Thừa Thiên - Huế: Kết quả đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội cho cán bộ, công chức xã

10/12/2019 16:25
  • Print
  • Lượt xem: 2026

Theo Báo cáo số 876/BC-SNV ngày 19/7/2019 của Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở của tỉnh nói chung và chính quyền cơ sở nói riêng đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đã cùng với Nhân dân tạo nên những thành tựu đổi mới và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, góp phần giữ vững và ổn định chính trị.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 01 thành phố, 02 thị xã và 06 huyện), có 152 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 105 xã, 39 phường, 08 thị trấn); toàn tỉnh hiện có 3.360 cán bộ, công chức và 3.125 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp và đạt tiêu chuẩn trở lên. Đến nay, 1.774 (99,27%) công chức cấp xã và 1.513 (96,18%) cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 66,51% cán bộ, công chức có trình độ trung cấp, cao cấp lý luận chínht rị (2.235 người); 2,97% có trình độ cử nhân chính trị, cao cấp lý luận chính trị (96 người). Đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có trình độ chuyên môn, nghệp vụ từ trung cấp trở lên chưa cao; trình độ lý luận chính trị cao cấp, trung cấp đạt tỷ lệ thấp.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong thực thi công vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử… Vẫn còn 59 cán bộ cấp xã (3,7%) và 13 công chức cấp xã (0,73%) chưa qua đào tạo về trình độ chuyên môn và 1.029 cán bộ, công chức (30,62%) chưa qua đào tạo về trình độ chính trị. Xét về chất lượng, số lượng và cơ cấu có nhiều mặt chưa ngang tầm với đòi hỏi của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tinh thần trách nhiệm, tinh thần hợp tác và phong cách làm việc của đội ngũ này còn hạn chế và chậm đổi mới.

Để cải thiện hơn nữa chất lượng và số lượng cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc thực hiện tốt việc quy hoạch cán bộ cấp xã, tuyển dụng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã thì công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức xã đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Thực hiện chủ trương và chỉ đạo cảu Chính phủ, Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; trong 10 năm qua, Sở Nội vụ đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở đào tạo triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt được một số kết quả như sau:

Từ năm 2010 đến năm 2018, Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã và đã cử 2.457 lượt cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức xã. Trong đó: số lượng cán bộ, công chức xã được đào tạo trình độ trung cấp trở lên là 205 lượt và số lượng cán bộ, công chức xã được bồi dưỡng các nội dung chương trình do Bộ Nội vụ ban hành là 2.252 lượt. Cụ thể: Năm 2010, tổ chức 280 lượt,; năm 2011, tổ chức 195 lượt; năm 2012, tổ chức 150 lượt; năm 2013, tổ chức 539 lượt; năm 2014, tổ chức 470 lượt; năm 2015, tổ chức 344 lượt; năm 2016, tổ chức 130 lượt; năm 2017, tổ chức 164 lượt; năm 2018, tổ chức 185 lượt.

Từ năm 2012, sau khi các Bộ, ngành Trung ương ban hành chương trình khung về bồi dưỡng cán bộ, công chức xã và tổ chức các đợt chuyển giao về nội dung các bộ tài liệu, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử 35 cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành và giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tham gia các đợt tập huấn chuyển giao tài liệu theo chương trình của Bộ Nội vụ. Cuối năm 2018, Sở Nội vụ đã cử cán bộ theo dõi lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cùng với giảng viên Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh đi tiếp thu các bộ tài liệu bồi dưỡng chuyên sâu cho các chức danh cán bộ, công chức xã do Bộ Nội vụ tổ chức để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức nâng cao kỹ năng cho cán bộ, công chức xã giai đoạn tiếp theo.

Nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng từng bước được đổi mới theo hướng tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn và trang bị cho cán bộ, công chức xã các kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở xã phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

Từ năm 2013 đến nay, thực hiện chương trình khung, bộ tài liệu của Bộ, ngành Trung ương, nội dung đào tạo, bồi dưỡng tập trung trang bị cho các chức danh cán bộ, công chức xã các kiến thức chung về pháp luật, quản lý hành chính, quản lý kinh té, quản lý văn hóa, trách nhiệm và đạo đức công vụ và các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh vị trí việc làm.

Phương pháp, hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đã từng bước được cải tiến, đổi mới theo hướng sát thực với điều kiện tình hình công tác của cán bộ, công chức ở địa bàn cơ sở, giúp cán bộ, công chức xã nhận thức, nắm bắt, tháo gỡ, xử lý, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, hầu hết số cán bộ, công chức xã sau đào tạo đều có chuyển biến về năng lực, chất lượng tham mưu, phương pháp công tác ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng không phân tán, không dàn trải mà tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, bồi dưỡng kỹ năng, tập huấn nghiệp vụ. Thời gian thực hành, làm bài tập tình huống, trao đổi, thảo luận nhóm; minh họa, hướng dẫn bằng hình ảnh trực quan chiếm thời lượng lớn; mỗi khóa học đều tổ chức khảo sát đầu vào, đầu ra và đánh giá rút kinh nghiệm cuối khóa học.

Giảng viên, báo cáo viên mời tham gia giảng dạy phần lớn là giảng viên có học hàm học vị, có kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy tích cực, truyền đạt nội dung sát với thực tế, phát huy được vai trò chủ động của học viên trong lĩnh hội vận dụng ngay kiến thức, kỹ năng đã học vào công việc đang đảm nhận tại đơn vị, địa phương đang công tác.

Nhìn chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước; đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Đội ngũ cán bộ, công chức sau khi được đào tạo có nhận thức chính trị vững vàng hơn, hiệu quả công tác được nâng lên rõ rệt.

Kế hoạch thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã những năm tiếp theo

Năm 2019, triển khai thực hiện Quyết định số 3040/QĐ-UBND ngày 27/12/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh năm 2019; thực hiện tốt chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã; Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính scáh, phân cấp thẩm quỳên nhằm thực hiện kịp thời các chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã. Sở Nội vụ sẽ tham mưu để mở 02 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch và Văn hóa - Xã hội với 200 học viên tham dự.

Những năm tiếp theo, tiếp tục thực hiện Quyết định số 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2016 - 2025, Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 05/9/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị sô 28/CT-TTg ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-UBND ngày 26/10/2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc đẩy mạnh bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã trong thời gian tới

Nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức xã, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ở địa phương. Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức xã về trách nhiệm học và tự học để không ngừng nâng cao kiến thức về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Biên soạn lại chương trình, tài liệu bồi dưỡng có cập nhật, bổ sung những nội dung mới phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tế của địa phương, bảo đảm không trùng lặp, có kết cấu phù hợp giữa lý thuyết và thực tiễn theo chương trình do Bộ Nội vụ ban hành.

Xây dựng đội ngũ giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huỵên, thị xã có cơ cấu hợp lý, có trình độ lý luận và kiến thức thực tiễn. Lựa chọn những cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành có chuyên môn công tác phù hợp với chuyên môn của 07 chức danh công chức cấp xã, có kinh nghiệm và phương pháp truyền đạt tham gia làm giảng viên và cử đi tập huấn, bồi dưỡng tài liệu theo các đợt do Bộ Nội vụ tổ chức./.

Anh Cao