Nông dân tham quan đồng ruộng khảo nghiệm tại Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Long.Ảnh: Hoàng Vũ
Từ cánh đồng lớnTheo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, với tổng diện tích gieo trồng từ 160 nghìn đến 170 nghìn héc-ta, mỗi năm tỉnh cần khoảng 24 nghìn tấn lúa giống để có thể sản xuất ba vụ lúa. Để có nguồn lúa giống đạt chất lượng cao bảo đảm cho việc sản xuất lúa gạo phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu, năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) giao Trung tâm Giống nông nghiệp xây dựng và thực hiện dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống nhân giống và hỗ trợ sản xuất giống lúa nguyên chủng tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2015” để hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, câu lạc bộ… hình thành hệ thống nhân giống và cung ứng giống lúa chất lượng cao, đồng thời thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất lúa nguyên chủng cho người dân trong và ngoài dự án với quy mô 325 ha, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả canh tác lúa.
Các thành viên HTX lúa hữu cơ Mỹ Lộc đi thăm đồng thường xuyên để xử lý dịch bệnh.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết: Dự án đã triển khai trên cả sáu huyện: Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình, Mang Thít, Bình Tân và thị xã Bình Minh, đồng thời hình thành hệ thống nhân giống gồm một trại lúa giống và 46 cơ sở gồm HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, tổ nhân giống, hộ sản xuất tham gia, với diện tích gieo trồng là 100 ha sản xuất lúa nguyên chủng, có khả năng cung ứng được 1.140 tấn lúa nguyên chủng và 600 ha sản xuất lúa xác nhận cung ứng được 6.840 tấn lúa xác nhận (sản xuất hai vụ/năm).
Đến năm 2015, tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh đạt hơn 180 nghìn héc-ta, chiếm 79,4% tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm, tăng hơn 10 nghìn héc-ta so năm 2010. Tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất lúa tập trung ở các huyện Tam Bình, Vũng Liêm và Trà Ôn.
Cùng với việc chủ động nguồn lúa giống, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình canh tác thích hợp, đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng cũng được ngành nông nghiệp Vĩnh Long triển khai thực hiện một cách đồng bộ, góp phần tăng năng suất lúa từ 5,47 tấn/ha (năm 2010) lên 6,07 tấn/ha (năm 2015). Năm 2015, lần đầu sản lượng lúa của tỉnh đạt một triệu tấn; tổng giá trị ngành nông nghiệp đạt 20 nghìn tỷ đồng, thì trồng trọt chiếm 12 nghìn tỷ đồng; trong đó, hiệu quả từ những cánh đồng lớn tập trung khá rõ rệt. Được triển khai từ cuối năm 2011 đến nay, những cánh đồng mẫu của Vĩnh Long đã thật sự lớn, với tổng diện tích hơn 13.500 héc-ta, thu hút gần 13.000 hộ dân tham gia sản xuất, cho năng suất tăng, chi phí sản xuất giảm và lợi nhuận sản xuất vụ lúa đông xuân hằng năm hơn 260 tỷ đồng, cao hơn 100 tỷ đồng so với mô hình sản xuất thông thường trên cùng diện tích canh tác.
Đi đầu là xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, năm 2011, được sự đầu tư của Sở NN và PTNT tỉnh, xã đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn với 100 héc-ta. Đến năm 2014, mô hình cánh đồng lớn đã mở rộng ra toàn xã với tổng diện tích hơn 1.200 héc-ta, trở thành xã điểm của tỉnh trong xây dựng mô hình cánh đồng lớn, gắn với tổ chức sản xuất và liên kết cùng doanh nghiệp.
Đến sản xuất lúa sạch
Nhờ “ăn ra làm nên” từ mô hình cánh đồng lớn, cho nên năm 2016, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình thành lập HTX Nông nghiệp Tân Tiến và “nâng cấp” sản xuất theo quy trình lúa gạo sạch không sử dụng phân bón, thuốc vô cơ, với sự tham gia của “bốn nhà”. Trong đó, ông Phạm Chánh Trực, nguyên: Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - là “đầu tàu” trong việc vận động doanh nghiệp (Saigon Co.op) đứng ra bao tiêu sản phẩm, cùng nhiều nhà khoa học có tên tuổi trong nước, như GS, TS Võ Tòng Xuân; PGS, TS Nguyễn Văn Huỳnh; PGS, TS Phạm Văn Kim… tham gia “hiến kế” thực hiện.
