Tuyên Quang thông qua Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025

22/12/2020 11:51
  • Print
  • Lượt xem: 3828

Ngày 20/11/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HĐND thông qua Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh: Nhân dân tích cực xây dựng đường bê tông nông thôn. Nguồn: nongthonmoituyenquang.gov.vn

Theo Nghị quyết, tỉnh Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, chiều dài đường giao thông nông thôn khá lớn, tuy đã được đầu tư theo các chương trình, đề án nhưng đến nay vẫn còn nhiều tuyến đường ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, đóng góp của người dân hạn chế, nguồn vật liệu không sẵn có chưa được cứng hóa; mặt khác nhiều tuyến đường đã được đầu tư nhưng với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, hệ thống cầu và công trình thoát nước chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân; đặc biệt khi mưa, bão, thường xảy ra lũ ống, nước dâng cao, đường bị ngập úng không đi lại được, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Việc ban hành, thực hiện Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường kết nối hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, sinh hoạt, bảo đảm giao thông vùng sâu, vùng xa; việc xây dựng các cầu trên đường giao thông nông thôn nhằm kết nối các tuyến đường giao thông nông thôn với các tuyến trục chính trên địa bàn, từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ và phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thương hàng hóa, kết nối liên vùng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn tại địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo đảm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Với mục tiêu, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống cầu trên đường giao thông nông thôn; tiếp tục thực hiện chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” ở những nơi có đủ điều kiện thực hiện và đảm bảo chất lượng công trình, tạo thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trong các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Phát triển, hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn đáp ứng nhu cầu đi lại thuận lợi, phục vụ sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Từ năm 2021 - 2025, đường giao thông nông thôn: Phấn đấu thực hiện bê tông hóa ít nhất 1.080km đường thôn và đường nội đồng, trong đó: Đường thôn: Bê tông hóa ít nhất 620km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường thôn trên địa bàn toàn tỉnh sau khi thực hiện đề án này đạt trên 80%. Đường nội đồng: Bê tông hóa ít nhất 460km, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh sau khi thực hiện đề án này đạt trên 60%.

Cầu trên đường giao thông nông thôn: Xây dựng ít nhất 200 cầu. Hằng năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện, nhu cầu cấp thiết của người dân và khả năng cân đối nguồn lực tài chính sẽ xem xét điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thực hiện.

Từ năm 2026 - 2030, tiếp tục đầu tư xây dựng các cầu còn lại trên đường giao thông nông thôn theo đề án.

Về phương thức thực hiện

Đối với đường giao thông nông thôn, thực hiện theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống và chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô có thể đến được; kinh phí thuê máy trộn bê tông: 20 triệu đồng/km đối với đường thôn, 15 triệu đồng/km đối với đường nội đồng; kinh phí cho công tác quản lý 02 triệu đồng/km.

Nhân dân tự nguyện hiến đất và giải phóng mặt bằng trong phạm vi thi công đường; đồng thời khảo sát từng tuyến đường, tính toán, thống nhất đóng góp ngày công lao động, máy, thiết bị phục vụ thi công, vật tư, vật liệu và tự tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng (thống nhất bằng biên bản họp thôn, tổ dân phố).

Đối với cầu trên đường giao thông nông thôn, Nhà nước đầu tư 100% kinh phí đầu tư xây dựng. Nhân dân tự nguyện giải phóng mặt bằng phạm vi xây dựng cầu và đường dẫn, đường kết nối (thống nhất bằng biên bản họp thôn, tổ dân phố).

Kinh phí thực hiện, dự kiến tổng kinh phí Nhà nước thực hiện đối với xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 là 788,0 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục đầu tư xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn với kinh phí là 364,25 tỷ đồng…

Một số giải pháp thực hiện

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, tổ dân phố trong xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn. Tăng cường sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện; kiểm tra giám sát, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông vận tải, về giải pháp khuyến khích đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; vận động nhân dân tham gia vào xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn, tự nguyện hiến đất, đóng góp vật liệu, ngày công lao động...

Thứ hai, thông qua nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyên Đề án đến các tầng lớp nhân dân, coi trọng tuyên truyền trên báo chí, trên hệ thống loa truyền thanh tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân nắm, hiểu rõ chủ trương, mục đích, hiệu quả và ý nghĩa của đề án và giải pháp thực hiện; đồng thời hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, gia đình trong quá trình tổ chức thực hiện xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn; từ đó, tạo sự đồng thuận và phong trào sâu rộng xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn trong đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Thứ ba, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, cân đối bố trí kinh phí thực hiện Đề án, trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Tăng cường năng lực cho cán bộ trực tiếp quản lý giao thông nông thôn, có chương trình đào tạo, tập huấn định kỳ cho cán bộ quản lý giao thông nông thôn các cấp.

Thứ tư, từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn. Thành lập các Tổ tự quản, xây dựng các quy định, quy chế cụ thể, tạo lập thói quen quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn. Xã hội hóa công tác quản lý, bảo trì đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn: Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp... tham gia công tác bảo trì trên địa bàn.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông khi tham gia giao thông. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn đảm bảo an toàn giao thông và hành lang an toàn đường bộ. Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, quản lý người điều khiển phương tiện vận tải, chất lượng kiểm định và quản lý phương tiện cơ giới khu vực nông thôn. Đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý vi phạm xe ô tô chở hàng quá tải, tập trung kiểm tra lưu động, kiểm tra và xử lý ngay nơi xuất phát hoặc gần khu vực kho, bến bãi, mỏ vật liệu, nơi tập kết hàng hóa lên xe ô tô. Tổ chức, quản lý các loại hình vận tải hành khách, hàng hoá và phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện địa phương vào hoạt động khai thác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương hàng hóa, vận chuyển hành khách khu vực nông thôn...

Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường. Nâng cao chất lượng giám sát và quản lý bảo vệ môi trường thực hiện đánh giá những ảnh hưởng của Đề án đến môi trường; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện các dự án nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các công trình giao thông nông thôn và phương tiện vận tải hoạt động khu vực nông thôn phải có tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng phù hợp với các yêu cầu về bảo vệ môi trường; đánh giá và có giải pháp đối với khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở cao.

 

Anh Cao