Hà Nam: Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

03/01/2020 16:20
  • Print
  • Lượt xem: 1029

Hà Nam hiện có 83,3% người dân sinh sống ở khu vực nông thôn và đến thời điểm này 100% số xã của tỉnh đã được xét công nhận nông thôn mới. Phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững là một trong những giải pháp được Hà Nam định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện.

sp_may_tre-08_55_36_792.jpg

Du lịch tham quan các danh thắng gắn với làng nghề truyền thống là một thế mạnh cần phát huy. Trong ảnh: Sản xuất mây tre xuất khẩu tại Công ty mây tre Ngọc Động, xã Hoàng Đông (Duy Tiên). Ảnh: Thế Tân

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch được coi là một trong những dòng sản phẩm du lịch hỗ trợ cho các dòng sản phẩm du lịch chính như: du lịch sinh thái - tâm linh, nghỉ dưỡng, giải trí – sáng tạo, văn hóa – lễ hội. 

Du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch được định hướng là các điểm du lịch nông thôn phải gắn với đời sống người dân vùng đồng bằng sông Hồng, các làng nghề, các điểm du lịch nông thôn khai thác các sản phẩm nông nghiệp sạch. Khu vực được xác định phát triển sản phẩm này là phía đông tỉnh (phía đông huyện Duy Tiên, Lý Nhân và Bình Lục) bao gồm các sản phẩm du lịch mang tính văn hóa, nông nghiệp và nông thôn, trong vùng có du lịch tham quan di tích lịch sử với các điểm di tích đền, chùa, đình làng; du lịch tìm hiểu văn hóa làng nghề; du lịch lễ hội; du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch. Trong đó, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn liền với đời sống nông thôn hiện đại, các hình thức canh tác nông nghiệp mới.

Quy hoạch là thế nhưng muốn du lịch nông nghiệp nông thôn thu hút được du khách phải tạo ra sự khác biệt và độc đáo, hiện đại nhưng phải trên nền cái nguyên gốc, riêng có của nông thôn. Văn Xá là xã nông thôn mới của huyện Kim Bảng có cảnh quan đẹp, những ngõ xóm bê tông hai bên đường trồng nhiều hoa xen lẫn các cây bóng mát, những bức tường được vẽ khung cảnh làng quê, đây là những “sản phẩm của nông thôn mới". 

Nhưng cái khác biệt của Văn Xá, đó là trên cái nền “sáng sủa" của nông thôn mới, ở một số thôn, người dân đã lập nên những ngôi quán (chỗ nghỉ ngơi dừng chân trò chuyện) ven đường thôn, đầu lối xóm. Những ngôi quán sạch sẽ, nhỏ nhưng có chỗ ngồi và trang điểm cho những ngôi quán đó là những vật dụng nông nghiệp đã một thời gian dài gắn bó mật thiết với người dân nông thôn, với sản xuất nông nghiệp. Người dân ở đây sẵn sàng cho bạn biết và diễn tả lại công năng của những nông cụ của một thời sản xuất nông nghiệp thô sơ của cư dân trồng lúa nước đồng bằng sông Hồng. 

Hay ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, du khách đến Hà Nam rất thích thú khi đến thăm nhà Bá Kiến (một nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao), ngôi nhà được tác giả lấy làm nguyên mẫu trong tác phẩm của mình. Đây là một ngôi nhà đặc trưng của tầng lớp trên trong xã hội phong kiến. Và cũng chính những chứng tích còn dày đặc nơi vùng đất này, xã Hòa Hậu đã được lập quy hoạch chi tiết phát triển du lịch với đặc trưng tái hiện lại đời sống người dân khu vực nông thôn thông qua các hình tượng, câu chuyện trong các tác phẩm của Nam Cao - người con của quê hương. 

Thôn Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên cũng là một địa chỉ nhiều du khách muốn đến thăm khi đến Hà Nam, ngoài sản phẩm lụa chỉ đứng sau làng nghề Vạn Phúc (Hà Hội), ngôi làng này còn mang dáng vẻ quyến rũ với những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp phủ màu thời gian. Một làng nghề với bao thăng trầm của lịch sử và thời cuộc vẫn đứng vững và duy trì đến ngày nay, một làng nghề đã từng giao thương buôn bán vượt biên giới quốc gia, rộng khắp vùng Đông Nam Á… 

Bên cạnh một số những ngôi làng có khác biệt và giữ được giá trị nguyên gốc của nông thôn Việt, du lịch nông nghiệp sạch cũng đã diễn ra ở nhiều nơi với những mô hình, trang trại nuôi, trồng an toàn, sạch nếu không có sự độc đáo riêng có và một chiến lược quảng bá quy mô, bài bản cũng khó có thể thu hút được du khách. Khi mà sự chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh ta như hiện nay thì bên cạnh yếu tố nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì yếu tố nông thôn với những nét văn hóa truyền thống, lễ hội dân gian, những cổ đình, chùa miếu vẫn nên được gìn giữ và bồi đắp mới tạo được ấn tượng du lịch. Và quy hoạch khoa học để làm sao giữ được những khoảng không gian cho sự giao lưu giữa du khách với người nông dân, những hoạt động trải nghiệm nông thôn, nông nghiệp với hướng phát triển các dịch vụ nông nghiệp, hướng dẫn trồng trọt, tìm hiểu về thực vật, điểm bán các sản phẩm nông nghiệp sạch, ẩm thực đặc trưng.

Tuy rất nhiều tiềm năng cho sự phát triển của loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn nhưng để hình thành và tạo ra nguồn lợi, trong các quy hoạch đề án về du lịch của tỉnh cũng chỉ rõ, đó là phải nâng cao năng lực của người dân trong phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng do người dân cung cấp; đầu tư các mô hình trình diễn du lịch nông nghiệp, nông thôn làm cơ sở chuyển giao và thúc đẩy người dân tham gia phát triển và quản lý du lịch; nghiên cứu bảo tồn cảnh quan nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa nông nghiệp và đầu tư các khu nghỉ dưỡng nông thôn…

Phát triển du lịch nông thôn sẽ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững và nông thôn mới lại trở lại là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng của các điểm du lịch nông thôn. Đây chính là cộng hưởng của sự phát triển nhằm hiện thực hóa đồng thời hai mục tiêu là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững./.



Chu Bình (
25/10/2019)/Theo Báo Hà Nam điện tử