Đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Tiền Giang

22/12/2020 11:50
  • Print
  • Lượt xem: 3973

Xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự được giữ vững.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mục tiêu cụ thể, tiếp tục giữ vững và nâng chất đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện đạt chuẩn nông thôn mới/đơn vị hành chính cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Có 100% số xã trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới; có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Có 100% đơn vị cấp huyện (11/11 đơn vị cấp huyện) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hoặc đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ và có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đến cuối năm 2025 tăng thêm ít nhất 1,6 lần so với năm 2020; Tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm theo chuẩn của từng giai đoạn; Tỷ lệ hộ có nước hợp vệ sinh đạt 100% và có ít nhất 80% số hộ sử dụng nước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Về nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2021 - 2025, dự kiến là: 62.862,613 tỷ đồng. Trong đó:

Ngân sách đề xuất Trung ương hỗ trợ là 1.673,000 tỷ đồng. Cụ thể (được tính trên cơ sở dự kiến tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực do Trung ương hỗ trợ thực hiện giai đoạn 2021 - 2025): Vốn đầu tư phát triển: 1.373 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp kinh tế: 300 tỷ đồng.

Ngân sách tỉnh là 2.000 tỷ đồng và ngân sách huyện/xã là 1.209,063 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác là 500 tỷ đồng. Vốn doanh nghiệp là 500 tỷ đồng. Vốn huy động trong cộng đồng dân cư là 6.980,550 tỷ đồng và Vốn tín dụng: 50.000 tỷ đồng.

Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền nhằm quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị là xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc; xây dựng nông thôn mới phải được thực hiện thường xuyên, liên tục gắn liền với hoạt động lãnh đạo, điều hành của toàn bộ hệ thống chính trị của mỗi địa phương nhằm mục tiêu duy nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; đảm bảo gia tăng sự hài lòng và đồng thuận của người dân và phải phát huy cho được vai trò chủ thể cũng như ý thức cộng đồng của nhân dân để kết quả xây dựng nông thôn mới thực sự thiết thực và bền vững.

Thứ hai, từng sở, ngành phải có kế hoạch hỗ trợ các địa phương cũng cố nâng chất từng tiêu chí đặc biệt là các tiêu chí như: Nhà ở, Thu nhập, Tổ chức sản xuất, Y tế, Môi trường và an toàn thực phẩm,... đồng thời tăng cường công tác kiểm tra và đánh giá kết quả duy trì và nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Kết quả này phải được đánh giá đúng mức và đưa vào trong kết quả xét thi đua hàng năm theo quy định tại Công văn số 3743/UBND-NCPC ngày 30/8/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện tính điểm xã nông thôn mới vào kết quả thực hiện chỉ tiêu thi đua kinh tế - xã hội năm 2019 và những năm tiếp theo.

Thứ ba, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp làm cơ sở để huy động các tốt các nguồn lực ngoài ngân sách đồng thời tổ chức lại sản xuất cũng như gia tăng ý thức cộng đồng của cư dân nông thôn.

Thứ tư, thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng dự án liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận với các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất.

Thứ năm, tăng cường công tác hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với chuỗi liên kết, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ hợp tác, thành lập các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 và đảm bảo hoạt động đúng thực chất. Đẩy mạnh công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức các cấp trong thực hiện Chương trình; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho các lãnh đạo của hợp tác xã, tổ hợp tác.

Thứ sáu, thực hiện tốt việc lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các Chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn; nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Chương trình và ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở các xã. Trong đó ưu tiên hoàn thiện hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như: đường giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống công trình cung cấp điện, nước sinh hoạt nông thôn,…

Thứ bảy, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, bố trí đủ số lượng, nâng cao tính chuyên nghiệp, phát huy hiệu quả chức năng tham mưu, điều phối của cơ quan giúp việc; trong đó Trưởng ban Chỉ đạo cấp huyện, xã phải là Bí thư cấp ủy cùng cấp.

 

Anh Cao