Con đường liên xã Hàm Trí - Hồng Sơn được bê tông hóa
Trước đây con đường liên xã từ Hàm Trí sang Hồng Sơn vào mùa mưa thì lầy lội vào mùa nắng thì bụi bặm. Vì vậy, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương gặp khó khăn. Nông sản làm ra của bà con thường bị mất giá so với nhiều nơi khác. Trước tình hình này cuối năm 2016, chính quyền xã Hàm Trí đã phát động nhân dân thực hiện bê tông hóa con đường theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xác định tuyến đường được đầu tư xây dựng sẽ góp phần rất quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương. Khi được chính quyền vận động, nhiều gia đình tự nguyện hiến cả sào đất để làm đường vì tương lai lâu dài của cả gia đình và cộng đồng.
Xác định việc huy động sức dân là một yếu tố quan trọng để thực hiện tiêu chí giao thông trong quá trình xây dựng NTM, nhất là việc xây dựng tuyến đường liên xã Hàm Trí, Hồng Sơn. Xã Hàm Trí đã có nhiều cách làm linh hoạt sáng tạo để vận động nhân dân hiến đất làm đường, những người có uy tín kinh nghiệm trong cộng đồng được cử tới địa bàn dân cư, nắm bắt tình hình và vận động bà con đóng góp, làm đường giao thông nông thôn.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hàm Trí cho biết, UBND xã tham mưu cho Đảng ủy tổ chức họp dân, triển khai chủ trương của huyện, của tỉnh cùng với Trung tâm phát triển quỹ đất làm thủ tục kiểm đếm, đo đạc để thu hồi đất và đền bù phần cây trái hoa màu, riêng diện tích đất thì vận động bà con hiến. Qua thực hiện chủ trương đó, xã tổ chức họp dân nhiều lần, đặc biệt là nhờ sự phối hợp giúp đỡ của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc cùng với địa phương, các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Với sự đồng thuận ủng hộ cao của nhân dân vào tháng 9/2017, tuyến đường liên xã Hàm Trí, Hồng Sơn đã được đưa vào sử dụng, tuyến đường có chiều dài gần 4 km rộng 6m. Để triển khai thi công công trình này, 58 hộ dân sống ven đường hoặc có diện tích đất sản xuất tuyến đường đi qua đã tình nguyện hiến 3ha đất để làm đường.
Có đường khang trang sạch đẹp đã và đang tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân xã Hàm Trí thông thương, buôn bán, vận chuyển nông sản từ đó nâng cao đời sống kinh tế. Đây cũng là tiền đề giúp địa phương giữ và nâng chuẩn NTM. Được biết vào năm 2011, xã Hàm Trí tham gia Chương trình MTQG xây dựng NTM và hoàn thành chương trình năm 2014.
Trong cơn bão giá thanh long ở mức chạm đáy chỉ 500 đồng/kg thậm chí có hộ phải chặt bỏ và đổ bỏ cho bò ăn thì Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc vẫn tiêu thụ hàng hóa nông sản cho xã viên ổn định cả năm là 22.000 đồng/kg.
Không phải ngẫu nhiên mà Hợp tác xã thanh long Thuận Tiến lại có những đơn hàng xuất khẩu với giá ổn định cả năm như thế. Tất cả là do Hợp tác xã biết nắm bắt cơ hội cũng như tận dụng cơ hội từ dự án để nâng tầm thương hiệu chuyển từ canh tác VietGap sang GlobalGap.
Ông Trần Đình Trung, Giám đốc hợp tác xã thanh long Thuận Tiến cho biết, thị trường đòi hỏi sản phẩm phải sạch, sạch phải có tem nhãn để mọi người yêu cầu người mua tìm ra nguồn gốc, biết địa chỉ sản xuất từ đâu, có thương hiệu và sản phẩm thì người mua mới yên tâm.
Hợp tác xã Thuận Tiến thành lập tháng 10/2016 với hơn 24 thành viên, diện tích canh tác 34 ha thanh long sạch để cung cấp một số siêu thị lớn trong nước và thị trường xuất khẩu. Hiện tại, mỗi tháng hợp tác xã ủy thác xuất khẩu trên 20 tấn thanh long sang các thị trường như Mỹ, Hà Lan, Pháp, Đức tăng khoảng 20% sản lượng so với trước. Đồng thời, tiến hành đàm phán với một số đối tác để xuất khẩu sang Thụy Sĩ và Anh. Mục tiêu đơn vị đặt ra là lấy chất lượng làm uy tín hàng đầu, từng bước chinh phục những thị trường khó tính bằng nông sản sạch, có chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.
Năm 2018 là năm thứ hai Hợp tác xã Thuận Tiến được tái cấp giấy chứng nhận sản xuất thanh long GlobalGap. Đây là cơ hội để Hợp tác xã tiếp tục vươn ra biển lớn, khẳng định giá trị hàng hóa nông sản có chất lượng, từ đó kết nối nông dân vào các chuỗi liên kết tạo ra vùng chuyên canh thanh long quy mô lớn, chất lượng tốt để xuất khẩu.
Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn. Có được kết quả trên Bình Thuận đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức.
Trong 05 năm trở lại đây, Bình Thuận đã tổ chức đào tạo nghề cho 41.464 lao động nông thôn đạt 101% kế hoạch. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp là 17.512 lao động, phi nông nghiệp 23.952 lao động. Nhờ được học nghề nhiều nông dân đã tìm được việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một trong những cách làm mang lại hiệu quả trong công tác dạy nghề của Bình Thuận là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân nhất là ở các xã miền núi vùng sâu vùng xa. Trung tâm dạy nghề đã tổ chức được các lớp đào tạo ngắn ngày nhằm truyền đạt kĩ năng trồng và chăm sóc cao su, thanh long, đan lát, dệt thổ cẩm, may công nghiệp tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả. Từ đó ngày càng có thêm nhiều nông dân đăng kí tham gia học tập.
Ngoài ra, các trường trung cấp, cao đẳng nghề còn phối hợp với các trung tâm, trường đại học đào tạo các lớp chuyên ngành triển khai công nghệ hướng dẫn kĩ thuật. Nhờ vậy hơn 92% lao động sau học nghề đã có việc làm. Thời gian tới Sở Lao động thương binh xã hội Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các trung tâm dạy nghề tiếp tục nắm chắc nhu cầu thị trường lao động, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn toàn tỉnh.
Thanh Thủy/tcnn.vn