Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn Nghệ An) nêu thực tế, việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn là thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh nhưng các tỉnh không thể tăng mức phụ cấp này do Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
“Đề nghị cho biết khi nào trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định 34/2019/NĐ-CP, trong thời gian chờ sửa đổi Nghị định, Bộ trưởng có đề xuất giải pháp như nào để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn?”, đại biểu Thái Thị An Chung nêu câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, hiện có hai chế độ công vụ: Một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và chế độ công vụ cấp xã. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã không có sự thay đổi lớn so với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên, chỉ khác nhau về ngạch, còn cán bộ, công chức cấp xã trả lương theo trình độ đào tạo.
Đối với đội ngũ không chuyên trách, thời gian vừa qua, khi thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực thì hiệu quả, cơ cấu gọn hơn, theo đó, số lượng cán bộ không chuyên trách ở cấp xã giảm đi nên đang thực hiện khoán kinh phí hoạt động đội ngũ không chuyên trách ở cấp xã và khoán đội ngũ không chuyên trách ở thôn.
“Thực tế có bất cập nên Bộ đã nghiên cứu rất kỹ, đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và nhận thấy nhiều bất cập cần sửa đổi. Một số nơi quy mô dân số của đơn vị hành chính cấp xã rất lớn như ở thành phố Hồ Chí Minh có phường, xã lên tới 130.000 dân nhưng bên cạnh đó cùng ở cấp này một số nơi chỉ có khoảng 400 dân. Sẽ bất cập nếu tiếp tục ấn định số lượng cán bộ ở mức như hiện nay. Hiện dự thảo đã lấy ý kiến lần một đối với 63 tỉnh, thành. Sau kỳ họp Quốc hội này, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét phù hợp hơn”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.
Bộ trưởng cho biết, sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP theo hướng phân cấp cho các địa phương căn cứ vào tổng số cán bộ, công chức của cấp xã cũng như cán bộ không chuyên trách các xã, thôn, tổ dân phố, căn cứ vào nguồn ngân sách của địa phương bố trí đủ số lượng người làm việc.
Trả lời đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn Vĩnh Phúc) về giải pháp cho sự bất hợp lý giữa đơn vị cấp xã có đông dân cư và ít dân cư, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận, việc bố trí cán bộ công chức theo đơn vị hành chính có một số vấn đề chưa phù hợp.
“Chúng ta đang xác định theo quy chuẩn chung, tức là đơn vị hành chính loại I là 23 người, loại II là 21 người và loại III là 19 người. Quy định đồng đều chung như vậy dẫn đến tình trạng nơi đông thì vẫn chừng ấy. Việc này có những bất hợp lý”, Bộ trưởng nói.
Trong hoạt động sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tính thêm yếu tố quy mô dân số để đảm bảo địa phương, phường, xã có đông dân cư. Trách nhiệm này sau đó được giao lại cho địa phương để phân bổ phù hợp nhưng không được quá định mức của Chính phủ.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) nêu thực tế, thực hiện chính quyền đô thị tại 3 thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, công chức phường thuộc biên chế của UBND quận được xác định như công chức từ cấp quận trở lên.
Tuy nhiên, cán bộ chuyên trách khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội thì vẫn thực hiện theo Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Điều này không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tác động đến tâm tư của đội ngũ cán bộ chuyên trách ở phường.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tới đây, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo sơ kết 3 năm việc thực hiện chính quyền đô thị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến để sửa đổi số biên chế thuộc khối phường, lãnh đạo cấp ủy để trở thành biên chế cấp quận, bảo đảm công bằng hợp lý cho đội ngũ cấp phường.