Quảng Ninh: Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

16/12/2019 15:07
  • Print
  • Lượt xem: 1468

Tham luận tại Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, Trưởng ban Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh Vũ Thành Long cho biết, Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới phía bắc với tổng diện tích trên 12.000km2, trong đó diện tích đất liền trên 6.100km2; địa hình bị chia cắt bởi biển, đảo, đồi núi, sông ngòi do đó giao thông khó khăn, xuất đầu tư cao, tính kết nối thấp… Tỉnh Quảng Ninh có 1,3 triệu dân gồm 22 dân tộc sống trên địa bàn 186 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 14 huyện, thị xã, thành phố, khu vực nông thôn gồm 111 xã chiếm 47% dân số, quản lý sử dụng 76% diện tích, trong đó 92 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo, bãi ngang với 17 xã và 54 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Trưởng ban Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh Vũ Thành Long tham luận tại Hội thảo

Với vị trí đặc biệt riêng có của tỉnh địa đầu vùng đông bắc tổ quốc, địa bàn động lực của vùng trọng điểm kinh tế Bắc bộ, trong bối cảnh xuất phát điểm thấp và điều kiện khó khăn, lại không được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương cho việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh nhận thức phải có quyết tâm cao, bước đi và cách làm riêng mang tính đột phá mà nổi bật là các giải pháp: Ngay sau khi có Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên trong nhiệm kỳ mới.

Chương trình được triển khai đồng bộ ở 13/14 đơn vị cấp huyện (trừ TP. Hạ Long không nằm trong Chương trình) và 100% các xã trên địa bàn toàn tỉnh và Quyết định thành lập các Ban Chỉ đạo các cấp do đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo.

Quyết định thành lập cơ quan tham mưu giúp việc các cấp trong đó cấp tỉnh thành lập Ban Xây dựng nông thôn mới: Ban Xây dựng nông thôn mới (Ban) là cơ quan ngang sở trực thuộc UBND tỉnh với bộ máy, biên chế hoàn chỉnh được giao biên chế và ngân sách hoạt động hằng năm: Trưởng ban là đồng chí Tỉnh ủy viên, các Phó Trưởng ban là các đồng chí được điều động từ Chủ tịch UBND huyện và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sang. Ban được cơ cấu gồm Văn phòng và các Phòng nghiệp vụ chuyên môn. Ban có chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh Quảng Ninh thực hiện Chương trình nông thôn mới (các tỉnh khác thành lập Văn phòng Điều phối, hầu hết trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Với vị thế đặc biệt riêng có của mình, việc tham mưu, báo cáo, trao đổi làm việc và giữ mối quan hệ với các địa phương, các ngành trở lên thuận lợi và hiệu quả hơn, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới 9 năm qua trên địa bàn toàn tỉnh với kết quả đáng khích lệ:

Một là, Chương trình đã tạo được không khí xây dựng nông thôn mới sôi nổi rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét; đời sống Nhân dân được cải thiện; văn hóa - xã hội và môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Hai là, nhiều mục tiêu quan trọng của Chương trình đạt được cao hơn so với toàn quốc, như: xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 81,1% (cả nước là 50,26%); số tiêu chí bình quân đạt 18,03 tiêu chí so với 15,26 tiêu chí của cả nước (cao hơn gần 3 tiêu chí); tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Quảng Ninh là 01% (cả nước là 4,5%); đặc biệt, trong năm 2018 đã có 400 hộ dân trên địa bàn tỉnh tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, đây là dấu hiệu tốt.

Ba là, bằng nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt, đi đầu, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh đã được Trung ương, các tỉnh ghi nhận, lựa chọn mô hình để nhân rộng, thị xã Đông Triều là đơn vị cấp huyện đầu tiên của miền Bắc đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; xã Việt Dân, thị xã Đông Triều là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP tỉnh Quảng Ninh) là sản phẩm riêng của tỉnh Quảng Ninh được Trung ương chọn và triển khai nhân rộng ra khắp cả nước.

