Một số nội dung mới trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)

30/08/2019 11:13
  • Print
  • Lượt xem: 13606

Ngày 05/8, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2019, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã báo cáo tóm tắt Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Trong đó, dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung mới nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.

Theo đó, sau hơn 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên 2005, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục như: một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác; tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, chưa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; nhiều quy định trong Luật về thanh niên chưa rõ nét, còn chung chung, chưa phát huy trách nhiệm của thanh niên trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật cho chính thanh niên... Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 là rất cần thiết. 

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn. Ảnh MOHA/Xuân Thắng

Theo Bộ Nội vụ, việc sửa đổi Luật Thanh niên năm 2005 nhằm tiếp tục hoàn thiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, bảo đảm trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức thanh niên để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Nội vụ đã xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương;  đồng thời, gửi đăng tải dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Nội vụ để lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân và các đối tượng thanh niên. Tiếp đó, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo để trình Chính phủ. 

Phiên họp Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Bố cục dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm có 6 Chương và 58 Điều; tăng 22 Điều so với Luật năm 2005. Đáng chú ý, trong dự thảo Luật đã bổ sung một số nội dung mới:

Thứ nhất, bổ sung quy định bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; quy định về nguồn lực, kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách đối với thanh niên.

Thứ hai, bổ sung quy định về Tháng Thanh niên, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành nhằm chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, bổ sung quy định về đối thoại với thanh niên để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng. Theo đó, định kỳ người đứng đầu chính quyền các cấp có trách nhiệm trực tiếp đối thoại với thanh niên nhằm giải đáp và tháo gỡ các vấn đề có liên quan đến thanh niên.

Thứ tư, bổ sung quy định về hợp tác quốc tế về thanh niên theo hướng xác định rõ nội dung các hoạt động hợp tác quốc tế về thanh niên.

Thứ năm, bổ sung quy định các nội dung quản lý nhà nước về thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên.

Thứ sáu, hoàn thiện và bổ sung các quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Trên cơ sở kế thừa quy định quyền và nghĩa vụ của thanh niên tại Luật Thanh niên 2005 và xuất phát từ đặc trưng cơ bản của thanh niên là lực lượng trẻ tuổi, có tinh thần xung kích, tình nguyện, có khát vọng, hoài bão; có tinh thần học hỏi; có nhu cầu lao động, việc làm, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo và khát vọng lập thân, lập nghiệp; là giai đoạn phát triển mạnh nhất cả về thể chất và tâm thần; có nhu cầu hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; có mong muốn được thể hiện, được khẳng định, được ghi nhận; nhưng đồng thời, đây là độ tuổi cần được bồi đắp để tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, dự thảo Luật quy định 08 quyền và nghĩa vụ cơ bản có tác động nhiều đến phát triển thanh niên, đó là quyền và nghĩa vụ về học tập; lao động và khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn  hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; bảo vệ Tổ quốc; về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; về hôn nhân và gia đình; về tham gia quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội. 

Về kỹ thuật lập pháp, dự thảo Luật lần này cũng đã tách quyền và nghĩa vụ của thanh niên để làm rõ trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, quy định các chính sách của Nhà nước tương ứng với từng quyền, nghĩa vụ cụ thể của thanh niên. 

Thứ bảy, về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Gắn với các quyền, nghĩa vụ của thanh niên, dự thảo Luật đã quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với thanh niên tương ứng với các quyền, nghĩa vụ đặc trưng để thanh niên được học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức kỷ luật; được tiếp cận và cung cấp thông tin về học tập, lao động, việc làm; được tiếp cận, nghiên cứu khoa học, được sáng tạo, tự do lựa chọn nghề nghiệp; được tạo điều kiện về môi trường để khởi nghiệp sáng tạo; được tạo điều kiện để tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; được bồi dưỡng, giáo dục về truyền thống văn hóa, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ Tổ quốc; được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; được tư vấn, chăm sóc, nâng cao sức khỏe để phát triển cả thể chất và tinh thần. 

Thứ tám, chính sách của Nhà nước đối với một số nhóm thanh niên cụ thể. Dự thảo Luật quy định chính sách đối với một số nhóm thanh niên cụ thể như: thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi được hưởng các chính sách như đối với trẻ em; nhóm thanh niên dân tộc thiểu số; nhóm thanh niên yếu thế như thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo, … cần có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để tạo cơ hội bình đẳng cho các nhóm thanh niên này phát triển; nhóm thanh niên tích cực như thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng cần có chính sách của Nhà nước nhằm đào tạo, bồi dưỡng trở thành nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước và phát huy tính tích cực sáng tạo, xung phong tình nguyện trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các chính sách cụ thể này nhằm mục tiêu phát triển bền vững, thanh niên không ai bị bỏ lại phía sau. 

So với Luật Thanh niên năm 2005, dự thảo Luật đã thiết kế các chính sách của Nhà nước đi liền tương ứng với quyền và nghĩa vụ theo từng lĩnh vực, tạo sự tường minh, liên kết chặt chẽ, tránh lặp đi lặp lại nhiều lần trong dự thảo Luật. Đảm bảo sự phù hợp, hài hòa giữa quyền, nghĩa vụ và chính sách của Nhà nước với thanh niên. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chính sách bảo vệ thanh niên an toàn trên môi trường không gian mạng, chính sách đối với thanh niên tình nguyện, thanh niên làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất…   

Thanh Tuấn