Kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định

05/12/2019 13:47
  • Print
  • Lượt xem: 1655

Tỉnh Nam Định xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước giúp nâng cao đời sống người dân, thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn, để người dân nông thôn có điều kiện cơ hội tiếp cận và phát triển gần hơn với người dân thành thị trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, văn hoá, y tế, giáo dục, đời sống người dân vùng nông thôn được nâng cao, an ninh, quốc phòng, trật tự xã hội được giữ vững.

Đồng thời, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Nghị quyết của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy chính quyền địa phương cơ sở xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cả hệ thống chính trị cơ sở đều vào cuộc, phấn đấu xây dựng quê hương địa phương mình hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; ngoài ra, được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân địa phương chung sức xây dựng nông thôn mới xác định nội dung xây dựng nông thôn mới là làm cho chính mình, gia đình mình và con cháu mình được hưởng lợi từ những thành quả đạt được.

Qua đó, cán bộ, nhân dân địa phương phấn khởi thi đua hoàn thành tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, như sau:

Bố trí đầy đủ số lượng cán bộ, công chức cấp xã, cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, xóm, tổ dân phố, bố trí đầy đủ hệ thống chính trị ở cơ sở. Chất lượng cán bộ, công chức ngày càng nâng cao đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Trung ương, của tỉnh, có những địa phương phấn đấu nâng cao chất lượng đầu vào cán bộ, công chức của địa phương mình không những đạt chuẩn mà còn vượt chuẩn đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân được tốt hơn. Nhìn chung cán bộ công chức cấp xã nhận thức được giá trị của nâng cao trình độ học vấn trong giải quyết công việc và đã trang bị đầy đủ kiến thức bằng cấp về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước và bằng chuyên môn nghiệp vụ.

Đảng bộ và chính quyền các địa phương phấn đấu xây dựng tổ chức đảng của mình đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”, “Chính quyền cơ sở vững mạnh”; có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị ở thôn, xóm, tổ dân phố; các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội được cấp trên công nhận đạt danh hiệu tiên tiến trở lên.

Cụ thể, Giai đoạn 2013 - 2015, có 112 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí số 18, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.

Giai đoạn 2016 - 2017, có thêm 64 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí số 18, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.

Giai đoạn 2018 - 2019, có thêm 33 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí số 18, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và tiếp cận pháp luật.

Như vậy, trong cả Giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh có 209 xã, thị trấn đạt chuẩn tiêu chí số 18, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và tiếp cận pháp luật.

Bên cạnh đó, vẫn còn có một số xã, thị trấn trình độ cán bộ công chức chưa đạt so với yêu cầu đề ra của tiêu chí số 18 nguyên do là cán bộ, công chức tuổi đời đã cao khoảng 57, 58 tuổi, những đối tượng này đi học xong thì về nghỉ hưu nên tư tưởng có phần chán nản, tuy nhiên, họ lại có được ưu thế về tuổi đời và kinh nghiệm trong công tác.

Đối với những xã, thị trấn còn thiếu về số lượng cán bộ công chức theo Quyết định số 1181/QĐ-UBND ngày 15/10/2010 và Quyết định số 1885/QĐ-UBND ngày 9/9/2016 của UBND tỉnh về giao số lượng, chức danh, bố trí cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn địa phương đã có hướng tuyển mới bổ sung cán bộ công chức còn thiếu trong các kỳ tuyển dụng công chức cấp xã những năm tiếp theo.

Có những cán bộ công chức còn trẻ mới được tuyển dụng vào làm công chức nên chưa được vào đảng, chưa được đưa vào danh sách học tập nâng cao trình độ chính trị, quản lý nhà nước. Cơ quan thẩm định đã thống nhất với Thường trực Đảng ủy cấp xã phải đặc biệt ưu tiên tổ chức để những cán bộ công chức trẻ này đi học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất;

Về kết quả công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2010 - 2020. Cụ thể:

Giai đoạn 2010 - 2015, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 24/6/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/7/2011 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011 - 2015 và những năm tiếp theo; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 24/6/2010 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”; Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 04/11/2011 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn giai đoạn 2011 -2015; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm, đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố tổ chức xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo nội dung, chương trình của Đề án và tổ chức triển khai thực hiện.

Qua đó, xuất phát từ yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và tỷ lệ cán bộ, công chức xã của tỉnh đạt trình độ đại học chuyên môn còn thấp, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức mở 01 lớp đại học ngành Hành chính và 01 lớp ngành Luật với tổng số 188 học viên, 01 lớp Trung cấp Văn hóa cho 32 cán bộ, công chức xã, 01 lớp đào tạo trình độ trung cấp ngành Luật cho 135 cán bộ, công chức xã, đến nay các lớp đào tạo nói trên đều đã hoàn thành xong chương trình học tập và phát bằng tốt nghiệp cho các học viên. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ, công chức xã đã chủ động trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn qua các khóa đào tạo trình độ đại học, trung cấp do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh phối hợp với các Trường, Học viện Trung ương mở tại tỉnh.

UBND tỉnh cũng giao Sở Nội vụ phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ sở đào tạo mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức xã nhằm đạt chuẩn về kiến thức Quản lý nhà nước theo quy định.

Vì vậy, từ năm 2010 đến hết năm 2015, các Sở, ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng thực hành công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã với tổng số 6.227 lượt người.

