Cà Mau hướng tới dạy nghề nông nghiệp trọng điểm

06/01/2020 00:25

Cà Mau là tỉnh nông nghiệp thuần thúy, để hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế thế mạnh của địa phương, thời gian qua tỉnh đã chú trọng tới công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

Ưu tiên dạy nghề nông nghiệp đặc thù của địa phương

Để thực hiện Đề án 1956, tỉnh Cà Mau đã ban hành danh mục ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn gồm 75 nghề mang tính đặc thù của từng huyện, thành phố thuộc tỉnh, theo từng lĩnh vực: lâm nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng. Trong đó nổi bật có các nghề như: nuôi ong lấy mật, trồng hoa kiểng, nuôi tôm quảng canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nuôi cá sặc rằn; tổ chức du lịch sinh thái, tổ chức du lịch cộng đồng…

Phú Tân là một huyện ven biển phía tây của tỉnh Cà Mau. Người dân nơi đây vốn quen với nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản từ lâu. Vì vậy, theo lãnh đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Phú Tân, huyện tập trung thực hiện công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho lao động, chọn những ngành nghề nuôi trồng thủy sản để lao động có thể có việc làm ngay sau đào tạo. Chỉ tính trong 10 tháng của năm 2019, huyện đã tổ chức được 86 lớp dạy nghề, truyền nghề cho hơn 2.600 học viên tham gia, đạt 129% kế hoạch của năm.

Trong đó, đào tạo nghề theo Đề án 1956 là 13 lớp với gần 500 học viên. Nhiều nông dân sau khi được tham dự các lớp truyền nghề theo hướng nâng cao, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã thành công với nghề nuôi trồng thủy sản. Điển hình như một số lao động xã Phú Thuận, huyện Phú Tân đã thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến với chi phí đầu tư thấp, chủ yếu đầu tư con giống và men tạo tảo, nguồn thức ăn cho tôm được tận dụng từ tự nhiên, mang lại lợi nhuận bình quân 100 triệu đồng/ha/năm.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Không chỉ tổ chức đào tạo nghề, tỉnh Cà Mau còn đẩy mạnh hỗ trợ lao động nông thôn mở rộng quy mô sản xuất nhiều ngành nghề truyền thống có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như sản xuất các loại cá, tôm khô, làm chuối ép, mắm ba khía, làm đũa từ cây đước… Các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường hoạt động xúc tiến, thực hiện các thủ tục, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề, hướng dẫn chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp lao động nông thôn yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập.

Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, trong 8 năm từ 2010 - 2018, có hơn 67 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề nông nghiệp theo Đề án 1956. Trong đó, số người học xong có việc làm đạt hơn 95%. Cụ thể có 235 lao động được doanh nghiệp tiếp nhận và 28 lao động thành lập được hợp tác xã. Đặc biệt, có gần 7.000 lao động sau học nghề nông nghiệp đã có việc làm vươn lên thoát nghèo.

Riêng năm 2019, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo Đề án 1956 là hơn 4.000 người, trong đó có 182 lao động thuộc diện ưu tiên, với tổng kinh phí thực hiện là 5,92 tỷ đồng.

Thu nhập tăng gấp đôi

Ông Từ Hoàng Ân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau cho biết, để có nguồn lực thực hiện dạy nghề, Sở đã kết hợp với Sở Công thương, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện tổ chức nhiều lớp dạy các nghề ở lĩnh vực  nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng truyền thống gắn với các làng nghề hoặc nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp người lao động tìm được việc làm ngay sau khi tham dự lớp dạy nghề.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kết hợp nguồn lực từ chương trình dạy nghề và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 để dạy nghề cho lao động. Sau dạy nghề, tỷ lệ lao động có việc làm đạt tới hơn 80%. Thu nhập của lao động sau khi được học nghề cũng tăng hơn 50% so với trước khi được học nghề. Kết quả này góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh lên đạt 42 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2010.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, thành công nhưng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Hầu hết các lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đều được tổ chức ở những vùng sâu, vùng xa, giao thông khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

"Thêm vào đó, trình độ nhận thức của lao động nhất là lao động vùng dân tộc thiểu số còn hạn chế nên việc tiếp thu kiến thức, kỹ thuật được học ứng dụng vào sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này làm hạn chế tới việc sản xuất, gia tăng giá trị hàng hóa của sản phẩm" - ông Châu Công Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, do Cà Mau chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy giải quyết việc làm cho lao động sau học nghề vẫn còn khó khăn. Nhiều lao động chủ yếu vẫn làm việc tại gia đình, thu nhập thấp, không ổn định. Đây cũng chính là lý do khiến lao động nông thôn, đặc biệt vùng khó khăn tại địa phương hờ hững không muốn đi học nghề nông nghiệp.

"Để tăng cường sức mạnh cho hoạt động dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, chúng tôi kiến nghị trung ương nên tăng cường đầu tư cơ sở vật chất như máy móc, xưởng thực hành. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung mức hỗ trợ tiền đi lại, kinh phí đào tạo, tiền ăn... của đề án cho người học nghề theo khung và đặc thù của từng địa phương" - ông Châu Công Bằng kiến nghị./.

Qua 10 năm thực hiện Đề án 1956 (Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 21/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020), có hơn 327.000 lao động nông thôn ở Cà Mau tham gia các lớp đào tạo nghề, với hơn 100.000 lao động được hỗ trợ học nghề.       

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/