Thanh Hóa: Bảo đảm môi trường tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới

09/07/2020 10:25
  • Print
  • Lượt xem: 2033

Môi trường là tiêu chí số 17 nằm trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Tiêu chí môi trường giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng. Bởi vậy, các xã luôn chú trọng việc bảo đảm tiêu chí môi trường, nhất là tại các xã sau đạt chuẩn NTM.


Đường làng, ngõ xóm xã Điền Trung (Bá Thước) được giữ vệ sinh sạch sẽ.

Điền Trung, huyện Bá Thước được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2019. Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao và giữ vững các tiêu chí. Thời gian qua, để giữ vững tiêu chí môi trường, xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân xây dựng hố rác gia đình để phân loại rác; đồng thời, nâng cao ý thức giữ vệ sinh chung, không vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng. Bên cạnh đó, xã đã chỉ đạo, yêu cầu các tổ chức hội, đoàn thể của xã có kế hoạch định kỳ tổng vệ sinh. Mặc dù đã và đang thực hiện các giải pháp, song việc giữ vững tiêu chí môi trường trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Điền Trung, cho biết: Do là xã miền núi, địa bàn rộng, nên việc kiểm tra, giám sát cũng như định kỳ tổ chức dọn vệ sinh gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường còn hạn chế, trong khi xã chưa có bãi rác tập trung, nên việc thu gom, xử lý chủ yếu tại các gia đình, vì vậy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn xã hiện đã đạt hơn 80%, song ý thức dọn dẹp chuồng nuôi của người dân còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác vệ sinh môi trường.

Là xã vùng biển, có tỷ lệ hộ dân làm nghề chế biến thủy, hải sản nên vấn đề vệ sinh môi trường, nhất là công tác thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải từ chế biến thủy, hải sản luôn được UBND xã Quảng Nham (Quảng Xương) quan tâm. Theo đó, xã đã ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, với kinh phí 155 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, để duy trì cảnh quan xanh, sạch, UBND xã đã và đang duy trì phong trào làm vệ sinh vào ngày cuối tuần tại các cơ quan, trường học, khu dân cư; đẩy mạnh phong trào trồng hoa ven đường. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng và khu dân cư cho người dân. Ông Phạm Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, cho biết: Hiện nay, việc xử lý rác thải giữa các xã không đồng đều, dẫn đến tình trạng rác ở xã này bị đưa sang xã khác, đây cũng là nguyên nhân việc xử lý rác thải ở những khu vực giáp ranh và bờ biển không được giải quyết dứt điểm, khiến cho tiêu chí môi trường tại địa phương thiếu sự bền vững.

Bà Nguyễn Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Khảo sát thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn còn phổ biến ở nhiều xã, tiêu chí môi trường còn thiếu tính bền vững. Do vậy, để giúp các xã đã đạt chuẩn NTM giữ được tiêu chí môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có công văn đề nghị UBND các huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; đồng thời, chỉ đạo các xã xây dựng và thực hiện kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng thực hiện tiêu chí môi trường, bảo đảm tính bền vững.


Nguồn: baothanhhoa.vn