Giải pháp nào đưa nhiều huyện của Hưng Yên cán đích nông thôn mới?

06/01/2020 01:21

Nhờ phát huy tính dân chủ và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân nên trong công tác xây dựng huyện NTM, nhiều huyện trên địa bàn Hưng Yên như Văn Lâm, Văn Giang đã được công nhận nông thôn mới.

Thời gian qua, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đồng thời đề ra những giải pháp thực hiện; xác định những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội và giao nhiệm vụ cho các đơn vị và địa phương để từng bước thực hiện nông thôn mới.

Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được tỉnh, huyện quan tâm và có nhiều cơ chế, chính sách. Trong đó công tác thông tin, tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nên công tác này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm. 

Điểm nhấn thành công trong việc thực hiện xây dựng NTM ở tỉnh Hưng Yên là việc tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Tỉnh Hưng Yên tập trung chỉ đạo, hoàn thành việc dồn thửa, đổi ruộng gần 29.000 ha đất nông nghiệp; căn bản khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, tạo điều kiện tích tụ, tập trung ruộng đất để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hình thành một số vùng hàng hóa nông nghiệp tập trung, những cánh đồng mẫu lớn cho năng suất cao, giá trị cao. 

Cánh đồng nông thôn mới tại Hưng Yên

Để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng NTM, bảo đảm thật sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp:

Tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chính như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; phổ biến những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt trong phong trào xây dựng NTM;

Cùng với đó là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các cấp chính quyền địa phương; xây dựng kế hoạch cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách như khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đẩy mạnh chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, cây có giá trị kinh tế cao hơn; ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ, các quy trình công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất...


Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/