Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đại diện lãnh đạo và chuyên viên Sở Nội vụ của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu khai mạc Hội thảoPhát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh, cải cách hành chính nhà nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước tập trung chỉ đạo triển khai. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính nhà nước chính là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của kinh tế - xã hội. Bộ Chỉ số cải cách hành chính là công cụ giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá một cách định lượng, chính xác và khách quan về tình hình triển khai và kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương. Hệ thống các tiêu chí, các tiêu chí thành phần của bộ Chỉ số cải cách hành chính được thiết kế theo các lĩnh vực đã khắc phục được tính chủ quan, một chiều trong việc theo dõi, đánh giá cải cách hành chính. Việc xác định Chỉ số cải cách hành chính đã tăng cường được sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với quá trình triển khai cải cách hành chính của các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, sau 4 năm triển khai, bộ Chỉ số cải cách hành chính đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cả về nội dung các lĩnh vực, tiêu chí và phương pháp tổ chức triển khai thực hiện. Một số chỉ tiêu, tiêu chí, nhiệm vụ còn chưa phù hợp với thực tiễn công tác tại các bộ, ngành và địa phương. Vì vậy, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tiễn để bộ Chỉ số cải cách hành chính thực sự trở thành một công cụ đo lường khoa học, chính xác, khách quan và công bằng về tình hình cải cách hành chính tại các bộ, ngành và địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, rà soát, gắn các nội dung của Đề án với điều kiện, tình hình thực tiễn triển khai ở bộ, ngành và địa phương mình, tích cực tham gia ý kiến một cách thẳng thắn, cởi mở, tập trung vào các vấn đề: Cấu trúc của bộ Chỉ số Cải cách hành chính; Số lượng, tên gọi của các lĩnh vực, các tiêu chí, tiêu chí thành phần, thang điểm đánh giá, phương thức đánh giá của bộ Chỉ số cải cách hành chính; Hệ thống câu hỏi, phương thức tổ chức điều tra xã hội học để xác định Chỉ số cải cách hành chính.
Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ trình bày dự thảo Đề án tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã trình bày dự thảo Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; Báo cáo, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Dự thảo Bộ câu hỏi điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính.
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tích cực phát biểu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Đề án. Đa số các đại biểu đều đồng tình với các nội dung của dự thảo Đề án. Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu tập trung nêu những thực trạng, thực tế, bất cập, hạn chế còn gặp phải trong việc triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính tại bộ, ngành và địa phương mình, những băn khoăn, vướng mắc với những điểm mới, sửa đổi, bổ sung theo đề xuất của Bộ Nội vụ tại dự thảo Đề án, dự thảo Bộ câu hỏi điều tra xã hội học xác định Chỉ số cải cách hành chính.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội thảo, đồng thời khẳng định Bộ Nội vụ nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án, sớm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để đưa Đề án vào triển khai thực hiện từ đầu quý I năm 2017. Đối với các ý kiến của đại biểu còn băn khoăn, vướng mắc với những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Đề án, Bộ câu hỏi điều tra xã hội học, Bộ sẽ có văn bản giải trình, hướng dẫn cụ thể để các bộ, ngành, địa phương không gặp khó khăn, bỡ ngỡ trong quá trình triển khai thực hiện.
Toàn cảnh Hội thảo