Nhìn chung, với những kết nêu trên là minh chứng cho thấy việc thành lập và đưa vào hoạt động của Ban Xây dựng nông thôn mới là mô hình và hướng đi đúng, cần thiết phù hợp với đặc thù điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua. Thông qua vận hành hoạt động của Ban, tỉnh Quảng Ninh nhận thấy mô hình có những ưu điểm và hạn chế sau:

Về ưu điểm, tỉnh thành lập bộ máy chuyên trách cấp tỉnh là cơ quang ngang sở, có chức năng tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo và UBND tỉnh thực hiện Chương trình nông thôn mới, giúp cho việc chủ động, độc lập, khách quan (không bị phụ thuộc vào đơn vị cấp trên cùng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở nhiều tỉnh khác) trong việc gắn kết nhiệm vụ của các sở, ban, ngành, các địa phương trong triển khai Chương trình có hiệu quả.

Việc thành lập cơ quan chuyên trách các cấp (trực thuộc UBND) sẽ giúp cho việc phản ánh khách quan thực trạng xây dựng nông thôn mới ở các địa phương một cách trung thực, tham mưu các giải pháp được nhanh, kịp thời, trên cơ sở đó giúp Ban Chỉ đạo, UBND nhanh chóng có những quyết định điều chỉnh kịp thời, có hiệu quả.

Việc bố trí cán bộ chuyên trách xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là cấp huyện, xã sẽ tạo tâm lý ổn định, chuyên tâm theo dõi, giúp cho công tác tham mưu được hiệu quả, công tác tổng hợp báo cáo được nhanh, chính xác hơn.

Ông Vũ Thành Long khẳng định, với cách lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua là rất hiệu quả, tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ nguyên mô hình trên để triển khai cho giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, ông Vũ Thành Long cũng nêu ra một số hạn chế, như: trước thực trạng cả nước đang đẩy mạnh việc kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế, thì việc phát sinh thêm một đầu mối cơ quan là chưa có hiệu quả; ở một số địa phương thực hiện việc trưng dụng cán bộ chuyên làm nông thôn mới thì tâm lý không ổn định, tuy là cán bộ chuyên trách nhưng có nơi còn bố trí thêm cả công vệic khác nên cán bộ còn bị phân tâm chưa tập trung cho Chương trình; công việc liên quan đến xây dựng nông thôn mới là việc làm vất vả, cần phải có kinh nghiệm, nhiệt tình cao. Tuy nhiên, ở một số địa phương chưa thực sự chọn được cán bộ làm nông thôn mới đáp ứng yêu cầu, dẫn đến hiệu quả công việc hạn chế; công tác luân chuyển cán bộ thường xuyên ở một số địa phương cấp huyện, xã thời gian qua ảnh hưởng không nhỏ đến việc theo dõi, nắm bắt thường xuyên cấp cơ sở; vì là địa phương duy nhất thành lập Ban Xây dựng nông thôn mới trực thuộc UBND tỉnh, do vậy, khi có văn bản chỉ đạo từ Trung ương thường chỉ gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương trong việc tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới với quan điểm: Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, toàn quốc tiếp tục hoàn thiện Chương trình xây dựng nông thôn mới bước sang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới thành miền quê đáng sống đòi hỏi sự cố gắn hơn nữa của các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh. Với hiệu quả và kinh nghiệm đã triển khai thực hiện thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì và phát huy vai trò hoạt động của Ban Xây dựng nông thôn mới thời gian tới và đề nghị Trung ương quan tâm nghiên cứu có ý kiến chỉ đạo để tỉnh tiếp tục hoàn thiện mô hình này, ông Vũ Thành Long thông tin thêm.

Toàn cảnh Hội thảo ngày 9/12 tại Bộ Nội vụ


Anh Cao