Mục đích, để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, UBND tỉnh chỉ đạo trưng tập các đồng chí cán bộ, công chức của các Sở, ngành chuyên môn, UBND các huyện, thành phố tham gia giảng dạy các chuyên đề có tính liên hệ thực tiễn. Sự phối hợp giữa các giảng viên tại các trường và các giảng viên kiêm chức đã mang lại chất lượng, hiệu quả cho các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Năm 2012, tỉnh đã giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cử 26 cán bộ, công chức của một số Sở, Ngành chuyên môn tham gia các lớp tập huấn giảng viên nguồn tham gia bồi dưỡng cán bộ, công chức xã do Bộ Nội vụ tổ chức với 13 chuyên đề tài liệu bồi dưỡng cho các chức danh cán bộ, công chức xã.

Về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, hàng năm ngoài nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã từ đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã dành một phần kinh phí từ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh phân bổ về cho các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau 5 năm, đã tổ chức trên 1.000 lớp dạy nghề cho 35.200 lao động nông thôn, trong đó 9.707 lao động (27,6%), học các nghề nông nghiệp, 25.493 lao động (72,4%) học nghề phi nông nghiệp. 80% lao động sau học nghề có việc làm ổn định với thu nhập khá. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo tăng từ 31,5% năm 2010 lên 40,8% năm 2015. Các chương trình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và đào tạo nghề đã góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm ổn định và thu nhập khá cho lao động nông thôn, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và tạo thêm nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên tăng từ 75% năm 2010 lên 91% năm 2015. Tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 65,8% năm 2010 xuống 60,8% năm 2015. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ 12,7 triệu đồng/người năm 2010 lên 35 triệu đồng/người năm 2015. Ở 112 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015, thu nhập bình quân đầu người tăng từ là 16,43 triệu đồng/người năm 2010 lên 37 triệu đồng/người năm 2015.

Giai đoạn 2016 - 2020, phấn đấu đến năm 2020 có từ 80% - 90% cán bộ, công chức có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên, trong đó đội ngũ cán bộ chủ chốt đạt 100%. 85% - 95% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên trong đó đội ngũ cán bộ chủ chốt và công chức đạt tỷ lệ 100%. 100% cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. 70% - 80% cán bộ, công chức được bồi dưỡng theo chức danh và biết sử dụng máy vi tính trong công tác quản lý.

Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

* Năm 2016, đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho khoảng 400 lượt người; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho khoảng 1.000 lượt người; bồi dưỡng theo chức danh cho khoảng 3.600 lượt người.

* Năm 2017, đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho khoảng 300 lượt người; bồi dưỡng theo chức danh cho khoảng 3.600 lượt người; bồi dưỡng Đại biểu Hội đồng nhân dân cho khoảng 5.500 lượt người.

* Năm 2018, đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị cho khoảng 200 lượt người; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho khoảng 500 lượt người; bồi dưỡng theo chức danh cho khoảng 3.600 lượt người.

* Năm 2019, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho khoảng 400 lượt người; bồi dưỡng theo chức danh cho khoảng 3.600 lượt người.

* Năm 2020, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho khoảng  300 lượt người; bồi dưỡng theo chức danh cho khoảng 3.600 lượt người.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng  để hoàn thành các mục tiêu. Tổ chức đánh giá kết quả, hiệu quả  đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo các nội dung của kế hoạch.

Nhìn chung, công tác chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn được lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đã bám sát các nội dung, chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương. Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên được kiện toàn thay thế, đảm bảo đủ số lượng gắn với từng địa bàn phụ trách; đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân trước tập thể đã được cấp trên đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ chỉ đạo công tác xây dựng Nông thôn mới tại mỗi địa phương.

Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn. Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở được thực hiện thực chất hơn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai từ tỉnh tới huyện, xã, thôn xóm, các ngành, đoàn thể đã tự đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, phương pháp, cách làm trong hướng dẫn, vận động người dân tham gia các hoạt động, kinh nghiệm hơn trong tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc ở cơ sở làm cho phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng sâu, rộng và hiệu quả hơn. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được triển khai sâu rộng, đạt kết quả tích cực; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố, tăng cường, đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Cùng với phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, bức tranh kinh tế nông thôn đa dạng hơn, sinh động hơn. Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn đã tạo thêm hàng chục nghìn việc làm mới, người nông dân có nhiều sinh kế hơn để lựa chọn và phát triển. Một bộ phận lao động nông nghiệp đã chuyển dịch sang làm công nghiệp, dịch vụ. Thu nhập ở khu vực nông thôn năm 2015 tăng 2,7 lần so với năm 2010. Đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn ngày càng phong phú, bản sắc dân tộc, truyền thống quê hương, ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được giữ gìn, khơi dậy và phát huy.

Ý thức, nhận thức chính trị - xã hội, pháp luật, trình độ sản xuất của người nông dân được nâng cao hơn. Người dân nông thôn tự tin hơn, chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn khi tham gia các công việc của thôn, xóm. Thông qua các quy ước, hương ước, các phong trào thi đua, tính tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư được nâng cao hơn, nhất là trong việc quản lý, khai thác, tu sửa, nâng cấp các công trình phúc lợi, trong giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường của thôn, xóm.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển toàn diện, đạt kết quả nổi bật với 21 năm liên tục là “Đơn vị tiêu biểu xuất sắc” trong lĩnh vực giáo dục đào tạo; chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ngày càng được nâng cao; phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới” được đông đảo Nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và tích cực tham gia; các thiết chế văn hóa cơ sở được phát huy, chất lượng “gia đình văn hóa”, “làng văn hóa” được nâng cao. Các chính sách xã hội và an sinh xã hội được thực hiện kịp thời. Xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc, là động lực phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

 

Anh Cao