Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hải Dương và UBND tỉnh Đồng Tháp có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo huyện Gia Lộc, huyện Tháp Mười tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.
Trong những năm qua, toàn huyện Gia Lộc đã huy động hơn 2.324 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Tất cả 92,609 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. 100% đường trục thôn được bê tông hóa với tổng 180,217 km. Tất cả đường ngõ xóm được cứng hóa, sạch, không lầy lội vào mùa mưa. 61/71 trường học của huyện đạt chuẩn quốc gia…
Gia Lộc đã hình thành 64 vùng chuyên canh rau màu với tổng diện tích hơn 800 ha và 60 vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Các vùng chuyên canh này đã góp phần đưa giá trị bình quân trên một ha đất canh tác đạt 224 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 51,61 triệu đồng/năm, tăng 37,81 triệu đồng/người so với năm 2010.
Qua 9 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Tháp Mười đã huy động sự đóng góp của nhân dân trong huyện trên 1.010 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển sản xuất và thay đổi diện mạo nông thôn; cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47 triệu 300 ngàn đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,97% năm 2011 xuống còn 2,45%.
Đến nay, huyện Tháp Mười có 12/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Nguồn: baochinhphu.vn