Vai trò của Văn phòng Chỉ đạo nông thôn mới tại tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2020

11/12/2019 14:17
  • Print
  • Lượt xem: 2175

Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được UBND tỉnh Hòa Bình thành lập theo Quyết định số 1782/QĐ-UBND ngày 28/9/2011 và phê duyệt danh sách cán bộ của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2010 - 2020 tại Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 11/01/2013.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Phạm Thị Tuyết tham luận tại Hội thảo
“Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” ngày 9/12.

Theo Quyết định số 35/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hòa Bình, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Chánh Văn phòng điều phối thường trực là Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, thành viên là cán bộ, lãnh đạo các phòng thuộc các sở, ban, ngành liên quan và công chức Chi cục Phát triển nông thôn.

Tham luận tại Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình Phạm Thị Tuyết cho biết, Văn phòng Điều phối nông thôn mới với vị trí, chức năng giúp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; đồng thời, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan thường trực Chương trình. Văn phòng Điều phối được đặt tại Chi cục Phát triển nông thôn.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới có nhiệm vụ, quyền hạn, xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá việc thực hiện Chương trình; tham mưu xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ các nguồn vốn huy động khác để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; theo dõi, tổng hợp, báo cáo, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; lập dự toán kinh phí hàng năm cho hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh và hoạt động của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và cơ chế phối hợp hoạt động liên ngành để thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn tỉnh; tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo tỉnh trong việc hướng dẫn, đôn đốc tiến độ triển khai nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo và tiến độ thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh để báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện các mô hình, dự án về bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm; tổ chức công tác thông tin truyền thông về xây dựng nông thôn mới; chuẩn bị nội dung, chương trình cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Ban Chỉ đạo tỉnh và các báo cáo theo yêu cầu của Trưởng ban Ban Chỉ đạo; quản lý kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện đã được thành lập và hoạt động chuyên trách theo đúng quy định tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Vị trí, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Điều phối nông thôn mới huyện do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện làm cơ quan thường trực (riêng thành phố Hòa Bình do Phòng Kinh tế làm cơ quan thường trực), thực hiện chức năng giúp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia các huyện, thành phố quản lý và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo phân công nhiệm vụ của Chủ tịch UBND huyện, thành phố.

Đối với công chức cấp xã chuyên trách, có nhiệm vụ quyền hạn giúp Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xã theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình về thực hiện Chương trình trên địa bàn xã, xây dựng kế hoạch.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Tuyết đánh giá, trong thời gian qua Văn phòng Điều phối đã hoàn thành các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và UBND tỉnh giao. Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh nhiều phương án, kế hoạch và văn bản chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Đề xuất và dự thảo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của tỉnh, như: Nghị quyết số 80/2017/NQ-HĐND ngày 08/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Nghị quyết số 51/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh; Quyết định phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới của Chủ tịch UBND tỉnh; Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh; Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tỉnh; Quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.

Đồng thời, chủ trì tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Biên tập Sổ tây hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Sổ tay hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu giai đoạn 2018 - 2020.

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị về nội dung, chương trình làm việc tại các cuộc họp giao ban định kỳ và đột xuất chương trình làm việc, kiểm tra tại các huyện, thành phố của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Chuẩn bị tốt kế hoạch, nội dung chương trình để làm việc với các đoàn công tác của Trung ương, các tỉnh bạn đến làm việc, tìm hiểu, tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Bên cạnh đó, còn phối hợp với Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới cho học viên là cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã và thôn, bản. Tiếp tục biên soạn, in ấn và phát hành các tài liệu về xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức.

Ngoài ra, tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm cho đại biểu là cán bộ Văn phòng Điều phối nông thôn mới các huyện, xã tham gia nhằm học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới trong việc tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp.

Tổng hợp, chuẩn bị tốt nội dung các cuộc họp thẩm định xét đạt chuẩn nông thôn mới hàng năm theo kế hoạch; Hướng dẫn, phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới các huyện tổ chức công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo tiết iện, trang trọng và đúng quy định.

Nhìn chung, Văn phòng Điều phối các cấp đã phát huy tốt chức năng điều phối các hoạt động của Chương trình, phối kết hợp các hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể các cấp gắn với thực hiện các nội dung của chương trình. Đến nay, tỉnh Hòa Bình có 82/191 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 42,9% tổng số xã của tỉnh, tăng 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới so với năm 2011 và tăng 51 xã so với năm 2015; thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Lương Sơn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ Tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 02 đơn vị cấp huyện so với xuất phát điểm năm 2011 và kết quả đến hết năm 2015. Bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,01 tiêu chí/xã, tăng bình quân 10,61 tiêu chí/xã so với năm 2011; tăng bình quân 3,51 tiêu chí/xã so với kết quả đến hết năm 2015. Toàn tỉnh không có xã dưới 10 tiêu chí. Kết quả thực hiện đạt và vượt so với chỉ tiêu của tỉnh, của Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, tại Hội thảo, bà Phạm Thị Tuyết cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, như: Chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, khó thực hiện nhất là trong điều kiện một tỉnh miền núi khó khăn, xuất phát điểm thấp như tỉnh Hòa Bình. Muốn thực hiện Chương trình đạt kết quả như mong đợi cần có sự nỗ lực rất lớn, sự quan tâm và vào cuộc của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở bằng những việc làm và hành động cụ thể, thiết thực chứ không đơn thuần là công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch của cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, công tác phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo có lúc, có nơi còn hạn chế; cán bộ kiêm nhiệm Văn phòng Điều phối nông thôn mới thuộc các sở, ngành bận công việc chuyên môn chưa bố trí được nhiều thời gian thực hiện nhiệm vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới nên hiệu quả chưa cáo. Chưa có phụ cấp hỗ trợ cho công chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Từ đó, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phạm Thị Tuyết đưa ra một số đề xuất, kiến nghị, việc ban hành quy định, thống nhất mô hình chung về tổ chức bộ máy của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp theo quyết định số 1920/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết, nhưng cũng cần căn cứ vào điều kiện thực tế, cần có hướng mở cho các tỉnh có đặc thù riêng để vận dụng cho phù hợp, đảm bảo bộ máy của Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh phải là lực lượng chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp, ổn định, có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, đủ điều kiện tham mưu, điều phối thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh.

Đồng thời, để khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng nông thôn mới, ngoài chế độ chính sách được hưởng theo quy định, đề nghị có chế độ phụ cấp đặc thù đối với các thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện và xã; công chức, viên chức Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện và công chức chuyên trách nông thôn mới cấp xã và cán bộ cơ sở làm công tác xây dựng nông thôn mới.

Công tác xây dựng nông thôn mới có nhiều nội dung mới cần được học tập nghiên cứu giữa các địa phương, đơn vị có mô hình hay, hiệu quả; đề nghị quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ Văn phòng Điều phối được tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế./.

Quang cảnh Hội thảo“Mô hình bộ máy triển khai
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” ngày 9/12.

Anh Cao