An Giang: Hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp giai đoạn 2010 - 2020

18/12/2019 10:27
  • Print
  • Lượt xem: 1361

Tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 54/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” đạt tỷ lệ 45,38%, có 33 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; có 25 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; có 7 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí; số tiêu chí đạt bình quân của xã trong toàn tỉnh là 15 tiêu chí/xã. Không có xã đạt dưới 8 tiêu chí.

Trạm y tế xã đạt chuẩn nông thôn mới (Nguồn: nongthonmoi.angiang.gov.vn)

Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là chương trình tổng hợp, toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay Chương trình đã đạt được những kết quả đáng tự hào; trở thành phong trào thi đua mạnh mẽ trong cả nước và nhận được sự hưởng ứng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và các tần lớp Nhân dân. Đối với tỉnh An Giang đã nỗ lực không ngừng, tập trung triển khai sâu rộng các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và đặc biệt là đến các tầng lớp Nhân dân; đến nay tỉnh An Giang đã đạt được một số kết quả nhất định.

Về đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới, toàn tỉnh có 03 đơn vị cấp huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận thành phố Châu Đốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017; thành phố Long Xuyên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 và huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, đạt trước 01 năm so với lộ trình theo Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Tỉnh ủy.

Về xã nông thôn mới, tính đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có 54/119 xã được Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” đạt tỷ lệ 45,38%, có 33 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; có 25 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; có 7 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí; số tiêu chí đạt bình quân của xã trong toàn tỉnh là 15 tiêu chí/xã. Không có xã đạt dưới 8 tiêu chí.

Về tốc độ tăng trưởng tiêu chí hằng năm, năm 2011, sau khi mới triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh An Giang là tỉnh có mức đạt tiêu chí rất thấp: hơn 90% số xã đạt dưới 5 tiêu chí/xã, bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 4,8 tiêu chí/xã. Qua quá trình phấn đấu, quyết tâm của toàn Đảng, tòan dân tỉnh An Giang, đến năm 2015, bình quân toàn tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Hiện nay, bình quân toàn tỉnh đạt 15 tiêu chí/xã và không còn xã đạt dưới 8 tiêu chí.

Về Ban Chỉ đạo tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh An Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở, cụ thể: ban Chỉ đạo có Trưởng ban, 03 Phó Trưởng ban và các thành viên. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là 02 Phó Trưởng ban. Các thành viên là lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh phụ trách các tiêu chí nông thôn mới và các đoàn thể liên quan. Ngoài ra, tỉnh An Giang còn có Tổ công tác giúp việc cho Ban Chỉ đạo, các thành viên Tổ là chuyên viên các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới.

Giai đoạn 2016 - 2019, thực hiện Quyết định số 41/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ-UBND ngày 08/8/2017 về việc thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở sáp nhập hai Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới); theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo, 01 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban phụ trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 01 Phó Chủ tịch làm Phó Trưởng ban phụ trách Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Các ủy viên thường trực là Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội. Các ủy viên còn lại là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh.

Ngoài ra, nhằm giúp cho Ban Chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác triển khai và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương xử lý những khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-UBND ngày 02/4/2019 về việc kiện toàn thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang.

Đối với cấp huyện, Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố được kiện toàn do Chủ tịch UBND cấp huyện là Trưởng ban Ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng phòng Phòng Tài chính - Kế hoạch làm các Phó Trưởng ban; thành viên còn lại là các Trưởng, Phó Trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện.

Đối với cấp xã, các xã trên địa bàn thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND xã làm Phó Trưởng ban và các thành viên gồm: cán bộ phụ trách các ban, ngành, đoàn thể xã, trưởng ban ấp và một số nông dân có uy tín trên địa bàn. Đối với ấp, 100% số ấp thành lập Ban Phát triển nông thôn ấp do Bí thư kiêm Trưởng ấp làm Trưởng ban.

Đối với Văn phòng Điều phối tỉnh giai đoạn 2010 - 2020, do UBND tỉnh An Giang trực tiếp ban hành quyết định thành lập, kiện toàn, điều chỉnh thành viên và được giao thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ và giám sát tình hình thực hiện vốn ngân sách và các nguồn lực huy động khác để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách và cơ chế phối hợp hoạt động liên ngành để thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh; theo dõi tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất cho Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh; chuẩn bị nội dung, chương trình cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban Chỉ đạo tỉnh và các báo cáo theo yêu cầu của Trưởng ban Ban Chỉ đạo tỉnh. tổ chức công tác thông tin tuyên truyền về Chương trình; phối hợp Cục Thống kê tỉnh và các sở, ngành có liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới định kỳ theo đề nghị của UBND các xã, UBND cấp huyện, báo cáo, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh quyết định; đề xuất các xã có đủ điều kiện và tiêu chí vượt trội để tập trung điều hành, chỉ đạo nhằm sớm đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh quyết định chọn làm xã điển hình của tỉnh.

Đối với Văn phòng Điều phối cấp huyện, được đặt tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế, do UBND cùng cấp trực tiếp ban hành Quyết định thành lập, kiện toàn, điều chỉnh thành viên, bao gồm: Chánh Văn phòng do Phó Chủ tịch UBND cấp huyện kiêm nhiệm; 02 Phó Chánh Văn phòng do lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế và Phòng Tài Chính - Kế hoạch cấp huyện kiêm nhiệm. Các thành viên khác là các cán bộ kiêm nhiệm ở các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, trong đó phân công 01 cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế phụ trách công việc chuyên trách, thực hiện một số nhiệm vụ như: giúp Ban Chỉ đạo huyện xây dựng kế hoạch thực hiện, kiểm tra, giám sát thực hiện toàn diện Chương trình nông thôn mới; theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Chương trình; tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn,…

Đối với cấp xã, hiện nay, do tình hình biên chế khó khăn nên hầu hết các xã chưa bố trí cán bộ hoặc công chức chuyên trách theo dõi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phần lớn cán bộ nông thôn mới các xã do các chức danh công chức ở xã kiêm nhiệm, tập trung nhiều ở một số chức danh: Văn phòng - Thống kê, Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường. Ngoài công tác chuyên môn được lãnh đạo UBND xã phân công thêm nhiệm vụ tổng hợp báo cáo, theo dõi tiến độ thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn xã.

Nhìn chung, sau gần 10 năm triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự chung sức của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp chính quyền và sự hưởng ứng của Nhân dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Nông nghiệp phát triển khá theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng bước gắn với nhu cầu thị trường; năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn được cải thiện; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được kết quả quan trọng; cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. Nhiều địa phương đã tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với Nhân dân, tập trung huy động nhiều nguồn lực triển khai Chương trình. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên, dân chủ được phát huy, an ninh - chính trị, trật tự xã hội địa bàn nông thôn được giữ vững; niềm tin của Nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền được củng cố, nâng lên./.

Đường đạt chuẩn nông thôn mới (Nguồn: nongthonmoi.angiang.gov.vn)


Tuệ Mẫn