BỘ NỘI VỤ

MINISTRY OF HOME AFFAIRS OF THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

A- A+
Thay đổi tương phản

Tương phản

- +
Điện thoại
Nhắn tin
Gửi mail


Đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính

22/11/2019 08:45

Ngày 21/11, Thanh tra Chính phủ tổ chức toạ đàm khoa học với chủ đề "Một số vấn đề về đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (HCNN)". TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì.

Đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính 
Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: TH

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Đinh Văn Minh chia sẻ, giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan HCNN là yêu cầu quan trọng trong quản trị nền hành chính nhằm đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan HCNN, của đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. 

Với tính chất là hoạt động mang tính thường xuyên, liên tục, hoạt động công vụ của cơ quan HCNN có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức là chủ thể thực thi công vụ, có vai trò quan trọng trong hoạt động công vụ. 

Hoạt động công vụ là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức được nhà nước trao quyền, nhân danh nhà nước để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao nên mỗi quyết định, hành vi của cán bộ, công chức đều tác động đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, vì vậy cần phải có cơ chế kiểm soát, giám sát hiệu quả.

 Giám sát việc thực thi công vụ được xác định là phương thức nhằm kiểm soát quyền hành pháp, giúp cho hoạt động công vụ được đúng hướng, phục vụ cho chủ thể quản lý trong việc đánh giá, sắp xếp lại bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

"Thực tiễn hoạt động giám sát việc thực thi công vụ hiện nay cho thấy, mặc dù chúng ta có nhiều thiết chế về thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng vẫn có những khoảng trống trong hoạt động công vụ chưa được giám sát hoặc việc giám sát chưa hiệu quả. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về giám sát chưa đồng bộ dẫn tới sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động giám sát; chưa có mô hình tổ chức cơ quan chuyên trách có chức năng giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan HCNN", TS. Đinh Văn Minh khẳng định.

Tại toạ đàm, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá về các yêu cầu, nội dung  đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan HCNN các mối quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có chức năng thực hiện giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan HCNN.

Đồng thời, trao đổi, thảo luận về các yếu tố ảnh hưởng, những tác động cơ bản của việc thực hiện các kiến nghị giám sát về thực thi công vụ của cơ quan HCNN.

Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận việc hoàn thiện các quy định pháp luật về đổi mới cơ chế giám sát  của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, báo chí, người dân, của Toà án, Viện kiểm sát đối với việc thực thi công vụ của cơ quan HCNN.

Định hướng hoàn thiện quy định pháp luật về đổi mới cơ chế giám sát trong nội bộ nền HCNN thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp (nhận thức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức trong cơ quan HCNN, giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật...) đổi mới cơ chế giám sát việc thực thi công vụ...

Cho ý kiến tại buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra Nguyễn Quốc Văn khẳng định: Đến thời điểm này đề tài đã thành công vì đã phản ánh được thực tiễn giám sát ở Việt Nam, các chủ thể giám sát đã xác định. 

Tuy nhiên, về nội hàm giám sát, ông Văn cho rằng, phạm vi thực thi giám sát công vụ rộng. Kiểm toán Nhà nước không phải là hoạt động của cơ quan HCNN; hoạt động thực thi công vụ của các ban, đảng nên chăng   loại trừ . Ông Văn cũng chỉ ra, việc vận hành, sử dụng tài chính của cơ quan Toà án, Kiểm soát có nhiều rủi ro. Vì vậy, Ban chủ nhiệm đề tài sắp xếp theo lại theo thứ tự ưu tiên giám sát nhằm giảm rủi ro.

Về giải pháp, nên có những giải pháp ở tầm triết lý, quan điểm, tư tưởng. Cụ thể: Giải pháp kỹ thuật nên giữ các pháp luật hiện nay; giải pháp triết lý thì phải sửa từng luật. Đồng thời, đề tài cũng cần nhấn mạnh và suy tôn hơn nữa việc kiểm soát bên trong, đưa vào tất cả trong luật và tăng tính độc lập các chủ thể giám sát.

Đại diện Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp cho biết, đến giờ chưa có mô hình tổng thể để xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, mà chỉ là ở dạng cải tạo. Chưa có khái niệm chế độ công vụ rõ ràng, Vì vậy, đề nghị Ban Chủ nhiệm cần phải tập trung vào cơ chế giám sát công vụ là chủ yếu, nên nêu rõ chế độ công vụ là gì. Khi xác định thế nào là công vụ thì mới có những kiến nghị, giải pháp sát sườn. 

Mặt khác, cần làm rõ giám sát việc thực thi công vụ xem các chủ thể có gì riêng không? Qua đó, xác định được mô hình giám sát việc thực thi công vụ hiện nay như thế nào? Mô hình giám sát từ bên trong và bên ngoài ra sao?

Ban Chủ nhiệm cũng nên giới hạn lại phạm vi của đề tài nhằm tránh dàn trải, để có kiến nghị biện pháp cụ thể hơn. 

Trong phần kiến nghị nên đề xuất kiến nghị cụ thể liên quan đến giám sát trong nội bộ nền hành chính đó chính là kiến nghị sửa đổi luật Thanh tra.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam khẳng định: Đề tài rõ ràng, tuy nhiên cũng cần phải làm rõ khái niệm công vụ là gì trên cơ sở dựa vào các quy định bằng pháp luật và muốn thực thi công vụ thì các cơ quan HCNN cần phải có đủ thủ tục.

Ông Tâm cũng thông tin thêm, giới hạn của việc thực thi công vụ cơ quan HCNN bao gồm 3 quyền. Nhưng liên quan đến thanh tra giám sát thì có đến 5 quyền. Vì vậy, đề tài cần vận dụng lý thuyết các quyền thanh tra giám sát vào nội dung nghiên cứu.

Theo PGS.TS Lê Minh Tâm, hệ thống giám sát nội bộ cực kỳ quan trọng, nhưng hệ thống giám sát từ bên ngoài lại có sự lan toả, cần tổ chức có chuyên môn thì mới làm tốt được.

"Giữa pháp luật và thực tiễn đang có khoảng cách xa, yếu tố con người là khả năng sáng tạo, giá trị trí tuệ nên tôi khuyến khích người làm trong chế độ công vụ phát huy tính sáng tạo, những sáng kiến để nâng cao hiệu lực thực thi công vụ" - ông Tâm nói.

Về các yếu tố cơ bản tác động đến cơ chế đổi mới giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan HCNN các đại biểu cho rằng có 3 yếu tố, đó là: Thứ nhất là lợi ích và chi phí quá trình thực thi giám sát. Thứ hai là yếu tố chính trị pháp lý sự ảnh hưởng của các chính trị gia đến việc đổi mới nền công vụ. Ở Việt Nam, sự ảnh hưởng của Đảng đối với hoạt động của cơ quan HCNN dẫn đến ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Do đó phải phân tích được sự tác động của chính trị. Thứ ba yếu tố văn hoá và đạo đức là truyền thống văn hoá ứng xử của người Việt tác động đến bộ máy HCNN...

Theo http://thanhtra.com.vn/
Tìm kiếm