Trao bằng công nhận huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đạt chuẩn nông thôn mới

22/01/2019 10:34
  • Print
  • Lượt xem: 1637

Tối 19/1, tại Trung tâm văn hóa huyện Yên Khánh, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ công bố Quyết định công nhận huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự, phát biểu chỉ đạo và trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Dự lễ còn có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cùng đông đảo người dân địa phương.

Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia; Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bùi Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tại buổi lễ, ông Bùi Thiện Thi, Bí thư Huyện ủy Yên Khánh đã khái quát những nét chính trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Theo đó, ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình, cán bộ, đảng viên và nhân dân Yên Khánh đã vững chí, bền lòng, chủ động, quyết tâm, thi đua và giành được nhiều kết quả. Năm 2013, 3 xã đầu tiên của Yên Khánh cũng là 3 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Đến năm 2017 Yên Khánh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Khi mới thực hiện, bình quân các xã mới đạt 6/19 tiêu chí theo quy định, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém... Đến nay, qua 8 năm thực hiện, huyện đã đạt được những kết quả quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; thu nhập bình quân tăng từ 14,95 triệu đồng/người (năm 2011) lên 41,1 triệu/người (năm 2018); giá trị sản xuất/1 ha canh tác tăng cao, từ 127,5 triệu đồng/ha năm 2011 lên 137,7 triệu đồng/1 ha năm 2018.

Trên địa bàn huyện có 2 khu công nghiệp, 2 cụm công nghiệp và trên 2.300 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề đang hoạt động, tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Hoạt động dịch vụ phát triển đa dạng phong phú, tổng giá trị năm 2018 đạt 1.992 tỷ đồng. Thu ngân sách trong cân đối đạt 89,4 tỷ đồng, tăng 24,5 tỷ đồng so với năm 2011...

Trong 8 năm, huyện đã huy động được 4.625 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp 1.235 tỷ đồng. 

Với sự nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đến tháng 10/2018 huyện đã đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đều đạt và đạt cao; 96,7% hộ dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới. 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã thay mặt Đảng, Nhà nước biểu dương và chúc mừng các thành tích trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Bình và huyện Yên Khánh.

Phó Chủ tịch nước cho rằng, huyện Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới thực sự là niềm vui, niềm tự hào và là động lực tiếp tục cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch nước ghi nhận, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay, khang trang hơn, giàu đẹp hơn, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,7%... Đặc biệt, Yên Khánh là một trong số ít huyện đã xây dựng thành công mô hình dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, là địa phương đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước. 

Để tiếp tục cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Khánh phát huy kết quả đạt được, tiếp tục tạo bước đột phá to lớn hơn về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; khắc phục những điểm còn hạn chế, tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh, huyện đã đề ra trong năm 2019.

Huyện Yên Khánh cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động, đó là phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, phong trào doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển và phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tỉnh cần vận dụng, tổ chức một cách linh hoạt, sáng tạo, khơi dậy sức mạnh của tập thể và cộng đồng dân cư để các phong trào thực sự thành công, để nhân dân thực sự là chủ thể trong phong trào xây dựng nông thôn mới; huyện và tỉnh cần mạnh dạn đầu tư xây dựng một số xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó chú trọng không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân, quyết tâm giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, tiếp tục kiện toàn hệ thống chính trị, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở vừa hồng vừa chuyên, thực sự là công bộc của dân.

Nguồn: baotintuc.vn