Đi thăm những cánh đồng lúa hữu cơ ở xã Mỹ Lộc vào những ngày này, chúng tôi được nông dân Trần Văn Thành cho biết: Lúa sinh trưởng tốt thế này, chắc chắn mùa vụ năm nay năng suất sẽ cao hơn mùa trước. Vụ hè thu vừa rồi đạt 5,8 tấn/ha, còn vụ đông xuân này ăn chắc hơn 6 tấn/ha. Tuy sản xuất lúa hữu cơ năng suất không hơn lúa vô cơ, nhưng cũng đạt khá cao. Điều quan trọng là hạt gạo của chúng tôi bảo đảm được chất lượng an toàn thực phẩm, đầu ra không đủ cung ứng cho thị trường.
Còn nông dân Huỳnh Thanh Tuấn ở ấp 11, chia sẻ: “Trước kia tôi cũng tham gia sản xuất lúa hữu cơ vụ đầu nhưng không thành công, không đủ chi phí trang trải cuộc sống, nên cho người khác thuê. Đến nay, thấy bà con sản xuất năng suất cao và ổn định đầu ra cho nên tôi đã lấy lại đất để gia đình làm. Nhờ sản xuất theo quy trình chung của HTX đưa ra phối kết hợp với công ty cung ứng phân bón nên sản xuất hầu như khép kín và an toàn. Tôi cảm thấy yên tâm và sẽ kêu gọi bà con chung quanh tham gia cánh đồng lúa hữu cơ vừa tạo môi trường thân thiện, vừa bảo đảm chất lượng và an toàn sinh học không chỉ cho riêng mình mà cho cả người tiêu thụ”.
Trao đổi với chúng tôi Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Tiến Dương Văn Thành cho biết, từ 33 thành viên ban đầu, đến nay sau gần ba năm hoạt động HTX đã có 82 thành viên với diện tích canh tác làm lúa gạo sạch khoảng 45 ha. Năng suất những vụ đầu chỉ đạt 3,8 tấn/ha, đến vụ đông xuân vừa qua trung bình hơn 6 tấn/ha, thu nhập năm sau cao hơn năm trước (năm 2018, sản xuất hai vụ đạt 50,8 triệu đồng/năm/ha, tăng gần 10 triệu đồng so năm 2017). HTX cũng đã cung cấp cho thành viên 37 tấn lúa giống, 120 tấn phân hữu cơ các loại và cung cấp cho thị trường hơn 1.300 tấn lúa sạch. Đây là mô hình đầu tiên trong tỉnh làm lúa theo quy trình sản xuất sạch. Nông dân tham gia mô hình phải ghi chép sổ tay, hàng vụ đều tổ chức họp sơ kết, đánh giá. “Nông dân trước đây còn quen tập quán sản xuất sử dụng phân bón hóa học, và khi làm ra bán khó khăn. Nhưng từ khi tham gia mô hình những cái khó đã được khắc phục. Hiện nông dân dần quen sản xuất lúa hữu cơ, nhờ đó môi trường cải thiện, tôm cá về đồng đã nhiều hơn trước. Thấy được hiệu quả, mùa vụ này, có thêm nhiều nông dân xin vào HTX để cùng nhau sản xuất lúa hữu cơ an toàn”, ông Thành phấn khởi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Nguyễn Quốc Thái cho biết: Trên cơ sở Ðề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh và điều kiện thực tế địa phương, năm 2018, huyện Tam Bình đã xây dựng và triển khai Ðề án với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, xác định cây, con chủ lực để áp dụng vào sản xuất, phấn đấu mỗi xã, thị trấn xây dựng ít nhất một mô hình và huyện xây dựng hai mô hình có bao tiêu sản phẩm đạt hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có 19 mô hình sản xuất lúa hàng hóa, bao tiêu lúa giống, sản xuất rau màu, cây ăn trái và bao tiêu thịt gia cầm. Trong đó có 15 trong tổng số 19 mô hình ký kết hợp đồng bao tiêu, nhất là mô hình sản xuất lúa sạch của Hợp tác xã Tân Tiến.
Đồng chí Nguyễn Quốc Thái khẳng định, đây là mô hình sản xuất có hiệu quả về kinh tế - xã hội, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo mở rộng. Ngoài hiệu quả về kinh tế - xã hội, việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, các chất kích thích tăng trưởng, hóa chất bảo vệ thực vật đã tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người. Đồng thời đây cũng là vấn đề cấp thiết mang tính lâu dài để cải thiện chất lượng lúa gạo của Việt Nam nói chung và của địa phương nói riêng.
Nguồn: nhandan.com.vn