Bộ Quốc phòng: Vai trò của Quân đội chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới

28/12/2020 13:47
  • Print
  • Lượt xem: 12874

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Quốc phòng; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đến các Quân khu, Quân đoàn, Quân binh chủng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội ... đến các đơn vị cơ sở.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi giúp nhân dân trên địa bàn làm đường giao thông liên thôn. Nguồn: danvan.vn

Theo đó, lực lượng Quân đội đã có những đóng góp quan trọng trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; đặc biệt là đối với địa bàn khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ; đây là những địa bàn có địa hình phức tạp (núi cao, vực thẳm), khí hậu khắc nghiệt (lũ quét, mưa đá, sương muối, tuyết phủ, gió Lào...), cơ sở hạ tầng thấp kém, đất đai cằn cỗi, điều kiện canh tác lạc hậu, nền kinh tế mang tính tự cung tự cấp, dân cư phân tán, đời sống của người dân hết sức khó khăn, tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đây cũng là những địa bàn chiến lược trọng yếu, có ý nghĩa về quân sự, quốc phòng.

Xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng

Xây dựng hệ thống chính trị, giáo dục quốc phòng và an ninh, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, đối ngoại nhân dân: Hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, cấp huyện đến cấp cơ sở được xây dựng thành một khối thống nhất, vững mạnh (đặc biệt là vững mạnh về chính trị); trong đó, tập trung xây dựng tổ chức Đảng có đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, có sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, tạo sức mạnh về chính trị, tinh thần. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh được thành lập từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở, hoạt động có hiệu quả và được tiến hành sâu rộng, đạt chất lượng; đến nay, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đã đi vào nề nếp, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm cho toàn dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Công tác dân quân tự vệ: Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đủ số lượng, tốt về chất lượng ; công tác giáo dục, huấn luyện quân sự cho dân quân tự vệ được đổi mới toàn diện, có hệ thống; phối hợp tốt với các lực lượng (Công an, Kiểm lâm, địa phương) bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, phòng chống thiên tai (lũ lụt, cháy rừng...) và tìm kiếm cứu nạn, vận động quần chúng tham gia xây dựng nông thôn mới; được cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan tổ chức và nhân dân đánh giá cao.

Công tác động viên, tuyển quân: Cơ quan quân sự các cấp làm tốt việc đăng ký, quản lý quân nhân dự bị theo quy định của pháp luật; đăng ký, quản lý nguồn dự bị động viên đi vào nề nếp, có hệ thống, việc giao nhận và đăng ký quân nhân xuất ngũ bảo đảm đầy đủ kịp thời, chính xác tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và cấp xã.

Công tác huấn luyện diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên thực hiện đúng quy định, tổ chức chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm số lượng, chất lượng. Quân số huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu hàng năm đạt bình quân 91 - 98% so với chỉ tiêu được giao.

Công tác tuyển chọn gọi công dân nhập ngũ: Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp được kiện toàn đầy đủ, phân bổ chỉ tiêu và xây dựng kế hoạch khám tuyển tại cơ sở, bảo đảm nghiêm túc chặt chẽ, tuyển đủ quân có sức khỏe, lý lịch rõ ràng.

Tham gia “Chung sức xây dựng nông thôn mới”

Tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện, đổi mới bộ mặt nông thôn: Các đơn vị tại địa bàn đóng quân đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia xây dựng, củng cố, cải tạo, nâng cấp hạ tầng nông thôn, như: xây dựng cầu dân sinh, đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nghĩa trang liệt sỹ, nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách; vận động nhân dân hiến đất làm đường, làm trường và các công trình phúc lợi; xóa nhà tạm, nhà dột nát, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, xóa cầu khỉ, cầu tạm thay thế bằng cầu gỗ, cầu bê tông, cầu thép; xây dựng, lắp đặt, tặng công trình nước sạch, hệ thống lọc nước công nghệ mới ...

Thực hiện Quyết định số 1391/QĐ-TTg ngày 09/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và phát triển các Khu kinh tế quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay, Bộ Quốc phòng đã xây dựng và phát triển được 28 Khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng đặc biệt khó khăn dọc tuyến biên giới đất liền, trên biển và hải đảo; thực hiện tốt các nhiệm vụ bố trí, ổn định lại dân cư theo quy hoạch sản xuất và mục tiêu lâu dài về quốc phòng an ninh; hình thành các cụm làng, xã biên giới; ổn định tình hình mọi mặt; giúp dân tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án. Xây dựng các Khu kinh tế quốc phòngtrở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh; là lực lượng nòng cốt trong xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh.

Trong giai đoạn 2010 - 2019, Bộ Quốc phòng đã huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo, với tổng kinh phí gần 150 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách nhà nước 109,491 tỷ đồng, số còn lại là huy động nguồn lực tại chỗ ở địa phương, chưa kể công sức của bộ đội).

Dự án được thực hiện trên địa bàn 34 huyện/17 tỉnh trong vùng dự án của 18 Khu kinh tế quốc phòng thuộc các Quân khu 1, 2, 3, 4, 5, 9; hàng trăm mô hình giảm nghèo được triển khai gắn với các lớp tập huấn, hội nghị  đầu bờ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hàng ngàn hộ dân được thụ hưởng dự án, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn lao động tại địa phương. Dự án đã khai thác tối ưu tiềm năng thế mạnh về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng; lựa chọn được các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp cho năng xuất cao; kinh tế hàng hóa được hình thành, đến nay, nhiều địa phương đã hình thành được vùng nguyên liệu, có sản phẩm đặc trưng; hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dự án giảm từ 4 - 5%; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt.

Giai đoạn 2010 - 2020, Bộ Quốc phòng đã tuyển chọn được 2.500 trí thức trẻ tình nguyện (có trình độ đại học: 886 đội viên; cao đẳng: 575 đội viên; trung cấp: 1.039 đội viên), được đào tạo các ngành nghề (nông nghiệp: 466 đội viên; xây dựng: 184 đội viên; công nghiệp: 239 đội viên; kinh tế - xã hội: 1.508 đội viên và ngành nghề khác: 103 đội viên) đưa đến công tác tại 23 Đoàn kinh tế quốc phòng , thực hiện các nhiệm vụ: Tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn các Khu kinh tế quốc phòng đứng chân; thông tin, tuyên truyền, giáo dục, văn hóa thể thao; hoạt động chính sách, xã hội tại địa phương; công tác đoàn và phong trào thiếu nhi; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh...

Việc kết hợp, lồng ghép các dự án trên cùng một địa bàn (Dự án xây dựng Khu kinh tế quốc phòng, Nhân rộng mô hình giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng và Dự án Tăng cường Trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các Khu kinh tế quốc phòng (do Cục Kinh tế/Bộ Quốc phòng, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện) là sự kết hợp hoàn hảo trong việc “giúp nhân dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo”, luôn là điểm sáng, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, tạo nên diện mạo nông thôn mới trên dọc tuyến biên giới, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc; giữ gìn an ninh chính trị và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra, hưởng ứng Phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, cán bộ (hàng năm góp 01 ngày lương), chiến sĩ trong toàn quân đã tự nguyện quyên góp, các doanh nghiệp, đơn vị trích một phần quỹ vốn để xây dựng các quỹ hỗ trợ người nghèo: Cấp cây, con giống, công cụ sản xuất, chế biến, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng các loại con, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình sản xuất có giá trị được thực hiện như “Du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững”, “Trồng ngô lai 2 vụ xen canh đậu, ao thả cá VACR”, “Ngân hàng Bò”, “Bò giống cho người nghèo biên giới”, “Chăn nuôi gia súc tập trung”... giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình; vận động đồng bào khai hoang, định canh, định cư, không phá rừng, đốt nương làm rẫy. Thực hiện đào tạo nghề, chuyển đổi phương thức sản xuất cho hàng chục ngàn lao động địa phương, con liệt sỹ, thương binh; đầu tư trang bị, hạ tầng công nghệ gắn với đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho cán bộ xã, người lao động tại địa phương.

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện công tác chính sách xã hội, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực tham gia các hoạt động nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt công tác chính sách xã hội. Vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới; đẩy mạnh phong trào “Đưa ánh sáng văn hóa đến với bản làng”, “Xóa mù chữ và phổ cập tiểu học”, “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Nâng bước em đến trường”... Vận động học sinh đến trường và trở lại trường học, tham gia phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, đỡ đầu học sinh nghèo, hỗ trợ lương thực thực phẩm, tặng quần áo, đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo.

Hỗ trợ lắp đặt điểm truy cập Internet, củng cố, xây tặng nhà văn hóa cộng đồng, bưu điện văn hóa xã tại các địa phương. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” gắn với xây dựng “Đơn vị có môi trường văn hóa tốt”, tuyên truyền giúp nhân dân bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, tà đạo “Hà mòn”, “Hội Đức thánh Chúa trời”, “Pháp luân công”, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh .

Với đội ngũ y, bác sỹ giàu kinh nghiệm tại các tuyến Bệnh viện, Viện, Trạm xá Quân dân y; lực lượng quân y quân đội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Chương trình “Quân - dân y kết hợp”; bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ cho đội ngũ y, bác sỹ địa phương, hỗ trợ trang thiết bị, tư vấn chăm sóc sức khỏe nhân dân; tổ chức tốt chương trình “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, “Trái tim cho em”; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng trăm ngàn lượt đối tượng chính sách và nhân dân trên các địa bàn, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn; hướng dẫn nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, xây dựng, quy hoạch các khu vực thu gom, xử lý rác thải ...

Tích cực tham gia phong trào giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường như “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, tổ chức các cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”,“Chung tay làm sạch môi trường biển”, hưởng ứng “Ngày Đại dương thế giới”, phong trào “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, tham gia xây dựng lưới điện “Đưa điện về đảo”, xây dựng hệ thống nước sạch, đập giữ nước ngọt...

Hỗ trợ, xây tặng các công trình nước sạch, khu vực thu gom, xử lý rác thải; hỗ trợ quy hoạch gắn với triển khai các mô hình sản xuất, chế biến sản phẩm và chợ nông thôn đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường; hỗ trợ cơ sở vật chất gắn với vận động nhân dân gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương; thực hiện tốt các phong trào hiến máu nhân đạo “Giọt máu hồng”, “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ các quỹ “Vì trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam”; trao tặng hàng trăm ngàn xuất quà, sổ tiết kiệm cho đối tượng chính sách trị giá hàng trăm tỷ đồng. Vận động nhân dân trả đất, hiến đất phục vụ xây dựng các công trình kinh tế - xã hội, công trình quân sự - quốc phòng .

Lực lượng Quân đội tại địa bàn đóng quân đã triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực...

Tham gia giải quyết chế độ, chính sách; tổ chức tốt các đợt hành quân, huấn luyện dã ngoại và làm công tác dân vận với mô hình “Mỗi cuộc diễn tập là công trình nông thôn mới”. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao kiến thức và vận động nhân dân thực hiện chính sách bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; đưa cán bộ tăng cường về cơ sở, giữ chức danh chủ chốt ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa; đưa đảng viên, trí thức trẻ tình nguyện về tham gia sinh hoạt tại các thôn, bản khó khăn, xóa thôn bản trắng đảng viên. Củng cố, phát huy hiệu quả mạng lưới thông tin đại chúng của các đơn vị và địa phương trong tuyên truyền vận động nhân dân, thực hiện bám địa bàn, bám cơ sở “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với nhân dân.

Các đơn vị Quân đội đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của địa phương, khảo sát, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ Quân đội tham gia với nội dung, chỉ tiêu, thời gian, biện pháp phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị .

Phối hợp với lực lượng Công an, Kiểm lâm và các lực lượng khác tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, xây dựng địa bàn an toàn; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; diễn tập xử lý các tình huống phức tạp về quốc phòng - an ninh. Giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong phòng chống cháy rừng, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.

Chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ quan hệ Việt Nam với các nước của các thế lực thù địch. Triển khai và thực hiện tốt mô hình “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm”; tăng cường kiểm soát, hỗ trợ nhân dân tham gia các hoạt động kinh tế, giao lưu trên các tuyến biên giới; đấu tranh triệt phá các tụ điểm về tệ nạn xã hội; xây dựng đơn vị, thôn, bản, địa bàn không có tội phạm, ngăn chặn truyền đạo trái phép, chăm lo xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc .

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2020), thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, với tinh thần “Ngành ngành thi đua, người người thi đua”, đã khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực của mỗi loại hình cơ quan, đơn vị trong toàn quân với nhiều cách làm hay, sáng tạo,hiệu quả; lực lượng Quân đội đã trực tiếp tham gia hoàn thiện trên cả 19 Tiêu chí xây dựng nông thôn mới và có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của cả nước, hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 được Đảng Quốc hội và Chính phủ giao, hoàn thành về đích sớm 18 tháng so với kế hoạch .

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; cạnh tranh giữa các nước lớn nhất là về thương mại và xu thế bảo hộ mậu dịch ngày càng quyết liệt. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nguồn lực dành cho thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với Quân đội, đang tích cực triển khai thực hiện các chiến lược quân sự, quốc phòng; quyết liệt thực hiện chủ trương điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp... sẽ tác động nhất định đến khả năng, mức độ huy động nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Phương hướng, tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai nghiêm túc có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch... của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo. Thực hiện tốt chức năng, vai trò của Quân đội trong tham mưu, triển khai thực hiện và tham gia xây dựng nông thôn mới; vận động các tổ chức và toàn thể cán bộ, chiến sĩ tự giác tham gia; tạo hiệu ứng tốt và có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu: (1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. (2) Xây dựng lực lượng dân quân rộng khắp, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, là “điểm tựa” quan trọng trong chiến lược phòng thủ; sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho. (3) Đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển các Khu kinh tế quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, biển đảo, góp phần tích cực xây dựng địa bàn nông thôn biên giới vững mạnh. Triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm nội dung nhiệm vụ Quân đội tham gia xây dựng nông thôn mới, bảo đảm giữ vững chỉ tiêu 19.1 và chỉ tiêu quốc phòng. (4) Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, kết quả thực hiện các phong trào, những cách làm hay, sáng tạo có hiệu quả và kịp thời biểu dương, khen thưởng các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. (5) Thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, tổ chức tham quan, học tập điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)