Sóc Trăng: Kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020

11/12/2019 15:38
  • Print
  • Lượt xem: 3528

Đảng và Nhà nước ngày càng đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, chỉ đạo quyết liệt và dành nhiều nguồn lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đảm bảo kế hoạch, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. 

Tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể  trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
(Ảnh: nongthonmoi.soctrang.gov.vn)

Theo Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng, tính đến thời điểm hiện tại, số tiêu chí bình quân/xã của tỉnh Sóc Trăng là 15,69 tiêu chí (tăng 1,89 tiêu chí).

Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới: 37/80 xã, còn lại 43 xã đạt như sau: Đạt 17 tiêu chí: 02 xã; Đạt 16 tiêu chí: 03 xã; Đạt 15 tiêu chí: 06 xã; Đạt 14 tiêu chí: 11 xã; Đạt 13 tiêu chí: 11 xã và Đạt 12 tiêu chí: 10 xã.

Về kết quả thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới, theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ 12, đến năm 2020 toàn tỉnh có 02 đơn vị đạt huyện nông thôn mới, gồm: Huyện Mỹ Xuyên và thị xã Ngã năm. Các huyện nông thôn mới đạt được như sau:

Huyện  Mỹ Xuyên, có 08/10 xã đạt chuẩn. Còn lại 02 xã, gồm: Xã Thạnh Phú đạt 17 tiêu chí (tiêu chí số 5 về trường học và số 11 về hộ nghèo chưa đạt) và Xã Thạnh Quới đạt 16 tiêu chí (tiêu chí số 10 về thu nhập, số 11 về hộ nghèo và số 16 về văn hóa chưa đạt).

Đồng thời, đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới (còn lại 03 tiêu chí: quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục chưa đạt).

Thị xã Ngã năm, có 3/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn lại 02 xã, gồm: Xã Mỹ Bình đạt 17 tiêu chí (tiêu chí số 10 về thu nhập, số 11 về hộ nghèo chưa đạt) và Xã Vĩnh Quới đạt 16 tiêu chí (tiêu chí số 5 về trường học số 10 về thu nhập, số 11 về hộ nghèo chưa đạt).

Hiện nay, 02 đơn vị cấp huyện đang tập trung chỉ đạo và đăng ký, phấn đấu đến quý IV/2019 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí và lập hồ sơ thủ tục, trình Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

Nhìn chung, nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, của Ban thường vụ Tỉnh ủy, nhất là sau Hội nghị sơ kết 03 năm tổ chức vào tháng 8/2018; sự kiểm tra sát sao tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự chủ động của các địa phương trong thực hiện các Bộ tiêu chí nông thôn mới, những kết quả đạt được trong những năm qua cơ bản đã đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chương trình; đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu về thời gian và số lượng chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ 12 đề ra là đến năm 2020 có 02 đơn vị cấp huyện, 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 15 tiêu chí trở lên.

Ban chỉ đạo tỉnh đã nghiêm túc, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình trên cơ sở những thành quả đã đạt được, bài học kinh nghiệm từ giai đoạn trước, trong đó chú trọng quán triệt, chấn chỉnh, đổi mới phương thức thực hiện các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình cho cả giai đoạn 2016 - 2020.  Nhờ vậy, đến nay, cả tỉnh đã có 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn bình quân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long 5,3%.

Nông thôn từng bước phát triển theo quy hoạch, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh và hiện đại, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch ... đã cơ bản phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin thị trường, các dịch vụ xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Mức sống của người dân từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (bình quân mỗi năm giảm trên 3%, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giảm trên 4,5%), thu nhập tăng 6,48 triệu đồng/người/năm; điều kiện về y tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, đảm bảo phục vụ tốt cho nhân dân; cảnh quan môi trường nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhất là ở các địa phương đang trong quá trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo thực hiện tốt việc ưu tiên tập trung nguồn vốn xổ số kiến thiết kết dư để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho huyện Mỹ Xuyên và 17 xã đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.

Sự đổi mới tư duy, phương thức triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, thực chất, phát huy tính chủ thể của người dân. Đặc biệt là việc ban hành tiêu chí hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới hướng đến phát triển tinh thần cộng đồng, tự lực, chăm chỉ, hợp tác của chính người dân tự vươn lên với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, xây dựng nông thôn mới bền vững tại địa phương. Qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động từ cán bộ đảng viên đến quần chúng nhân dân.

Đã mạnh dạn thực hiện cơ chế nhà nước hỗ trợ 50% ngân sách nếu các địa phương vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp 50% phần còn lại. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - vã hội thay đổi phương thức vận động, tuyên truyền, phát huy thực chất phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã huy động vốn cộng đồng dân cư thực hiện theo cơ chế này được 32.265 triệu đồng.

Riêng đối với cán bộ, công chức của tỉnh đã nâng cao chất lượng lên một bước đáng kể. Tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ cán bộ, công chức đạt chuẩn của các xã là 81,8%, nhưng đến tháng 6/2019, tỷ lệ cán bộ, công chức đạt chuẩn của các xã là 93,32%.

Báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Sóc Trăng cũng thẳng thắn nêu ra một số hạn chế, tồn tại chủ yếu và nguyên nhân, cụ thể:

Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với 10 chỉ tiêu được bổ sung, nhiều chỉ tiêu nâng cao so với giai đoạn trước, tạo ra những thách thức mới đối với nhiều địa phương đặc thù là sản xuất nông nghiệp (trong đó có Sóc Trăng), đặc biệt là trong thực hiện các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm…

Nhiều địa phương còn nặng tâm lý dồn sức cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông thôn. Một vài địa phương có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đã đạt được, thiếu sự tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc duy trì, giữ vững, và nâng chất mức độ đạt chuẩn các tiêu chí (đặc biệt là các tiêu chí môi trường, tổ chức sản xuất…) nên chưa tạo ra được sự khác biệt rõ nét giữa xã nông thôn mới và xã “bình thường”.

Một số tiêu chí ở một số địa phương đã được công nhận đạt nhưng chưa bền vững, điển hình như tiêu chí hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo của nhiều xã đạt, nhưng hộ cận nghèo lại quá cao, do vậy khả năng tái nghèo là rất lớn); hay một số các tiêu chí về an ninh trật tự, thu nhập, bảo hiểm y tế…

Tiến độ thực hiện nguồn vốn Chương trình hàng năm tương đối chậm, nhiều địa phương thay đổi các danh mục công trình liên tục (có nơi thay đổi đến lần thứ 3); công tác xây dựng, ban hành các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình không phù hợp với thực tế (thiết kế mẫu các tuyến đường giao thông), việc điều chỉnh Nghị quyết số 12/NQ-HĐND phải chờ đến kỳ họp giữa năm của Hội đồng nhân dân tỉnh… làm ảnh hưởng đến công tác lập hồ sơ thủ tục các danh mục công trình đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện cũng như giải ngân.

Tình hình tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, giá bán một số sản phẩm nông nghiệp bấp bênh nhất là giá mía, cây ăn trái (cam, quýt), heo…; thiên tai, dịch bệnh xảy ra, mối liên kết theo chuỗi giá trị các ngành hàng từ sản xuất đến tiêu thụ chưa được chặt chẽ, thiếu bền vững (nhất là vấn đề ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm); việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản trong tỉnh còn yếu… ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của bà con nông dân, dẫn đến tình trạng thanh thiếu niên nông thôn ngày nay đã di cư lên khu đô thị công nghiệp làm ăn sinh sống chiếm tỷ lệ khá cao.

Môi trường nông thôn tuy có sự cải thiện thông qua các mô hình bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quang sáng - xanh - sạch - đẹp… nhưng việc duy trì, nhân rộng còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn hiện nay vẫn còn thấp (chủ yếu xử lý bằng phương pháp đốt, chôn lấp hợp vệ sinh); Nhiều tuyến đường vẫn còn tình trạng cỏ mọc lấn chiếm lòng lề đường; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chưa đạt yêu cầu; thiếu hệ thống thu gom thoát nước nên việc kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh, rạch khu vực nông thôn còn khó khăn…

Các hoạt động văn hóa còn mang tính hình thức, đơn điệu chưa thu hút cư dân nông thôn. Môi trường văn hóa còn tồn tại một số hiện tượng thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, sự xâm nhập của các luồng văn hóa độc hại khó kiểm soát trên mạng internet. Các tệ nạn xã hội, tội phạm ngày càng tinh vi, khó kiểm soát nhất là tệ nạn ma túy vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương.

5 bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trang giai đoạn 2010 - 2020

Một là, phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu. Thực tiễn cho thấy nơi nào cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyển biến rõ nét.

Hai là, từng cơ quan, đơn vị liên quan cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới để tổ chức triển khai thực hiện. Bởi Chương trình xây dựng nông thôn mới là một Chương trình tổng thể cả về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, do vậy trách nhiệm để triển khai thực hiện thành công Chương trình không chỉ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cần có sự vào cuộc, thể hiện rõ trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính quyền các cấp.

Ba là, công tác tuyên truyền vận động quần chúng là giải pháp quan trọng hàng đầu, phải thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân. Làm cho dân hiểu, dân tin, dân hưởng ứng bằng sự tham gia bàn bạc hiến kế, đóng góp công, của và chủ động thực hiện các nhiệm vụ của mình là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình.

Bốn là, phải nắm vững mục tiêu và hệ thống tiêu chí nông thôn mới để có cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và yêu cầu bức thiết của người dân ở từng địa phương. Khéo léo vận dụng lồng ghép các nguồn vốn, chú ý phát huy nguồn lực tại chỗ để tập trung hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên tạo ra sự chuyển biến thực tế trên diện rộng.

Năm là, xây dựng nông thôn mới thực chất là thực hiện các nội dung cụ thể để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Do đó, phải gắn kết xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã của địa phương./.


Bộ mặt làng quê xã Mỹ Tú ngày càng sáng - xanh - sạch đẹp (Ảnh: nongthonmoi.soctrang.gov.vn)

Anh Cao