Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng huyện nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân quan tâm thực hiện tốt và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực ở vùng nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Hệ thống tổ chức chính trị xã hội ở cấp huyện, cấp xã trong tỉnh không ngừng được sắp xếp và kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động. Cụ thể, toàn tỉnh có 7/7 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; các huyện, thị xã, thành phố đều đã kiện toàn Văn phòng Điều phối nông thôn mới. Các xã đã củng cố Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới và Ban Phát triển ấp, các xã đều đã bố trí cán bộ phụ trách nông thôn mới cấp xã, nhưng đa số vẫn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 theo Quyết định số 31/QĐ-TTg ngày 09/01/2018. Đồng thời, thành phố Bạc Liêu đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019.
Bên cạnh đó, tuy tỉnh Bạc Liêu vẫn là tỉnh nghèo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, 70% người dân sống ở khu vực nông thôn, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, dân cư sống rải rác theo tuyến kênh rạch không tập trung, quy mô xã lớn, kết cấu địa chất là nền đất yếu, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình dân trí thấp, công nghiệp và dịch vụ chậm phát triển, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém (nhất là khu vực nông thôn), với những điều kiện hết sức khó khăn, năm 2011 khi mới triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh chỉ có 02 xã đạt 12 tiêu chí, 28 xã đạt từ 05 - 09 tiêu chí; 19 xã đạt dưới 05 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, trung bình đạt 5,72 tiêu chí/xã.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực hết mình để thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, tỉnh Bạc Liêu qua 10 năm thực hiện Chương trình đã đạt được những kết quả bước đầu đáng kể, bộ mặt một bộ phận khu vực nông thôn trong tỉnh đã cơ bản được cải thiện, đời sống Nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần đều có bước chuyển biến tốt, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, và chính quyền, có được thành công đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, một số thành tựu nổi bật đã đạt được là:
Xác định chủ trương xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn, hợp lòng dân, các cấp ủy, chính quyền, đã hết sức năng động, sáng tạo, vào cuộc quyết liệt, có nhiều sáng kiến, cách làm hay để tập hợp quần chúng, tạo nên sự đồng thuận cao từ nội bộ cán bộ, đảng viên đến rộng rãi các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, đã góp phần trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến cơ sở, triển khai thực hiện các bước xây dựng nông thôn mới theo đúng hướng dẫn, có trọng tâm, trọng điểm, chọn những tiêu chí dễ, tiêu chí ít vốn đầu tư để thực hiện trước, lấy hộ gia đình làm hạt nhân thực hiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức các cấp phát huy vai trò, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, ưu tiên phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân là tiền đề để Chương trình thành công.
Đối với người dân, sau khi được tuyên truyền, vận động đã thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, hưởng ứng phong trào một cách mạnh mẽ, bằng những hành động thiết thực như hiến đất, vật tư, tham gia ngày công lao động để xây dựng những công trình phúc lợi công cộng, hăng hái phát triển sản xuất, tự nguyện thực hiện những phần việc do hộ gia đình đảm trách; từ tinh thần tự nguyện, tự giác của người dân đã giúp cho việc thực hiện một số tiêu chí mang tính chất Nhân dân làm là chính, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, đã đạt được kết quả đáng khích lệ và đã có 21/49 xã được công nhận xã nông thôn mới, huyện Phước Long là huyện Nông thôn mới.
Cũng theo Báo cáo số 122/BC-SNV ngày 30/7/2019 của Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại chủ yếu và nguyên nhân trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
Công tác vận động, tuyên truyền chỉ mới dừng lại ở diện rộng, thiếu chiều sâu, có một số thành viên cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ và Nhân dân ở cơ sở chưa thực sự nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích và tầm quan trọng của Chương trình xây dựng nông thôn mới, xem Chương trình đơn thuần chỉ là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đến những mặt phát triển kinh tế, xã hội khác có liên quan, từ đó nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được vai trò người dân là nền tảng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tuy đã tạo được mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, nhưng mối quan hệ này từng lúc, từng nơi còn chưa chặt chẽ và thường xuyên, chưa duy trì được phong trào trên diện rộng, việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án chuyên ngành phục vụ xây dựng nông thôn mới còn lúng túng, dàn trải. Nguyên nhân chủ yếu là do Ban Chỉ đạo chương trình gồm nhiều thành viên từ nhiều ngành, nhiều cấp, rất đa dạng, chưa thực hiện tốt quy chế phối hợp đã đề ra, Trung ương chưa có hướng dẫn cơ chế thống nhất việc lồng ghép các chương trình, dự án khác để phục vụ cho xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, xây dựng nông thôn mới cần nhu cầu vốn rất lớn, nhưng thực tế tỉnh Bạc Liêu vẫn là tỉnh nghèo, quy mô xã lớn, dân cư thưa thớt, sông ngòi chằng chịt, nền địa chất yếu, doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn không nhiều, vốn ngân sách ít nên sự hỗ trợ của Nhà nước có giới hạn, dẫn đến một số tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư từ sự hỗ trợ của ngân sách đạt thấp như: Tiêu chí số 02 về giao thông, tiêu chí số 05 về cơ sở vật chất trường học, tiêu chí số 06 về cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 07 về chợ nông thôn, tiêu chí số 17 về môi trường…
Kinh phí hằng năm phân bổ cho Chương trình chưa đáp ứng yêu cầu, còn chậm, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình. Mặt khác, do tỉnh Bạc Liêu là tỉnh còn nhiều khó khăn nên các xã mặc dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng một số tiêu chí quan trọng còn đạt ở mức thấp.
Tuệ Mẫn