Kết quả xây dựng nông thôn mới tại huyện Thoại Sơn (An Giang)

20/12/2019 10:42
  • Print
  • Lượt xem: 2610

Sau 9 năm thực tế triển khai Chương trình, huyện đã có 14/14 xã đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. 

Ảnh minh họa (Nguồn: thoaison.angiang.gov.vn)

Theo Báo cáo tham luận của UBND huyện Thoại Sơn gửi Bộ Nội vụ tại Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” ngày 09/12 cho biết, với niềm tin của các cấp lãnh đạo tỉnh, với trách nhiệm trước Nhân dân, bằng những nỗ lực to lớn, với bao tâm huyết tìm tòi, chủ động, sáng tạo, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Đảng bộ huyện Thoại Sơn đã linh động, vận dụng một cách cụ thể dựa vào thế mạnh sẵn có và đặc thù của địa phương để chỉ đạo, điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn hoàn thành theo kế hoạch và lộ trình của tỉnh đề ra.

Sau 9 năm thực tế triển khai Chương trình, huyện đã có 14/14 xã đạt 19/19 tiêu chí, 49/49 chỉ tiêu, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể: Năm 2015, có 02/14 xã gồm các xã Vĩnh Phú và Vĩnh Trạch đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ 14,28%. Năm 2016, có thêm 01 xã Thoại Giang đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số 03/14 xã đạt, tỷ lệ 21,43%. Năm 2017, có thêm 03 xã gồm các xã Định Thành, Định Mỹ và Vĩnh Khánh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 06/14 xã đạt, tỷ lệ 42,85%. Năm 2018, có thêm 08 xã gồm các xã Vĩnh Chánh, Bình Thành, Vọng Đông, An Bình, Tây Phú, Vọng Thê, Phú Nhuận và Mỹ Phú Đông đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số 14/14 xã đạt, tỷ lệ 100%. Trong đó, có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới trước lộ trình kế hoạch 01 năm và 03 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới trước lộ trình kế hoạch 02 năm so với Chương trình 04 của Tỉnh ủy.

Huyện Thoại Sơn đạt 9/9 tiêu chí, 14/14 chỉ tiêu, được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018 theo Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 31/7/2019.

Để đạt được những kết quả nêu trên, trong công tác chỉ đạo, điều hành huyện Thoại Sơn đã quan tâm tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như:

Về thành lập bộ máy cấp huyện thực hiện chương trình, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, UBND huyện đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện, Văn phòng Điều phối và Tổ công tác giúp việc. Ban Chỉ đạo huyện phân công nhiệm vụ cụ thể tới các thành viên, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy chính quyền địa phương. Ban Chỉ đạo huyện thường xuyên được kiện toàn, tổ chức và hoạt động đúng quy định.

Đối với bộ máy cấp xã, thành lập Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới và Tổ giúp việc với thành phần tương tự như cấp huyện. Công tác củng cố kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên được thực hiện thường xuyên đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ được phân công.

Về công tác tuyên truyền, vận động và thi đua, khen thưởng được thực hiện thường xuyên liên tục và bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, cùng tất cả người dân và doanh nghiệp, để người dân hiểu được hiệu quả thật sự về xây dựng nông thôn mới.

Vào năm 2010 và 2016, huyện đã tổ chức 2 đợt lễ ra quân phát động phong trào trên toàn địa bàn huyện, ký kết giao ước thi đua và cam kết thực hiện, cũng như tuyên truyền, kêu gọi trong cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và Nhân dân vào cuộc, cùng phấn đấu, thi đua lập thành tích, thật sự lan tỏa và ăn sâu vào cộng đồng. Đồng thời, tổ chức ký kết thi đua, ra quân thực hiện các tuyến đường hoa, cây xanh và vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp.

Công tác xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện, trên cơ sở chương trình, kế hoạch đã ban hành, huyện triển khai rà soát đánh giá đối với từng xã, từng tiêu chí, chỉ tiêu về mức độ đạt, để sắp xếp có lộ trình thời gian cụ thể từng năm, từng giai đoạn, theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau”, đối với tiêu chí cần vốn và không cần vốn. Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc, phân công cụ thể trách nhiệm từng ban, ngành, đoàn thể, từng thành viên, phụ trách từng xã, từng tiêu chí, chỉ tiêu, để theo dõi, kiểm tra trong quá trình thực hiện.

Trong tổ chức thực hiện, công tác kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm là rất cần thiết, được lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của tỉnh và Văn phòng Điều phối tỉnh luôn quan tâm, kiểm tra và tháo gỡ khó khăn thường xuyên, cùng với huyện mỗi tuần kiểm tra 01 xã để đánh giá, tìm nguyên nhân khó khăn, vướng mắc tháo gỡ, kịp thời đề ra các biện pháp, giải pháp, chỉ đạo thực hiện. Hàng tháng, Ban Chỉ đạo huyện họp đánh giá, cũng như đưa nội dung lồng ghép vào cuộc họp định kỳ của huyện. Hàng quý, năm huyện đều tổ chức sơ kết, tổng kết có mời Ban Chỉ đạo tỉnh tham dự, nhằm rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc được kịp thời.

Đánh giá, xây dựng lộ trình thực hiện hàng năm, tổ chức đánh giá, xác định mức đạt đối với từng xã, từng tiêu chí, chỉ tiêu, chọn xã nào có điều kiện đạt trước, thì đăng ký với tỉnh để tập trung chỉ đạo thực hiện. Đối với các xã còn lại, cũng được triển khai thực hiện song song và đồng bộ, để rút ngắn thời gian.

Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, UBND huyện Thoại Sơn xác định, từ các tiêu chí, chỉ tiêu cần vốn đầu tư, đối với danh mục, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, chủ động hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để tranh thủ nguồn vốn kịp thời. Đối với danh mục thuộc nguồn vốn ngân sách huyện, chủ động cân đối, thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với nguồn vốn huy động doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cùng đồng hành, đầu tư các mô hình, dự án có hiệu quả, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân. Đối với nguồn vốn huy động từ Nhân dân đóng góp, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, tập trung công tác tuyên truyền, vận động, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng và phát huy quyền làm chủ của người dân; vận động vừa phải, không quá sức dân.

Về yếu tố con người, vai trò người đứng đầu, đơn vị, địa phương phụ trách từng tiêu chí, chỉ tiêu là rất quan trọng, phải có định hướng, trách nhiệm và quyết tâm, trong chỉ đạo, điều hành, mạnh dạn đột phá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, thường xuyên, có hiệu quả.

Trong quá trình thực hiện cũng còn một số tiêu chí, chỉ tiêu khó khăn nhất định, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, cùng với sự ủng hộ, đồng hành của doanh nghiệp và Nhân dân huyện nhà. Đặc biệt, là sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ tháo gỡ kịp thời của các sở, ngành trong tỉnh, nhất là Văn phòng Điều phối tỉnh, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục và chủ động thời gian sớm kiểm tra thực thế, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, sớm hơn lộ trình kế hoạch đề ra.

Ảnh minh họa (Nguồn: thoaison.angiang.gov.vn)

 

Tuệ Mẫn