Xây dựng nông thôn mới từ sự đồng thuận của Nhân dân

05/01/2020 01:28
  • Print
  • Lượt xem: 3451

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng NTM) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã nhận được sự đồng thuận hưởng ứng của Nhân dân.

Xác định rõ sự đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền địa phương cho đến từng người dân là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, làm cho dân hiểu, dân tin và nhận thức được trách nhiệm cũng như quyền lợi trong xây dựng NTM ở địa phương.

Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực. Người dân các khu dân cư đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào đồ án, đề án quy hoạch nông thôn mới của xã; tích cực phát triển kinh tế; tự giác thực hiện các phần việc do nhân dân làm, tự nguyện tham gia đóng góp tiền, vật tư, vật liêu, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng công trình hạ tầng nông thôn thay vì trông chờ ỷ lại Nhà nước.

Nhân dân tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn

Là một trong những hộ có đóng góp tích cực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở địa phương, gia đình ông Đinh Ngọc Duy (thôn Bản Vọt, xã Hòa Mục, huyện Chợ Mới) đã hiến 216 m2 đất và hỗ trợ cho thôn 50 triệu đồng kinh phí san lấp mặt bằng xây dựng nhà văn hóa thôn. Để nhà văn hóa thôn phát huy hiệu quả, phục vụ nhu cầu sinh hoạt chung của thôn, gia đình ông còn đầu tư trang thiết bị cho nhà văn hóa thôn như: Mua bàn ghế cho hội trường thôn với số tiền 116 triệu đồng, mua thiết bị âm thanh, máy chiếu và một số nội thất khác với số tiền 100 triệu đồng.

Mặc dù là một xã khó khăn nhưng 10 năm qua, nhân dân xã Dương Phong, huyện Bạch Thông đã hiến 2.114 m2 đất; tiền mặt: 545 triệu đồng; đóng góp được hơn 6000 ngày công lao động để làm các đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội… Tích cực phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của xã đã tăng từ 14 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 30 triệu đồng/năm (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,29%; trên 90% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Là xã thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ điểm xuất phát thấp nhưng đến nay, xã đạt 16/19 tiêu chí NTM.

Theo báo cáo của UBND tỉnh sơ kết 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ năm 2010 đến nay, người dân trong toàn tỉnh đã hiến được trên 302.523 m2 đất; đóng góp ngày công lao động và hiện vật quy ra tiền được trên 214,9 tỷ đồng và đóng góp bằng tiền mặt được trên 24 tỷ đồng để thực hiện Chương trình, góp phần quan trọng vào thực hiện các tiêu chí nhóm hạ tầng kinh tế - xã hội.

Là địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh, huyện Bạch Thông đã có 04 xã: Quân Bình, Cẩm Giàng, Quang Thuận, Tân Tiến đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra). Năm 2019 huyện phấn đấu hoàn thành thêm xã Phương Linh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 5 xã, chiếm 31,25% tổng số xã, đạt mục tiêu tỉnh đề ra đối với huyện Bạch Thông. Những kết quả đó là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện; đặc biệt là người dân đã phát huy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến tháng 9/2019, nhân dân các địa phương đã đóng góp 140.200 ngày công và vật liệu là hơn 150 m3 gỗ; 12,2 tỷ đồng tiền mặt; hiến đất được 66.000 m2; huy động của các doanh nghiệp đóng góp được 1,116 tỷ đồng.

Tham gia xây dựng nông thôn mới, người dân các địa phương đã nhận thức được muốn thay đổi cuộc sống của chính mình và gia đình cần tự lực vươn lên, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Nhiều nông dân dám nghĩ dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới cho thu nhập cao. Nhiều hộ dân đã liên kết lại để thành lập các HTX để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn. Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, tại các địa phương đã xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao, nhiều sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cạnh tranh trên thị trường… Từ đó, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các tiêu chí nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất.

Người dân xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả cam, quýt nâng cao thu nhập

Bên cạnh việc phát triển sản xuất, người dân còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động ở địa phương nhằm hoàn thành các tiêu chí NTM như giữ gìn vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, ao, khuôn viên; giữ gìn an ninh trật tự… Đặc biệt, là thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với kết quả tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa tăng dần qua các năm. Nếu như 2010 tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 46,10% thì đến năm 2018 đạt 85,1% (tăng 39% so với năm 2010); tỷ lệ “Khu dân cư văn hóa” năm 2010 chỉ đạt 25,19% thì năm 2018 đạt 71,4% (tăng 46,21% so với năm 2010). Các hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm; hoạt động sinh hoạt văn nghệ, thể thao thường được diễn ra chủ yếu ở 82,2% thôn, bản, tổ dân phố, góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM không chỉ từ sự đồng thuận của người dân nông thôn mà có sự đồng thuận chung sức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh. Từ năm 2015 đến nay, đã có trên 50 xã khó khăn được các cơ quan, đơn vị của tỉnh giúp đỡ xây dựng NTM, tiêu biểu như Sở Tư pháp, Sở Công thương, Tỉnh đoàn… Trước năm 2015, cán bộ, công chức, viên chức Sở Tư pháp đã quyên góp số tiền gần 10.000.000 đồng xây dựng một cây cầu tại thôn Nà Cà, xã Chu Hương; đóng góp tiền và cử đoàn viên tham gia làm đường bê tông tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, đường liên thôn xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, xây kè tại xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn. Từ năm 2015 đến nay, nhận hỗ trợ xã Đồng Phúc (huyện Ba Bể) xây dựng NTM, Sở Tư pháp đã hỗ trợ xã số tiền 70 triệu đồng và cử nhiều công chức, viên chức tham gia đóng góp công sức cùng nhân dân xã xây dựng các công trình nông thôn mới như: Sửa chữa cống thoát nước thôn Lủng Mình; cải tạo đường nước sạch thôn Nà Khâu; làm đường điện phân trường mầm non thôn Nà Phạ; cải tạo cống thoát nước thôn Cốc Coọng; làm đường bê tông nội thôn tại thôn Tẩn Lượt; xây dựng nhà họp thôn cho thôn Nà Thẩu. Ngoài ra, Sở Tư pháp thường xuyên tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân; tích cực thực hiện các chương trình tình nguyện góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương…

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm phát huy mạnh mẽ nội lực sức dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu xây dựng nông thôn mới./.


Nguồn: https://backan.gov.vn/