Nhiều cầu bê-tông được cán bộ, nhân dân xã Phú Long (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) thực hiện. Ảnh: MỸ HẠNH
Qua đó, phát huy được sự tích cực, chủ động của nhân dân, huy động được các nguồn lực từ doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, ngoài tỉnh đóng góp khối lượng lớn tiền, đất đai và ngày công lao động để phục vụ công tác an sinh xã hội và giúp các địa phương nhanh chóng hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, nhất là những tiêu chí khó. Cũng từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, thể hiện sự năng động, sáng tạo trong công tác vận động nhân dân, đem lại hiệu quả thiết thực như: Giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giải quyết những vấn đề bức xúc từ cơ sở, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh.
Đến cuối tháng 9-2020, tỉnh An Giang có 61 trong số 119 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, ba trong số 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; ba trong số 11 huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (hoàn thành sớm hơn một năm so với Nghị quyết đề ra). Tỉnh cũng đã vận động nhân dân tập trung đất đai sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, giảm dần diện tích trồng lúa, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, rau màu, cây ăn trái gắn với ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư... Qua đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 30,9 triệu đồng/năm (giai đoạn 2011 - 2015) lên 46,8 triệu đồng/năm (giai đoạn 2016 - 2020), hộ nghèo giảm bình quân 1,5 %/năm, còn 1,93% năm 2020. Phát huy kết quả đạt được, Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông và quan tâm đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; nắm chắc tình hình cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
* Giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Vĩnh Long tập trung phát triển đồng bộ về cơ cấu và tổ chức hoạt động của hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo của thị trường lao động quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục huy động nguồn lực và chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các đối tượng lao động yếu thế, đào tạo nghề phục vụ xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp… Tỉnh dự kiến giáo dục nghề nghiệp cho 365.500 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của tỉnh vào cuối năm 2030 đạt 75%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%.
Công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng luôn được tỉnh quan tâm bằng nhiều hình thức: Đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng; doanh nghiệp tuyển dụng, bao tiêu sản phẩm; tư vấn tự tạo việc làm, vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh; đào tạo nghề gắn với tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ngày càng hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề; tăng cường tư vấn cho người dân chọn nghề học phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp các đơn vị kiểm tra việc triển khai quy trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với chương trình, dự án, chính sách có liên quan; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt việc phân luồng cho học sinh trung học cơ sở, tư vấn giúp học sinh lựa chọn ngành nghề học phù hợp trước khi tham gia thị trường lao động.
Nguồn: TTXVN