Bến Tre: Phát triển các hợp tác xã, tái cơ cấu ngành nông nghiệp

31/10/2018 08:37
  • Print
  • Lượt xem: 1683

Kinh tế hợp tác được xem là yêu cầu sống còn của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay để khắc phục hạn chế nhỏ lẻ, manh mún không đủ sức cạnh tranh vốn tồn tại hàng chục năm qua. Liên kết hợp tác để tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn giúp giảm chi phí và sản xuất theo nhu cầu của thị trường từ đó tăng giá trị sản xuất. Đây chính là nền tảng để Bến Tre thực hiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực và xa hơn là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, phát triển các hình thức liên kết sản xuất và phát triển kinh tế hợp tác trong giai đoạn hiện nay rất cần có sự thay đổi suy nghĩ của các địa phương, của người nông dân bởi hiện nay có rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác đặc biệt là nhiều chính sách riêng có của Bến Tre. Nếu không vận dụng được người nông dân đang bỏ qua vận hội của chính mình.

Bến Tre thí điểm hợp tác xã nông sản an toàn. Ảnh:sggp.org.vn

Là địa phương có lịch sử hình thành và phát triển kinh tế gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp, Bến Tre hiện có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp, chăn nuôi kết hợp trồng trọt, nuôi trồng thủy sản là các hoạt động sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh. Các đối tượng cây trồng vật nuôi đặc trưng và chủ lực là dừa, lúa, cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng, heo, bò, gà, tôm biển, cá tra. Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, nông nghiệp ở Bến Tre mang đặc điểm sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ về diện tích và tập quán canh tác. Vì vậy, dù cần cù chăm chỉ nhưng người nông dân thiếu am hiểu về thị trường, chỉ sản xuất cái mình có, chưa sản xuất những cái thị trường cần, nếu có thì cũng theo phong trào nên chưa mang tính bền vững. Do đó, người nông dân không làm chủ được giá cả và thường xuyên chịu cảnh ế hàng, nông sản rớt giá, đời sống hết sức bấp bênh, chưa kể Bến Tre cũng là tỉnh chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi ngày càng nhiều.

Mặt khác nông sản Bến Tre nói riêng Việt Nam nói chung ngày càng hội nhập sâu rộng trên thị trường thế giới với sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các nước có cùng sản phẩm. Vì vậy cần có một tổ chức kinh tế để định hướng cho người nông dân trong việc phát triển sản xuất. Theo Luật Hợp tác xã 2012, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân do các thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Nhiều năm qua, Bến Tre đã chuyển đổi các hợp tác xã hoạt động theo luật Hợp tác xã năm 2012. Đến nay toàn tỉnh có 103 Hợp tác xã trong đó có 60 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thành lập thêm 10 hợp tác xã với nhiệm vụ cung cấp vật tư nông nghiệp, chế biến và tiêu thụ, tiếp thị sản phẩm nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp có vai trò thiết yếu trong việc liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đặc biệt tạo ra sức cạnh tranh của hàng hóa và chuỗi giá trị nông sản, việc cung ứng vật tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa quyết định giúp thành viên hợp tác xã yên tâm sản xuất, đồng thời tạo ra vòng tròn khép kín những người sản xuất, hợp tác xã, thị trường. Tuy nhiên nhìn chung các hoạt động này vẫn còn rời rạc, cầm chừng nên không có sức cạnh tranh cao. Để các hợp tác xã phát triển trong giai đoạn hiện nay, nhất thiết hợp tác xã phải hoạt động đúng với bản chất, mô hình hợp tác xã.

