Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tập trung chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu (*)

05/01/2020 01:40
  • Print
  • Lượt xem: 3050

(Lược trích bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến tại Hội nghị Tổng kết chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2010-2020)



Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 9 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng NTM các cấp, sự giám sát của MTTQ và các đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của cộng động doanh nghiệp và toàn dân; Chương trình xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực trên các lĩnh vực, như: Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức; ban hành cơ chế, chính sách; mức độ đạt chuẩn NTM; công tác quy hoạch; phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; bảo tồn, phát triển văn hóa – xã hội; bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động các nguồn lực xã hội hóa; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…

Đặc biệt, diện mạo nông thôn ở tất cả các địa phương đã trở nên khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn; nhiều hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư tu tạo, nâng cấp, xây dựng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được phát triển; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Tỉnh Bắc Ninh đã có 4 đơn vị cấp huyện (Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình và Từ Sơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; thành phố Bắc Ninh có 3/3 xã đạt chuẩn NTM và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I; tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM, bình quân số tiêu chí đạt/xã đều đạt ở mức cao so với trung bình cả nước.

Chương trình xây dựng NTM đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đưa Bắc Ninh lên vị thế mới, với nhiều chỉ tiêu KT-XH đứng trong tốp dẫn đầu của cả nước, như: Giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất; kim ngạch xuất khẩu, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 2; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đứng thứ 6, (riêng 6 tháng đầu năm 2019 đứng thứ 3); quy mô nên kinh tế đứng thứ 7; thu ngân sách đứng thứ 9 toàn quốc, hằng năm có điều tiết về ngân sách Trung ương.

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội có sự chuyển biến tích cực. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo có 5 chỉ tiêu, y tế có 1 chỉ tiêu đứng thứ nhất toàn quốc; tỉnh đã làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị dân ca Quan họ - di sản văn hoá thế giới. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách đi trước và thực hiện cao hơn so với quy định của Trung ương; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.... Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, cải cách hành chính được đẩy mạnh; các mặt công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tư pháp, đối ngoại được tăng cường. Quốc phòng được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến.

Những kết quả về xây dựng NTM mà tỉnh Bắc Ninh đạt được là rất phấn khởi. Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn thẳng vào thực tế, thấy rằng còn một số hạn chế, tồn tại, đó là: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn còn những bộ phận chuyển dịch chậm; phát triển kinh tế chưa đồng đều giữa các địa phương trong tỉnh; Quan hệ sản xuất trong nông nghiệp - nông thôn bước đầu được đổi mới nhưng chưa mạnh. Kinh tế hộ còn nhỏ; kinh tế hợp tác chưa có chuyển biến rõ nét, hiệu quả chưa cao; quá trình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị chưa nhiều, hiệu quả thấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số nơi ở nông thôn, đặc biệt là khu vực làng nghề chưa được giải quyết triệt để. Nhiều địa phương chưa khai thác được lợi thế văn hóa đặc trưng để phát triển du lịch nông thôn; một số địa phương, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định… Tất cả những tồn tại đó cần sớm được chỉ đạo khắc phục.

Về quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới, tôi thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong báo cáo, bên cạnh đó, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các địa phương cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục những những hạn chế, khó khăn để xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng NTM, với tinh thần: Xây dựng NTM có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, tránh tư tưởng thỏa mãn, tự bằng lòng, nhất là ở những xã, những huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, có thể dẫn đến sao nhãng công việc. Mỗi địa phương phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, trên cơ sở đó, phát huy dân chủ và vai trò chủ thể của các cộng đồng dân cư trong xây dựng NTM. Đồng thời tiếp thu ý kiến phát biểu để bổ sung vào phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, làm  cơ sở triển khai trong thời gian tới.

Thứ hai, rà soát mục tiêu của giai đoạn 2016 - 2020 để tiếp tục có kế hoạch, lộ trình nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng đảm bảo chất lượng, bền vững, nhất là các tiêu chí liên quan trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn, như: Nâng cao thu nhập; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn; xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn được những giá trị văn hoá truyền thống địa phương… Đối với các xã đã đạt chuẩn đồng chí, tập trung chỉ đạo xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM theo hướng phấn đấu các xã lên phường, huyện thành thị xã, thành phố, nhằm sớm xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông minh, cơ giới hóa sản xuất; thúc đẩy liên doanh, liên kết, hình thành chuỗi giá trị, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn; tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP (Mỗi xã phường một sản phẩm - chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị) gắn với lợi thế của từng địa phương, nhằm góp phần gia tăng nhanh thu nhập cho người dân nông thôn.

Thứ tư, nâng cao chất lượng quản lý và hoạt động các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, an sinh xã hội... Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động. Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong khu dân cư. Tích cực trong công tác bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; thực hiện hiệu quả công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí; có các biện pháp hữu hiệu kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông… tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng các mặt công tác xây dựng Đảng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động, điều hành của chính quyền các cấp. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân; đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tính kỷ luật, kỷ cương, nề nếp, tác phong làm việc trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, quê hương văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh ta sẽ tiếp tục đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn của cả tỉnh và cả nước.


Nguồn: http://www.baobacninh.com.vn/