Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và vượt các mục tiêu được Đảng và Quốc hội đặt ra cho giai đoạn 2010 - 2020 sớm hơn 18 tháng

11/12/2019 13:27
  • Print
  • Lượt xem: 1172

Đây là đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 tại Nam Định ngày 19/10/2019.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Văn Môn tham luận tại Hội thảo (Ảnh: Anh Cao)

Phát biểu tham luận tại Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, diễn ra chiều ngày 09/12 với chủ đề "Vị trí, vai trò, chức năng và hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2011 - 2020", Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Trần Văn Môn cho biết, tại Hội nghị tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020 tại Nam Định ngày 19/10/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, xây dựng nông thôn mới là chương trình rất trúng, rất đúng, đi vào lòng người, khai thác được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị kết hợp sức mạnh của từng người dân, tạo nên thành tích To lớn, Toàn diện và Lịch sử.

Với những cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp và việc tổ chức triển khai hiệu quả nên trong 9 năm đã huy động được nguồn lực rất lớn, đến 2,41 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD), trung bình mỗi năm huy động tương đương 12 tỷ USD cho phát triển các thiết chế hạ tầng sản xuất, đời sống, văn hóa, xã hội và thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông thôn. Chính vì thế, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thay đổi rất đáng kể, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng. Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và vượt các mục tiêu được Đảng và Quốc hội đặt ra cho giai đoạn 2010 - 2020 sớm hơn 18 tháng.

Có thể nói, đạt được những thành tựu như vậy, là có phần đóng góp quan trọng của cả hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới từ Trung ương đến địa phương, then chốt khẳng định vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương và điều phối các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ.

Về kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện xuyên suốt từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã, thôn, ông Trần Văn Môn nhấn mạnh, giai đoạn 2010 - 2015, để chỉ đạo thực hiện Chương trình, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp từ Trung ương đến địa phương đã được hình thành. Ở Trung ương, đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham gia. Ở cấp tỉnh, huyện, đồng chí Bí thư hoặc Chủ tịch UBND trực tiếp làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo. Ở các xã có Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư làm Trưởng ban và Ban Quản lý Chương trình do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; hầu hết các thôn, bản, ấp đã thành lập Ban Phát triển thôn, bản, ấp.

Ngay sau khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn Trung ương, Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo Trung ương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được thành lập và đặt tại Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn và giao Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng Điều phối. Như vậy, Văn phòng Điều phối hoạt động như một Phòng thuộc Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn với 05 cán bộ, công chức chuyên trách và các thành viên kiêm nhiệm là lãnh đạo cấp Vụ của Bộ, ngành liên quan.

Về phía địa phương, các tỉnh, thành phố đã cơ bản thành lập bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp và từng bước kiện toàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1996/QĐ-TTg ngày 04/11/2014. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định về việc thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 24 biên chế công chức và được sử dụng cán bộ hợp đồng.

Tuy nhiên, đến năm 2015, hệ thống bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo còn chưa đồng bộ giữa các địa phương. Có 06 tỉnh, thành phố thành lập Văn phòng Điều phối trực thuộc UBND tỉnh, còn lại đạt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số địa phương thì Văn phòng Điều phối tỉnh nằm trong Chi cục Phát triển nông thôn nên rất khó khăn cho công tác tham mưu và phối hợp với các sở, ngành triển khai các nội dung, tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; cấp huyện mới có 26,5% đơn vị thành lập Văn phòng Điều phối; 32,2% số xã mới bố trí được cán bộ theo dõi nông thôn mới.

Hầu hết các địa phương, đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là cấp huyện, xã còn thiếu và yếu, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên hiệu quả tham mưu chưa cao; nhiều ngành chức năng còn lúng túng trong việc hướng dẫn các xã thực hiện tiêu chí do ngành mình quản lý, nhất là cụ thể hóa tiêu chí cho phù hợp với điều kiện thực tế. Như vậy, có thể thấy được, đến năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là Chương trình đầu tiên đã thành lập Ban chỉ đạo chương trình và Văn phòng Điều phối đầy đủ ở các cấp, tuy nhiên nhìn chung đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về nông thôn mới còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Giai đoạn 2016 - 2020, đến hết Quý II/2017, các địa phương đã hoàn thành công tác kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, trong đó, có 05 tỉnh (bao gồm: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Bình Định, Đồng Tháp, Trà Vinh) do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, thành phố Hà Nội do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy là Trưởng ban Ban Chỉ đạo, 56 tỉnh, thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND cấp tỉnh là Trưởng ban Ban Chỉ đạo; 92,4% đơn vị cấp huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo, trong đó có 146 huyện (22%) có Trưởng ban Ban Chỉ đạo là đồng chí Bí thư Huyện ủy, 465 huyện (70%) là Chủ tịch UBND huyện; 93,7% số xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư xã làm Trưởng ban; Ban Quản lý xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; hầu hết các thôn, bản, ấp có Ban Phát triển thôn. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, huyện đã chủ động thành lập các Đoàn công tác của Thường vụ cấp ủy, Tổ công tác của UBND hoặc của các sở, ngành để trực tiếp chỉ đạo, giám sát các địa phương và các nội dung trọng tâm của chương trình. Một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Trị… đã dành “Ngày thứ Bảy” để cấp ủy và chính quyền đi cơ sở kiểm tra về xây dựng nông thôn mới. Giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND cấp tỉnh với các tổ chức chính trị - xã hội có chương trình và quy chế phối hợp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Để xác định rõ vị trí và chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương và các cấp tỉnh, huyện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp. Căn cứ vào Quyết định số 1920/QĐ-TTg, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1428/QĐ-BNN-TCCB ngày 23/4/2018 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Về cơ cấu tổ chức bộ máy của Văn phòng Điều phối gồm: Lãnh đạo Văn phòng có 04 người, gồm: 01 Chánh Văn phòng và 03 Phó Chánh văn phòng; có 05 phòng trực thuộc gồm: Phòng Hành chính, Tổng hợp; Phòng Kế hoạch, Tài chính và Giám sát; Phòng Nghiệp vụ và Môi trường; Phòng Truyền thông và Hợp tác quốc tế; Phòng Quản lý mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương có 34 người, gồm 24 công chức và hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và 10 hợp đồng Chương trình.