Theo ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, hiện nay nếu muốn xây dựng một mô hình hợp tác xã đúng với bản chất thì gồm những yếu tố sau: hợp tác xã đa mục tiêu tức là làm ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, phi nông nghiệp, nhiều dạng dịch vụ chứ không nên làm hợp tác xã chuyên bưởi hoặc chuyên cam; thành viên của hợp tác xã phải đa dạng và mở rộng; phương án kinh doanh đa dịch vụ; hợp tác xã kinh doanh dịch vụ mang lại tối đa hóa lợi ích cho thành viên, đảm bảo có lợi nhuận nhưng chỉ ở mức độ vừa phải để chuyển lợi nhuận thành lợi ích mang lại cho thành viên, bốn yếu tố này tạo ra hợp tác xã đúng với bản chất của nó.

Hiện nay, tỉnh Bến Tre xác định phát triển nông nghiệp là trụ cột trong phát triển kinh tế xã hội, quan tâm định hướng phát triển nông nghiệp chuyên sâu, gắn với xây dựng NTM hiện đại, là nhiệm vụ quan trọng phải tập trung thực hiện quyết liệt. Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo địa phương thực hiện công tác quản lý, điều hành ngành nông nghiệp phát triển theo hướng chuyên canh tập trung quy mô lớn gắn với hình thành và phát triển các mô hình kinh tế hợp tác nhất là xây dựng hợp tác xã từng bước hoàn thành các chuỗi liên kết, tạo điều kiện tiêu thụ tốt nhất các sản phẩm nông sản của địa phương trong đó ưu tiên các sản phẩm chủ đạo của tỉnh như dừa, bưởi da xanh, tôm biển, heo, bò. Song song với đó HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trong giai đoạn mới.

Ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết, tỉnh ủy có chủ trương sẽ lãnh đạo các tổ chức hội nông dân, ngành nông nghiệp, liên minh hợp tác xã, phát huy cho được việc xây dựng các nòng cốt đó là các nông dân sản xuất giỏi để tổ chức các liên kết, các mô hình liên kết sản xuất, từ các mô hình liên kết sản xuất nhỏ tiến dần lên hợp tác xã. Tỉnh cũng chủ trương thành lập quỹ hỗ trợ hợp tác xã, tổ chức để người nông dân tham gia các hoạt động như tham quan mô hình, xây dựng mô hình và trở thành các thành viên tích cực của hợp tác xã, chủ trương đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản trị hợp tác xã đặc biệt là những người đứng đầu như Chủ tịch HĐQT, Giám đốc hợp tác xã, tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp đầu vào, doanh nghiệp đầu ra với hợp tác xã như là những tác nhân để xây dựng những chuỗi và chuyển đổi mô hình hợp tác xã kiểu cũ sang mô hình hợp tác xã kiểu mới, xây dựng hợp tác xã kiểu mới đúng với tinh thần của hợp tác xã năm 2012. Đặc biệt tham gia vào chủ trương của chính phủ xây dựng các hợp tác xã hiệu quả trong 15.000 hợp tác xã mà chỉ thị của Chính phủ mới ban hành.

Ngoài ra còn có rất nhiều chính sách của Trung ương mà Bến Tre có thể vận dụng để phát triển kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp như Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án thí điểm, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 và mới đây là Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đến năm 2020. Muốn vậy các hợp tác xã phải có phương án hoạt động rõ ràng để tiếp cận nguồn vốn từ các chính sách ưu đãi.

Như vậy, có thể thấy nông nghiệp Bến Tre đang bước vào giai đoạn phát triển mới với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị và xây dựng NTM. Do vậy các hợp tác xã hoạt động hiệu quả sẽ giúp ngành nông nghiệp nông thôn Bến Tre sẽ có bước bứt phá phát triển bền vững, hài hòa được lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế. Có thể khẳng định phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế nói chung, hợp tác xã nói riêng không phải là phong trào chính trị mà là xu hướng tất yếu, phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ cùng với hành lang pháp lý rõ ràng cũng như định hướng mô hình phát triển cụ thể sẽ là điều kiện giúp các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có những bước chuyển mạnh mẽ để hoạt động hiệu quả trong thời gian tới. Đặc biệt, tỉnh cũng xác định không thành lập hợp tác xã chỉ để hoàn thành tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM.

Trọng Khải/tcnn.vn