Tăng thu nhập, giảm nghèo tại các xã nông thôn mới

04/01/2020 23:27
  • Print
  • Lượt xem: 2308

Quá trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập là mục tiêu các xã XDNTM của thành phố hướng đến. Chính vì vậy, mục tiêu nâng chất tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về hộ nghèo luôn được các xã đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương, đây là những tiêu chí khó đạt, nhưng dễ “tuột”, đòi hỏi các xã có sự quyết tâm, lộ trình rõ ràng.

Nỗ lực

Trong Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí 11 về hộ nghèo thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. 2 tiêu chí này được xem là tiêu chí đặc biệt quan trọng trong hành trình XDNTM, bởi mục tiêu hàng đầu của Chương trình XDNTM là nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập và giảm nghèo cho người dân. Ngoài ra, 2 tiêu chí này có ảnh hưởng và tác động qua lại đối với việc thực hiện các tiêu chí khác trong nhóm: lao động có việc làm và tổ chức sản xuất. Chính vì vậy, TP Cần Thơ đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện thu nhập cho người dân nông thôn; hỗ trợ, vận động giúp đỡ người nghèo nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Sau hơn 9 năm XDNTM, kết quả thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 45,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 2,06%.

Mô hình nuôi dê cho thu nhập khá cao tại xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh.

Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn thành phố tập trung, chủ động đổi mới cách tiếp cận, các giải pháp hỗ trợ nhằm tiến tới thực hiện giảm nghèo bền vững. Trên cơ sở hoàn thành việc điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều, phân tích nguyên nhân nghèo để phân loại đối tượng và có hướng hỗ trợ phù hợp... Ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Để giảm nghèo bền vững, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các đoàn thể tổ chức các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; kết hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất, mua bán nhỏ, giải quyết việc làm để vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, chương trình nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, các Hội, đoàn thể xây dựng 182 căn nhà cho hội viên nghèo, gặp khó khăn về nhà ở với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện tại không còn nhà tạm, dột nát”.

Theo ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, việc hoàn thành và nâng chất tiêu chí thu nhập, hộ nghèo thời gian qua gắn chặt với việc hỗ trợ, khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi như trồng màu, nuôi trồng thủy sản; chuyển dần từ sản xuất tự phát sang liên kết sản xuất có kế hoạch; tổ chức sản xuất hàng hóa chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường. Đối với cây trồng chủ lực của huyện- cây lúa, ngành nông nghiệp huyện vận động và định hướng nông dân sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”; tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để có điều kiện tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ rệt, thu nhập của người dân cũng được nâng lên và hiện đạt mức 46,5 triệu đồng/người/năm.

Tập trung cao độ

Tính đến thời điểm này, thành phố đã có 100% số xã (36 xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Điều này có nghĩa 36 xã đều đạt tiêu chí về hộ nghèo và thu nhập. Tuy nhiên, việc giữ vững và nâng chất các tiêu chí, trong đó có tiêu chí thu nhập là áp lực lớn. Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 xác định, chỉ tiêu thu nhập phải đạt ≥ 50 triệu đồng/người/năm vào năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo từ quý IV năm 2016 phải đạt ≤ 4%. Trong khi đó, theo đánh giá từ phía các địa phương, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, xuất phát điểm của các xã thấp thì việc duy trì việc đạt 2 tiêu chí này phải được đặc biệt quan tâm nếu không sẽ rất dễ bị giảm chất lượng.

Hiện tại, các huyện, xã XDNTM trên địa bàn thành phố đã chủ động đề ra kế hoạch và thể hiện sự quyết tâm của mình trong hành trình nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân. Trong đó, khâu tổ chức lại sản xuất được đặt lên hàng đầu. Ông Nguyễn Thành Út, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, cho biết: “Nhằm củng cố và nâng chất 2 tiêu chí này, huyện chỉ đạo các xã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trọng tâm là phát triển sản xuất để ổn định vào tạo thêm thu nhập cho bà con. Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình phi chính phủ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn”.

Theo ông Đoàn Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố đang triển khai là cơ hội cho các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của huyện (gạo My Hậu, rượu Đinh Lăng, chả lụa Thạnh An…). Vì vậy huyện sẽ bám sát tiến độ thực hiện Chương trình này để thúc đẩy liên kết sản xuất do chính người dân quản lý, làm chủ công nghệ, sở hữu nhãn hiệu hàng hóa và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, khẳng định: Mục tiêu của XDNTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và khi người dân giàu rồi thì họ mới có điều kiện đóng góp ngược lại cho XDNTM. Vì vậy, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục với các sở ngành hữu quan trong việc thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất… Ngoài ra, thành phố cũng cần đa dạng việc huy động vốn trong và ngoài nước (vốn ODA, các định chế tài chính…) phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế- xã hội và công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn; đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, sản phẩm tín dụng để các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững…


Nguồn: https://baocantho.com.vn/