Xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang

25/04/2020 08:55
  • Print
  • Lượt xem: 2337

Sau 5 năm (2016 - 2020) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tỉnh Tiền Giang đã có 97 trên tổng số 143 xã đạt chuẩn (tăng thêm 85 xã so với năm 2015), hoàn thành mục tiêu có 50% số xã đạt chuẩn. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng khắp tỉnh, được nhân dân tích cực tham gia, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM từng bước được xác lập, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của họ...

Nông dân huyện Chợ Gạo thu nhập cao từ phát triển cây ăn trái.

Một trong những điểm nhấn trong xây dựng NTM của Tiền Giang là có xuất phát điểm thấp so với mặt bằng chung của cả nước cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Cuối năm 2015, số xã đạt chuẩn chỉ chiếm 8,7%, thấp hơn so với mức bình quân chung của vùng ÐBSCL, thấp hơn rất nhiều so với cả nước là 22%; Tuy nhiên, chỉ trong 5 năm (2016 - 2020), chương trình xây dựng NTM mới ở Tiền Giang đã có bước phát triển nhanh cả về số lượng lẫn chất lượng. Ðến nay, tỷ lệ số xã đạt chuẩn của tỉnh đã cao hơn tỷ lệ bình quân chung của vùng ÐBSCL và bằng tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Ðáng chú ý như, huyện Chợ Gạo toàn bộ 18 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ðối chiếu với các tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện huyện Chợ Gạo đã đạt 4 trong số 9 tiêu chí, phấn đấu sắp tới sẽ đạt thêm ít nhất hai tiêu chí nữa (giao thông, điện hoặc môi trường) để đủ điều kiện đăng ký huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Ði vào thực tế để tìm hiểu đâu là "bí quyết" của sự tăng trưởng ấn tượng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Hữu Thệ, Bí thư Huyện ủy Chợ Gạo, địa phương có toàn bộ các xã được công nhận NTM, hoàn thành trước một nửa thời gian so với mục tiêu (đến năm 2020 đạt 50% số xã). Ðồng chí Ngô Hữu Thệ cho biết, năm 2011 khi mới bắt đầu chủ trương xây dựng NTM, hầu hết các xã trong huyện đều có điểm xuất phát thấp, nhiều xã chỉ đạt từ sáu đến bảy tiêu chí, cao nhất đạt 8 trong số 19 tiêu chí. Với sự tập trung lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều xã đã có cách làm hay, sáng tạo, từ đó khơi dậy ý thức tự giác trong nhân dân; huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội. Ðặc biệt, đã chuyển đổi từ việc vận động từng hộ, từng xóm, ấp sang phát động phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trên địa bàn với đông đảo người dân tự giác tham gia hưởng ứng tích cực; chuyển từ việc chọn xã làm điểm, từ việc giao chỉ tiêu hằng năm đến hai, ba xã sang cho các xã chủ động đăng ký kế hoạch, lộ trình thực hiện. Nhiều xã tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhưng đã quyết tâm phấn đấu rút ngắn thời gian, xin chuyển kế hoạch từ năm 2020 sang thực hiện trong năm 2019 và hầu hết đều hoàn thành đúng kế hoạch và thời gian đăng ký.

Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã từng bước được xác lập, qua đó đã kịp thời khuyến khích, động viên người dân tham gia đóng góp tích cực hơn trong xây dựng NTM. Tổng nguồn lực tỉnh Tiền Giang huy động được để xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2019 đạt hơn 52.394 tỷ đồng, trong đó vốn huy động trong cộng đồng dân cư hơn 5.771 tỷ đồng và trong suốt quá trình thực hiện chương trình, tỉnh Tiền Giang không có phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và thẳng thắn nhìn nhận, quá trình xây dựng NTM ở Tiền Giang còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trước hết, một số địa phương vẫn còn tâm lý trông chờ việc hỗ trợ từ cấp trên trong việc đầu tư các công trình về kết cấu hạ tầng mà chưa quan tâm đúng mức đến việc phát huy vai trò chủ thể trong việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí gắn liền với việc phát huy ý thức cộng đồng của nhân dân, nhất là các tiêu chí về tổ chức sản xuất, y tế (chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế), môi trường và an toàn thực phẩm...; một số địa phương có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đã đạt được sau khi xã đạt chuẩn, từ đó công tác lãnh đạo, điều hành chương trình có dấu hiệu chững lại, nhiều xã không nâng chất được các tiêu chí đã đạt, thậm chí không duy trì được đủ cả 19 tiêu chí như ở thời điểm được đánh giá đạt chuẩn; kết quả xây dựng NTM giữa huyện, thành phố, thị xã chưa thật sự đồng đều nhau, có huyện chưa có xã đạt chuẩn NTM (huyện Tân Phú Ðông)...

Theo đồng chí Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, để tạo đột phá và xây dựng sức sống cho phong trào NTM cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đưa phong trào chung sức xây dựng NTM đi vào chiều sâu, tiếp tục chuyển nhanh từ "lượng" sang "chất"; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp yêu cầu mới, nhất là "chính sách nguồn lực đầu tư", quan tâm các xã còn nhiều khó khăn, các xã bãi ngang ven biển; tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vấn đề thu nhập, xây dựng và vận hành tốt các thiết chế văn hóa cơ sở...

Với quan điểm xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chương trình có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM đã đạt trong giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở đăng ký của UBND các huyện, thành phố, thị xã và đề xuất của Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh; UBND tỉnh Tiền Giang đang xem xét lựa chọn ở mỗi huyện một xã (trừ huyện Tân Phú Ðông do chưa có xã được công nhận đạt chuẩn NTM) để hướng dẫn, hỗ trợ phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao trong giai đoạn 2019 - 2020; phấn đấu trong năm 2020 có từ 8 đến 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

Nguồn: nhandan.com.vn