Ông Trần Văn Môn cũng thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 về quy định bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, trong đó yêu cầu cấp huyện phải thành lập Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện do Phó Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chánh Văn phòng. Về phía địa phương, đến nay 100% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Văn phòng Điều phối cấp tỉnh, trong đó, 02 tỉnh là Bắc Kạn và Cà Mau đã thành lập Văn phòng Điều phối chung 02 Chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); có 580/664 đơn vị cấp huyện thuộc 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng Điều phối cấp huyện (đạt 90,06%); 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố trí cán bộ chuyên trách về xây dựng nông thôn mới ở cấp xã.

Ở cấp tỉnh, tổng số biên chế, người làm việc của Văn phòng cấp tỉnh là 1.030 người, trong đó: số người làm việc chuyên trách là 444 người (bao gồm công chức là 234 người, viên chức là 113 người, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 29 người, hợp đồng Chương trình là 68 người; biệt phái, kiêm nhiệm là 629 người; biên chế công chức chuyên trách là 234 người, bình quan chung cả nước là 3,7 biên chế/tỉnh), hầu hết số biên chế chuyên trách của Văn phòng Điều phối cấp tỉnh hiện nay được điều động từ ngành Nông nghiệp sang (khoảng trên 90%); biên chế điều động từ các sở, ngành khác sang chỉ khoảng dưới 10%. Số làm việc kiêm nhiệm là 629 người, bình quân chung cả nước là 10 người/tỉnh.

Ở cấp huyện, tổng số biên chế, người làm việc của Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện là 6.358 người, trong đó, số người làm việc chuyên trách là 1.347 người (bao gồm công chức là 1.131 người, viên chức là 136 người, Hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 16 người, Hợp đồng Chương trình là 64 người); biệt phái, kiêm nhiệm là 5.193 người. Biên chế công chức chuyên trách là 1.131 người, bình quân chung cả nước là 1,77 biên chế/huyện, hầu hết đều là công chức của Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng Kinh tế huyện, được giao nhiệm vụ chuyên trách, theo dõi, tổng hợp thực hiện chương trình trên địa bàn.

Ở cấp xã, toàn quốc có 8.804 xã/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bố chí công chức cấp xã về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo quy định. Tuy nhiên, số lượng, tỷ lệ chuyên trách, kiêm nhiệm trên từng địa bàn có khác nhau, cụ thể: 10 tỉnh là Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Nam Định, Quảng Trị, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đà Nẵng đã bố trí đủ 01 công chức chuyên trách về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (tương đương 1.253/8.804, chiếm 14,23% tổng số xã của cả nước). 13 tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ cho các xã, gồm: Hà Giang (41/177), Quảng Ninh (41/111), Thái Nguyên (9/139), Hà Tĩnh (68/229), Bình Thuận (29/96), Ninh Thuận (10/47), Quảng Nam (123/204), Đắk Lắk (28/152), Đắk Nông (1/61), Bà Rịa - Vũng Tàu (28/45), Bến Tre (100/147), Kiên Giang (28/117) và Vĩnh Long (29/89). 40 tỉnh, thành phố bố trí công chức kiêm nhiệm về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn (tương đương 6.057/8.804 xã, chiếm 68,8% tổng số xã của cả nước).

Như vậy, có thể nói với các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện đã được kiện toàn một bước, được ưu tiên bố trí, tăng cường cán bộ, công chức chuyên trách, nhất là cán bộ có năng lực và tâm huyết. Qua hơn 9 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hệ thống từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh, cấp huyện và điều phối các ngành triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiến độ, ngày càng được Ban Chỉ đạo các cấp phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn so với trước đây…

Toàn cảnh Hội thảo (Ảnh: Anh Cao)

Tuệ Mẫn