…
Ngô Sách Thực - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang