Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Thành tựu trong công tác giảm nghèo ở nông thôn giai đoạn 2010 - 2020; định hướng, giải pháp trong giai đoạn 2021 - 2025

28/12/2020 13:47
  • Print
  • Lượt xem: 10359

Tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 41.449 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 29.698 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 11.751 tỷ đồng), với trên 90% nguồn vốn tập trung hỗ trợ cho các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
 có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Nguồn: molisa.gov.vn

Giai đoạn 2011 - 2015, Ngân sách nhà nước đã bố trí khoảng 146.259 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên. Ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình: 33.842,207 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư là 25.833,2 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 8.009,007 tỷ đồng), đạt 115% so với tổng kinh phí ngân sách Trung ương phê duyệt; tổng mức ngân sách địa phương bố trí thực hiện Chương trình là 5.003,291 tỷ đồng, đạt 125 % kế hoạch (4.000 tỷ đồng); cùng với nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chương trình huy động các nguồn lực khác để thực hiện trên 9.126 tỷ đồng, đạt 130,37% kế hoạch (7.000 tỷ đồng).

Giai đoạn 2016 - 2020, tính đến tháng 6/2019, ngân sách nhà nước đã bố trí 64.111 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên và một số chính sách an sinh xã hội.

Tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 41.449 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 29.698 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 11.751 tỷ đồng), với trên 90% nguồn vốn tập trung hỗ trợ cho các địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 194.420 tỷ đồng, tăng 49.764 tỷ đồng (34,4%) so với đầu năm 2016 (tính đến ngày 31/12/2018).

Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia và vận động hưởng ứng phong trào “Cả nước Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác phát triển, của cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân, cụ thể:

Tính đến tháng 6/2019, đã huy động xã hội được khoảng 18.735 tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội và giảm nghèo. Thông qua các Chương trình truyền hình trực tiếp “Chung tay Vì người nghèo năm 2017” trên VTV1 đã tiếp nhận ủng hộ và cam kết ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội với số tiền gần 280 tỷ đồng; năm 2018 đã tiếp nhận ủng hộ và cam kết ủng hộ cho người nghèo qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương số tiền 77 tỷ đồng; cam kết ủng hộ người nghèo bằng chương trình an sinh xã hội như khám chữa bệnh, xây dựng cơ sở hạ tầng… số tiền trên 780 tỷ đồng; đồng thời, tổ chức vận động nhắn tin ủng hộ người nghèo qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1.400 với thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, đến hết năm 2018 đã huy động được gần 13,728 tỷ đồng.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận các tỉnh, thành phố, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019 đã vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân đã ủng hộ hơn 13.000 tỷ đồng.

Đạt được cam kết từ một số nhà tài trợ hỗ trợ nguồn vốn ODA để thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 với tổng mức vốn khoảng 3.820 tỷ đồng, trong đó từ Ngân hàng thế giới là 153 triệu USD, từ Chính phủ IRELAND là 16 triệu USD.

Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo đã giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống 50,97% cuối năm 2011 (giảm 7,36%), 43,89% cuối năm 2012 (giảm 7,08%), 38,2% cuối năm 2013 (giảm 5,69%), 32,59% cuối năm 2014 (5,61%) và còn 28% cuối năm 2015 (giảm 4,59%); bình quân giảm trên 6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ nghèo cả nước giảm từ 9,88 (2015) xuống còn 5,23% (2018), bình quân mỗi năm giảm 1,55% đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra; tỷ lệ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm, vượt mục tiêu (giảm 4%); các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai, thực hiện trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, luôn được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về định hướng giảm nghèo bền vững và ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các ngành, các cấp ở địa phương, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào các dân tộc; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nghiệp giảm nghèo nói chung và giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được quốc tế ghi nhận, là một điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, đã tạo ra sự thay đổi, diện mạo của vùng nông thôn. Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, thôn bản đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, đời sống của người dân được nâng cao, tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chất lượng giảm nghèo chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo tái nghèo, nghèo phát sinh còn cao do ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán; một số người nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng; một số chính sách giảm nghèo còn manh mún, dàn trải; nguồn lực chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, việc bố trí vốn chủ yếu tập trung vào cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân.

Một số xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên đời sống người dân trên địa bàn vẫn còn khó khăn, nhiều xã vẫn có tâm lý không muốn thoát nghèo, vẫn mong muốn được tiếp tục được hỗ trợ đầu tư từ Chương trình số 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và người dân trên địa bàn tiếp tục được hưởng một số chính sách khác như hỗ trợ bảo hiểm y tế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang theo Nghị định số 116/NĐ-CP...

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm tới, nhất là xây dựng chương trình cho giai đoạn 2021 - 2025, cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, về xác định đối tượng hộ nghèo thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội: Đánh giá sơ kết 3 năm chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, đề xuất điều chỉnh, sửa đổi bổ sung một số chiều chỉ số tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho phù hợp, như bổ sung chỉ số việc làm, bảo hiểm xã hội để phản ánh thu nhập và an ninh cuộc sống của người dân trước những rủi ro trong cuộc sống, đồng thời cũng là cơ sở để phân loại đối tượng hộ nghèo giai đoạn tới để có các giải pháp tác động phù hợp, làm cơ sở để thực hiện nguyên tắc hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện, có thời gian.

Thứ hai, về ban hành chính sách: Cần phải thực hiện triệt để nguyên tắc khi ban hành cơ chế chính sách theo hướng giảm hỗ trợ cho không, tăng chính sách cho vay có điều kiện, có hoàn trả, đồng thời cần tăng nguồn lực cho hệ thống chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Thứ ba, về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025: Cả nước hiện nay còn 56 huyện nghèo, 29 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, trên 2.000 xã 135, trên 20.000 thôn bản đặc biệt khó khăn, vì vậy vẫn cần phải tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản, thích ứng biến đối khí hậu, đến năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói cho tất cả mọi người ở mọi nơi theo mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ tư, tập trung ưu tiên các giải pháp

Về các giải pháp chung về giảm nghèo: Phát triển kinh tế xã - hội là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bao gồm tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện để người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; phải có chính sách phù hợp để người dân ở với rừng phải sống được bằng nguồn lợi từ rừng thông qua điều chỉnh tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo trên cơ sở tăng định mức, mở rộng đối tượng là giải pháp quan trọng, trực tiếp tác động đến hộ, người nghèo trong việc tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, theo hướng: (i) Nhà nước bảo đảm các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, bảo đảm trợ cấp cho người dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh, trợ giúp pháp lý. (ii) Hỗ trợ cho hộ/người nghèo, hộ/người cận nghèo, hộ/người mới thoát nghèo các chính sách giảm nghèo theo hướng có điều kiện, có thời gian, có hoàn trả về đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sinh kế, vay vốn tín dụng ưu đãi... Hỗ trợ hộ nghèo có thời gian, có điều kiện, tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, hộ không muốn thoát nghèo kiên quyết đưa ra khỏi hộ nghèo sau thời gian từ 2 - 3 năm; nghiên cứu chính sách hỗ trợ hộ mới thoát nghèo về giáo dục, y tế để khuyến khích thoát nghèo bền vững.

Về các giải pháp thuộc Chương trình: Tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số cả về chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh và thông tin và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đường giao thông, điện lưới để kết nối với các khu vực trung tâm, vùng động lực phát triển, nhằm tạo điều kiện phát triển toàn diện cho địa bàn miền núi, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống so với cả nước.

Ưu tiên đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho lao động thuộc hộ nghèo, lao động người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, tham gia xuất khẩu lao động, hỗ trợ điều kiện sinh kế tạo việc làm tại chỗ gắn với chuỗi giá trị.

Nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với vai trò “bà đỡ” cho người nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc; có chính sách khuyến khích doanh nhân hỗ trợ người nghèo thông qua các hoạt động tiếp nhận lao động nghèo, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ người nghèo tham gia chuỗi giá trị, phát huy các sản phẩm đặc trưng của địa phương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

+ Thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính gắn với kết quả đầu ra (Trung ương phân bổ vốn theo tiêu chí, giải ngân theo kết quả đầu ra, theo tiến độ đối ứng của ngân sách địa phương); đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương không giao chi tiết, cho phép địa phương chủ động xây dựng đề án bố trí vốn thực hiện trên địa bàn; tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình giảm nghèo.

Tiếp tục, thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến mọi cấp, mọi ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo (tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng). Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.

 

Anh Cao (Tài liệu của Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020)