Dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi): Cần có nhiều chính sách tốt cho thanh niên

30/08/2019 11:16
  • Print
  • Lượt xem: 9839

Ngày 28.8, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo luật Thanh niên (sửa đổi) với sự tham gia của nhiều bộ ngành T.Ư và các đại biểu từng làm công tác thanh niên.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn và anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, chủ trì hội nghị

Cần phát hiện và nuôi dưỡng tài năng

Mong muốn của chúng tôi làm sao có thêm được nhiều chính sách tốt cho thanh niên. Chính sách tốt có thể có ở những nội dung của luật khác, nhưng luật Thanh niên được xem là quy định cho lực lượng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước; thế hệ quyết định cho VN phát triển với tầm vóc như thế nào. Do đó càng thêm những chính sách mới, những quy định cụ thể tốt hơn những cái đang có thì càng tốt


Tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Ban Chấp hành Tổng liên đoàn Lao động VN, cho rằng luật phải hình thành được khung pháp lý để thanh niên cống hiến, trưởng thành; luật phải tập hợp được chính sách đảm bảo cho thanh niên - lực lượng lớn trong xã hội.

Quan tâm tới chính sách đối với thanh niên tài năng, ông Ngọ Duy Hiểu cũng chia sẻ luật Thanh niên cần có chính sách thỏa đáng để thu hút thanh niên tài năng. “Thủ khoa đầu vào được cấp học bổng, hỗ trợ, nhưng có những người đã không phát huy được trong quá trình học tập. Cần có chính sách phát hiện, nuôi dưỡng tài năng, giải pháp cần đột phá chứ không đơn giản cấp học bổng”, anh Hiểu nói.

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cũng cho rằng cần có chính sách để trọng dụng người giỏi. Ông Chức nói: “Chúng ta không nên cử cán bộ người địa phương về làm ở địa phương vì phức tạp lắm; phải có chính sách đưa cán bộ giỏi ở nơi khác về, phải rất rõ ràng ghi trong luật chứ tự nguyện thì rất khó. Thời “Ba sẵn sàng” qua rồi vì thời đó khác, giờ muốn yêu người khác, trước tiên phải yêu mình. Nếu đưa thanh niên lên miền núi làm 10 năm bằng 20 năm thì mới có thể chấp nhận được”.

Ông Chức cũng cho rằng nếu có chính sách thanh niên chấp nhận làm ở vùng đồng bào dân tộc, thì không phải biết tiếng Anh mà phải biết tiếng đồng bào dân tộc, nắm được ngôn ngữ văn hóa của họ, với những nhân tài, cần có chính sách rõ ràng mới phát huy được khả năng của họ.

Đừng ngại đưa vào luật những vấn đề cụ thể

Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN, cho rằng dự thảo luật cần tập trung những chính sách cho thanh niên để VN phát triển. Ông Kim nói: “Chính sách không phải là "cho" thanh niên. Chính sách là "khơi dậy" thanh niên. Luật cần đưa ra được chính sách có tính chất lan tỏa, gây ảnh hưởng cho xã hội”.

Ông Kim cho rằng luật cần tập trung hơn vào 3 nhân tố chính trong quyền và nghĩa vụ của thanh niên, gồm có: học tập và rèn luyện; bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội; xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời cần quy định các nhóm chính sách thay vì nhóm đối tượng vì nếu để nhóm đối tượng sẽ không bao quát hết được. Ví dụ nhóm học tập và rèn luyện thì có chính sách học bổng, tuyển dụng, tài năng, khen thưởng... Nhóm thanh niên làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc thì có chính sách khen thưởng hay được công nhận là thanh niên tình nguyện, thanh niên xung phong...

Theo ông Kim thì luật không nên đưa ra chính sách xóa đói giảm nghèo, “cứu khổ cứu nạn” cho thanh niên mà cần đưa ra chính sách để thúc đẩy bộ phận thanh niên tinh hoa lên phía trước.

Đặc biệt, ông Kim cho biết dự thảo luật hiện nay không có điều nào thể hiện cơ chế đảm bảo thực hiện chính sách, do đó cần bổ sung chế tài. Ông Kim đề nghị cần có chương mới Quản lý nhà nước về thanh niên để đưa ra chủ trương chính sách, cơ chế thực hiện. “Vai trò của Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN rất quan trọng, cần phải “trả lại” vị trí ban đầu của ủy ban này và có vai trò cụ thể để phát huy thế mạnh, chứ không phải chỉ là cơ quan tư vấn”, ông Kim đề xuất.

Ông Vũ Mão, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, cũng cho rằng trong luật Thanh niên sửa đổi không nên ghi chung về quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, ngành mà nên ghi thật rõ ràng và cụ thể nhiệm vụ của các bộ, ngành tham gia trong luật Thanh niên sửa đổi, trong đó cần quy định rõ có bao nhiêu quyền hạn và trách nhiệm của riêng Ủy ban Quốc gia về thanh niên VN để các bộ ngành hiểu vai trò cũng như phối hợp với ủy ban này trong việc kiểm tra, thực thi luật Thanh niên.

Phát biểu tổng kết hội nghị, anh Lê Quốc Phong cho biết sẽ tổng hợp ý kiến hay để trình ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu. “Quan điểm và mong muốn của chúng tôi là làm sao có thêm được nhiều chính sách tốt cho thanh niên. Chính sách tốt có thể có ở những nội dung của luật khác, nhưng luật Thanh niên được xem là quy định cho lực lượng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của đất nước; thế hệ quyết định cho VN phát triển với tầm vóc như thế nào. Do đó càng thêm những chính sách mới, những quy định cụ thể tốt hơn những cái đang có thì càng tốt”, anh Lê Quốc Phong bày tỏ.

Anh Phong cũng cho rằng việc soạn thảo luật đừng ngại đưa vào những vấn đề cụ thể, nếu nó tốt hơn, mới hơn. Cơ quan soạn thảo luật cần lắng nghe tiếp thu đưa vào, đừng ngại chuyện cụ thể miễn là nó đừng trùng lắp với các luật khác với mục đích là thúc đẩy cho thanh niên phát triển.

Theo https://thanhnien.vn/