Cán bộ, chiến sỹ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hương Sơn giúp nhân dân xã Sơn Long xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, với mục tiêu tổng quát của đề án là: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần, vai trò chủ thể và vị thế của cư dân nông thôn được nâng cao; kinh tế nông thôn phát triển; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nông thôn văn minh, đoàn kết, bình yên, giàu bản sắc. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh được công nhận là “Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”.
Thực hiện đề án thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, làm cơ sở thực tiễn nghiên cứu, xây dựng, ban hành các tiêu chí quốc gia về tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới để triển khai trên toàn quốc.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 13/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có ít nhất 03 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện Nghi Xuân đạt nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.
100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người. Ngành nông, lâm và thủy sản chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm (2021 - 2025). Có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% số sản phẩm đạt 5 sao.
100% số di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả; 100% số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phố biển trong cộng đồng; có ít nhất 01 di sản trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng Bắc Trung Bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn bình quân chung của vùng Bắc Trung Bộ.
Có 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; 35% số hộ gia đình có biện pháp thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp; 55% số người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, trong đó ít nhất 50% số người dân sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung; các nguồn phát sinh ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được quản lý.
Có dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn hệ thống 03 cấp (tỉnh, huyện, xã); tỷ lệ thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 75%; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt loại khá; chỉ số hài lòng cùa người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 85%.
Nhiệm vụ trọng tâm của đề án
Đối với cấp xã: Nhóm xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới (25 xã): Ưu tiên nguồn lực để 25 xã (huyện Hương Khê: 11 xã; huyện Kỳ Anh: 07 xã; huyện Hương Sơn: 05 xã; thị xã Kỳ Anh: 02 xã) hoàn thành các nội dung, tiêu chí, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023; Nhóm xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020: Củng cố, hoàn thiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trước năm 2023; Nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Tất cả các xã sau khi đạt chuẩn, đều thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao và tối thiểu 91 xã thực hiện hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trước năm 2024 theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; Nhóm xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Tập trung chỉ đạo ít nhất 20 xà đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trước năm 2025.
Đối với cấp huyện: Đối với các huyện chưa đạt chuẩn: Tỉnh Hà Tĩnh tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ 04 huyện (Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh, Hương Khê) đạt chuẩn huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với các huyện đã đạt chuẩn: Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Huyện Nghi Xuân: Tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được, phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh kết nối đô thị, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn:
Đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đảm bảo đồng bộ, kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu: Hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 phù hợp với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống giao thông (đường tỉnh) đạt chuẩn cấp IV để đảm bảo lưu thông liên huyện, kết nối giữa vùng miền núi - đồng bằng và các trung tâm đô thị của tỉnh; Nâng cấp hệ thống thủy lợi cấp tỉnh, đảm bảo đồng bộ và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thoát lũ và chống hạn hán; Xây dựng hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ và đồng bộ toàn tỉnh, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh, huyện, xã.
6 nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án
Phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, xây dựng nông thôn khá giả, giàu có: Nhiệm vụ 1: Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững; Nhiệm vụ 2: Đẩy mạnh phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, sản phẩm đặc sản gắn với Chương trình OCOP; Nhiệm vụ 3: Phát triển du lịch nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho người dân từ du lịch; Nhiệm vụ 4: Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn; Nhiệm vụ 5: Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn; Nhiệm vụ 6: Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo thấp hơn bình quân chung của vùng Bắc Trung Bộ.
Nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đời sống văn hóa của người dân nông thôn: Rà soát, xây dựng và phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường mầm non và phổ thông các cấp giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung, nâng cấp hệ thống trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập ở các cơ sở giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; Nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Bệnh viện tuyến tỉnh; Trung tâm văn hóa tỉnh, Trung tâm thề thao tỉnh Hà Tĩnh; Bảo tàng, Nhà hát nghệ thuật truyền thống, Trung tâm văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh để đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt hơn cho người dân.
Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (ca trù, dân ca ví dặm, lễ hội truyền thống...) gắn với cộng đồng; Xây dựng một số mô hình bảo tồn các di sản văn hóa - lịch sử (cả vật thể và phi vật thể) với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh.
Bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn thành các vùng quê “trù phú, hòa thuận, văn minh”: Xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân từ công trình tập trung tối thiếu đạt 50%; Củng cố, đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường các khu sản xuất tập trung; hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải, trong đó ưu tiên các làng nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tổ chức thu gom, xử lý an toàn về môi trường đối với các loại chất thải rắn (sinh hoạt, sản xuất...); xây dựng mô hình mẫu cấp huyện về hệ thống phân loại chất thải, về tái chế chất thải hữu cơ, về thu gom và xử lý chất thải nhựa, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng,...; Đầu tư, nâng cấp hệ thống các nhà máy/cơ sở xử lý rác thải tập trung quy mô huyện, liên huyện; đến năm 2023, hoàn thành 02 nhà máy lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường ở 02 khu vực: khu vực phía Bắc tại thị xã Hồng Lĩnh, huyện Lộc Hà, với công suất 300 - 500 tấn/ngày; khu vực phía Nam tại huyện Kỳ Anh, với công suất 500 tấn/ngày.
Xây dựng một số mô hình thí điểm về xử lý và bảo vệ môi trường, như: khu sản xuất sinh thái; xử lý ô nhiễm và cải tạo cảnh quan ao, hồ ở các thôn, xóm; “vành đai xanh” cho các cụm dân cư, khu/cụm công nghiệp và làng nghề; xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; một số làng nghề xanh, thân thiện môi trường gắn với các giải pháp xử lý chất thải ngay từ nguồn phát sinh; vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng nuôi trồng thủy sản tiếp cận hệ sinh thái bền vững. Xây dựng thử nghiệm mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thông minh, xã nông thôn mới thông minh.
Nâng cao chất lượng môi trường cạnh tranh, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp: Đầu tư cơ sở trang thiết bị đồng bộ kết nối 11 đơn vị cấp huyện (thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê và 188 đơn vị cấp xã tại các đơn vị cấp huyện trên) để phục vụ công tác quản lý nhà nước; Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống dịch vụ công mức độ 4 liên thông (tỉnh - huyện - xã);
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, xử lý công việc, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ, trao đổi công việc trên môi trường mạng; Thực hiện tốt việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn: Tập trung lực lượng, mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, từng bước kiềm chế, làm giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn, góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng mới, củng cố và nhân rộng các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự.
Nguồn vốn thực hiện đề án bao gồm vốn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương; các nguồn vốn hợp pháp khá.
Anh Cao