Vĩnh Phúc: Những thuận lợi và khó khăn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

25/11/2019 10:59
  • Print
  • Lượt xem: 8292

Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 là Chương trình kinh tế - xã hội lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện; có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tổ chức bộ máy chỉ đạo được thành lập từ Trung ương đến cơ sở. Trong quá trình tổ chức triển khai Chương trình, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Đặc biệt, Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới là căn cứ quan trọng để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện.

Trước khi có chủ trương về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa việc thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, quyết định. Do đó, khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được kế thừa kết quả sau hơn 04 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, như: Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, nhiều tiêu chí nông thôn mới của các xã đã đạt chuẩn hoặc cơ bản đạt chuẩn ở giai đoạn này.

Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân trong tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Vĩnh Phúc cũng gặp phải không ít khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Cụ thể:

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và nền kinh tế trong nước bị suy thoái, thị trường bất động sản trầm lắng, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc phá sản gây ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của người lao động và nguồn thu ngân sách của các địa phương. Đặc biệt, năm 2012 là năm tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo 20 xã điểm, cũng là năm kinh tế của tỉnh gặp khó khăn nhất kể từ khi tái lập tỉnh, do vậy, việc huy động nguồn lực cho Chương trình gặp nhiều khó khăn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai trên phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng, trong khi chưa có mô hình mẫu, kinh nghiệm để các địa phương học tập, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm; thời gian đầu thực hiện Chương trình một số địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Để đạt các tiêu chí nông thôn mới, nhu cầu về nguồn lực rất lớn, nhất là về vốn. Trong khi đó, cùng một lúc, tỉnh cần phải đầu tư phát triển cho nhiều nội dung, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, do đó chưa thể đáp ứng đầy đủ, kịp thời kinh phí theo cơ chế của Hội đồng nhân dân tỉnh cho các địa phương thực hiện Chương trình. Đời sống người dân nông thôn ở một số vùng trong tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn lực đóng góp của nhân dân còn hạn chế.

Một số quy định, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới của Chính phủ và một số bộ, ngành Trung ương chưa phù hợp thực tiễn, nhưng chưa được sửa đổi kịp thời, làm ảnh hưởng đến tiến độ và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Tiếp đến, công tác tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu biết về chủ trương xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn hạn chế, làm hình thức. Một bộ phận cán bộ, đảng viên trách nhiệm chưa cao, thiếu quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt trong những năm đầu thực hiện Chương trình…

 

Tuệ Mẫn