TS. Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, phát biểu khai mạc Hội thảo
Dự Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành Trung ương có liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị các Bộ, ngành Trung ương: Tư pháp, Nội vụ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; lãnh đạo tổ chức Đoàn Thanh niên của các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành; đại diện Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Luật Thanh niên được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2005 tại Kỳ họp lần thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006. Qua tổng kết thực tiễn thi hành, có thể khẳng định việc ban hành Luật Thanh niên là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Tuy nhiên, sau 14 năm thực hiện, Luật Thanh niên đã bộc lộ những điểm chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống, tính logic giữa các phần và chế định của luật. Một số quy định của Luật còn hạn chế, vướng mắc, chồng chéo, thiếu thống nhất; trách nhiệm của các chủ thể còn chung chung, không rõ ràng; cơ chế đảm bảo thi hành mờ nhạt, khó khả thi.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao, căn cứ vào 7 chính sách lớn đã được Chính phủ đồng ý, Bộ Nội vụ đã thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương. Quá trình xây dựng, Bộ Nội vụ đã tổ chức rà soát 26 Luật và Pháp lệnh có liên quan đến công tác thanh niên để xây dựng các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên, phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đề nghị các đại biểu dự Hội thảo tập trung vào 5 nội dung cần thảo luận, cụ thể:
Một là, độ tuổi thanh niên quy định như vậy đã phù hợp chưa, có cần điều chỉnh không? nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên; bảo đảm thực hiện chính sách thanh niên, giải thích từ ngữ đã phù hợp chưa?, nội dung đối thoại thanh niên cần bổ sung quy định gì để bảo đảm đối thoại và giải quyết các vấn đề của thanh niên.
Hai là, thảo luận xem đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật đã đầy đủ chưa, phù hợp chưa? Trách nhiệm của “gia đình, nhà trường, xã hội” như thế nào thì phù hợp với đối tượng thanh niên? Đối tượng áp dụng quy định như dự thảo bao gồm các cơ quan, tổ chức như thế đã hợp lý chưa?
Ba là, Các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên. Ngoài quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp thì thanh niên còn có các quyền và nghĩa vụ gì? gắn với đặc điểm của thanh niên.
Bốn là, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên quy định như thế đã phù hợp chưa? có tương xứng với quyền và nghĩa vụ của thanh niên không? các chính sách có cần cụ thể nữa không?
Năm là, Luật về thanh niên có cần phải quy định trách nhiệm của các tổ chức khác của thanh niên không, có cần đưa cụ thể tên của các tổ chức như Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam hay chỉ nên quy định trong Luật một tổ chức thanh niên hiện nay là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh?
TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Theo TS. Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, cần phải xác định rõ vai trò của thanh niên trong giai đoạn hiện nay, làm cho họ hứng khởi hơn, nhiệt huyết hơn, tạo điều kiện cho họ tham gia các hoạt động xã hội, kinh tế, hướng thanh niên vì sự phát triển chung của đất nước, tạo môi trường cho họ phát triển; Cần có chính sách lựa chọn nhân tài và bố trí việc làm phù hợp cho thanh niên. Liên quan đến Luật này, đồng chí nhấn mạnh, nên cân nhắc về việc tăng tuổi của thanh niên hiện nay lên 35 tuổi để tương ứng với các mối quan hệ xã hội và điều kiện sống đang ngày càng phát triển. Về phạm vi và đối tượng của Luật cần xác định rõ công dân Việt Nam cụ thể như thế nào? Thanh niên có cần là đoàn viên hay không? Theo quan điểm của TS. Phạm Tuấn Khải, quyền và nghĩa vụ phải đi đôi với nhau, không thể tách rời và nên bổ sung một số quyền cho thanh niên như: quyền được bày tỏ ý kiến trước những vấn đề lớn của đất nước và xã hội, quyền sáng tạo cho thanh niên. Liên quan đến vấn đề về chính sách, đề nghị làm rõ hơn về vị trí, vai trò, các nguồn lực đối với các đối tượng thanh niên khác nhau, đặc biệt dự thảo Luật chưa đề cập đến đối tượng thanh niên nghèo, thanh niên chưa phát triển vì lý do chưa có môi trường,… Về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, Quốc hội,… là đương nhiên, không nhất thiết phải đưa vào dự thảo Luật. Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm một số Bộ có liên quan trực tiếp đến các quy định pháp luật về thanh niên và trách nhiệm cụ thể của Bộ Nội vụ.
PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia phát biểu tại Hội thảo
PGS. TS. Nguyễn Quốc Sửu, Trưởng khoa Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, phải đặt Luật thanh niên vào thời đại ngày hôm nay, phù hợp với đời sống xã hội đang phát triển, dự thảo Luật cần xác định rõ vị trí và vai trò của Thanh niên trong xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, có bộ phận thanh niên có tư tưởng “khô nhạt về Đảng, Đoàn”, Ban soạn thảo Luật nên tổ chức khảo sát để làm rõ nguyên nhân tại sao thanh niên hiện nay không muốn làm việc và cống hiến cho cơ quan nhà nước, đi học nước ngoài không về, làm thế nào để thu hút được nhân tài cống hiến sức trẻ và chất xám cho quốc gia. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chưa chỉ ra được những chính sách cụ thể cho thanh niên. Các vấn đề về thuật ngữ của dự thảo cũng cần tiếp tục có nghiên cứu, sửa đổi bổ sung.
TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước - Bộ Nội vụ phát biểu tại Hội thảo
TS. Tạ Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, độ tuổi của thanh niên như hiện nay là từ đủ 16 đến 30 tuổi là phù hợp, không nên quy định tăng lên. Đồng thời, nên nhấn mạnh đến vấn đề tổ chức đối thoại với thanh niên; quy định chính sách để tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho thanh niên có triển vọng, tài năng. Làm rõ hơn phạm vi và đối tượng điều chỉnh, chính sách của nhà nước đối với thanh niên trong đó có trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với thanh niên. TS. Tạ Ngọc Hải cho rằng, việc tập trung điều chỉnh cho đối tượng đặc thù là thanh niên sẽ khiến việc xây dựng Luật gặp nhiều khó khăn.
Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ Hoàng Quốc Long phát biểu tại Hội thảo
Thay mặt cho Ban soạn thảo xây dựng Luật thanh niên (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long cho rằng, nên có một chương về điều khoản áp dụng như: về đối tượng căn cứ theo nguồn lực của đất nước, như các đối tượng thanh niên Việt Nam ở nước ngoài hoặc thanh niên người nước ngoài ở Việt Nam…, về độ tuổi cũng nên có một điều khoản để áp dụng lứa tuổi thu hút tài năng, về vấn đề tổ chức nên đưa thêm điều khoản áp dụng các tổ chức trong tương lai thuộc thanh niên…
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất độ tuổi của thanh niên theo quy định trong Luật Thanh niên năm 2005 và dự thảo Luật sửa đổi hiện nay là không nên thay đổi, tức là từ đủ 16 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, một số trách nhiệm quy định trong Luật hiện nay đang vượt quá năng lực của độ tuổi này. Mục tiêu của Luật sửa đổi phải đảm bảo quyền lợi và việc thực hiện trách nhiệm của thanh niên để đóng góp cho sự phát triển đất nước. Các đại biểu cũng đồng thời kiến nghị nên quy định cụ thể nhiệm vụ cơ quan chuyên môn của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp trong chủ trì, tham mưu và phối hợp công tác quản lý nhà nước về thanh niên; quy định nhiệm vụ, vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội mà nòng cốt là tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trong công tác phát triển và quản lý thanh niên...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ghi nhận những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự; đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến tại Hội thảo, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) một cách tốt nhất. Ngoài ra, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn mong các đại biểu sẽ tiếp tục gửi ý kiến bằng văn bản để Bộ Nội vụ nghiên cứu, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
Thu Hiền, Văn phòng Bộ Nội vụ