Quảng Nam: Vai trò của Văn phòng Điều phối nông thôn mới và đề xuất mô hình trong giai đoạn sau năm 2020

17/12/2019 09:02
  • Print
  • Lượt xem: 2563

Dự kiến kết quả đến cuối năm 2020, có ít nhất 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 58,3% tổng số xã), bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn từ 16 - 16,5 tiêu chí/xã, có 05 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới.

Quang cảnh thẩm định kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại các xã thuộc huyện Tiên Phước, Duy Xuyên
(Nguồn: nongthonmoi.net)

Với chức năng tham mưu, giúp UBND, Ban Chỉ đạo các cấp trong việc quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình nông thôn mới được quy định cụ thể tại Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3049/QĐ-UBND ngày 22/8/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian qua, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp đã thực hiện đảm bảo các nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổ chức kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách; tham mưu công tác quy hoạch, kế hoạch; phân bổ vốn, hướng dẫn và giám sát tình hình thực hiện vốn trong Chương trình nông thôn mới,… thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện đảm bảo đạt các mục tiêu trong Chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Dự kiến kết quả đến cuối năm 2020, có ít nhất 119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 58,3% tổng số xã), bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới đạt chuẩn từ 16 - 16,5 tiêu chí/xã, có 05 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ và đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo báo cáo tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam gửi về Ban Tổ chức Hội thảo “Mô hình bộ máy triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”, đã chỉ ra một số vướng mức, bất cập trong thực hiện vai trò, chức năng tham mưu, giúp việc của Văn phòng Điều phối các cấp, như:

Việc quy định biên chế của Văn phòng Điều phối nông thôn mới phải là công chức theo Quyết định số 1920/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc này gây khó khăn trong việc bố trí đủ số lượng cán bộ chuyên trách nông thôn mới, không đủ công chức để bố trí, thực trạng hiện nay nhiều Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện, tỉnh bố trí nhiều viên chức chuyên trách nông thôn mới. Đồng thời, chưa quy định rõ về cơ cấu tổ chức (số lượng các phòng chuyên môn) của Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp dẫn đến không có cơ sở trong việc thành lập các phòng chuyên môn cũng như phân định chức năng, nhiệm vụ của từng phòng. Về bố trí 01 biên chế phải là công chức Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng - Môi trường chuyên trách về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hiện tại chức danh này thực hiện nhiều nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực khác nhau như địa chính, nông nghiệp, xây dựng, môi trường nên khối lượng công việc rất lớn; thực tế, một số xã bố trí cán bộ phụ trách các nhiệm vụ chuyên môn (Tài chính - Kế toán, Văn phòng - Thống kê, Văn hóa - Xã hội, cán bộ bán chuyên trách phụ trách nông nghiệp, thủy lợi,…) làm chuyên trách nông thôn mới thì kết quả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngoài ra, do không có biên chế công chức chuyên trách nông thôn mới theo quy định, nên các địa phương tùy theo tình hình thực tế bố trí công chức xã trong tổng số công chức theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ để phụ trách nông thôn mới, nên nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là kiêm nhiệm, ít tâm huyết và trách nhiệm với công việc. Bên cạnh đó, một số địa phương bố trí cán bộ làm việc không chuyên trách hoặc cán bộ hợp đồng phụ trách nông thôn mới (lương thấp, không có phụ cấp), nên hiệu quả tham mưu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa cao.

Hiện nay, đa số Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện (kể cả cấp tỉnh) còn nhiều hợp đồng lao động (nằm trong chỉ tiêu biên chế được giao) phụ trách theo dõi thực hiện Chương trình nông thôn mới từ năm 2011 đến nay; tuy nhiên, theo chủ trương chung trên địa bàn tỉnh Quảng Nam sẽ chấm dứt mọi hợp đồng lao động trong năm 2019, vì vậy, sẽ gây khó khăn lớn đến việc sắp xếp bộ máy, bố trí con người tham mưu thực hiện Chương trình nông thôn mới trong thời gian tới.

Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất định hướng:

Không nên quy định chuyên trách nông thôn mới là công chức, nên quy định cán bộ chuyên trách nông thôn mới là công chức, viên chức. Bở vì, công chức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Phòng Kinh tế không đủ số lượng công chức để bố trí chuyên trách nông thôn mới, trong khi đó các viên chức chuyên trách nông thôn mới hiện nay đang phát huy tốt hiệu quả công việc.

Quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức như số lượng các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh để các địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Xem xét quy định Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện là cơ quan trực thuộc UBND cấp huyện, có con dấu riêng để thuận lợi trong việc chủ động tham mưu thực hiện Chương trình nông thôn mới.

Đồng thời, không nên quy định Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm, mà nên quy định Chánh Văn phòng do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm. Đối với Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp huyện, nên quy định thêm tùy thuộc điều kiện thực tế của địa phương để bố trí Phó Chánh Văn phòng chuyên trách.

Đối với cán bộ chuyên trách cấp tỉnh và cấp huyện cần quy định tùy theo quy mô số xã trên địa bàn tỉnh/huyện mà bố trí chuyên trách cho phù hợp; đồng thời, không nên cứng nhắc là điều chuyển cán bộ, công chức từ Chi cục Phát triển nông thôn/Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế sang làm chuyên trách tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh/huyện, mà căn cứ vào quy mô số xã của tỉnh, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/UBND cấp huyện để điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong tổng biên chế được UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc UBND cấp huyện mà điều chuyển, bố trí sang làm chuyên trách tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, huyện để bảo đảm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

Người dân tổ 1, thôn Tiên Phú Tây (Tiên Mỹ) ra quân dọn vệ sinh môi trường, trồng hoa,
cây cảnh dọc tuyến đường giao thông qua khu dân cư. Ảnh: N.H (Nguồn: nongthonmoi.net)

Tuệ Mẫn