Thu hoạch lúa trên cánh đồng sau dồn điền đổi thửa tại huyện Quốc Oai. Ảnh: ĐĂNG ANH Hai năm qua, thành phố Hà Nội gánh chịu nhiều đợt mưa lớn, kéo dài, kèm theo lũ rừng ngang từ thượng nguồn tràn về gây ngập lụt trên diện rộng, khiến nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân bị thiệt hại nặng nề. Mới đây, đợt mưa lũ tháng 7-2018 đã gây ngập úng hơn 8.400 ha đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực trồng trọt. Tổng diện tích gieo trồng năm nay chỉ đạt gần 254 nghìn ha, giảm gần 15% và sản lượng lương thực đạt 1.160 tấn, giảm 8,6% so với năm 2015. Tuy nhiên, nhờ kịp thời chuyển dịch cơ cấu cây trồng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật, lĩnh vực trồng trọt vẫn đạt kết quả tốt, nhất là sản lượng rau các loại đạt hơn 710 nghìn tấn, tăng hơn 22% so với năm 2015. Thành phố đã hình thành hơn 100 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, với quy mô từ 20 ha trở lên; 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh; tổ chức được 154 cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô hơn 100 ha; xây dựng 12 nhãn hiệu tập thể như bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, bưởi Phúc Thọ, cam canh Kim An, phật thủ Đắc Sở, nhãn muộn Đại Thành, chuối Vân Nam..., mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển dần sang chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, gần 3.950 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đáng chú ý, trong gần ba năm qua, sau khi cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch lại ruộng đồng, cải tạo hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, thành phố đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Việc ứng dụng công nghệ cao được thực hiện trong tất cả các khâu, từ sản xuất, đến chế biến, bảo quản nông sản, cho năng suất, chất lượng vượt trội, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập nông dân. Năm 2016, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 có từ 347 xã trở lên đạt chuẩn NTM, tăng hơn 146 xã so với năm 2015, 10 huyện, thị xã đạt huyện NTM. Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đến nay trên địa bàn thành phố đã có bốn huyện đạt chuẩn NTM, gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức; bốn huyện đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm nay gồm Gia Lâm, Thạch Thất, Phúc Thọ và Quốc Oai. Thành phố có 297 trong tổng số 386 xã đạt chuẩn NTM, tăng thêm 96 xã so với năm 2015. Trong 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, trong đó có gần 30 xã đang được các sở, ngành, địa phương thẩm định, trình UBND thành phố phê duyệt đạt chuẩn trong cuối năm nay, 17 xã đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 14 tiêu chí. Đời sống nông dân được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt hơn 43 triệu đồng/người, tăng hơn mười triệu đồng so với năm 2015. Phần lớn các hộ dân có nhà ở kiên cố, khang trang. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn được đầu tư, cải tạo. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% xuống còn 1,8%, trong đó một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như Quốc Oai còn 0,46%, Gia Lâm còn 0,58%, Hoài Đức còn 0,9%. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong ba năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM còn nhiều hạn chế. Sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, tâm lý mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn dè dặt. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều, đầu tư dàn trải. Công tác môi trường chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi, ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề chưa có giải pháp xử lý. Đời sống và thu nhập của bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, thuần nông, vùng đồng bào dân tộc còn thấp, thiếu ổn định. Mới đây, báo cáo tại kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã đưa ra các giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2020; khẳng định, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng sản xuất mẫu lớn theo hướng chuyên canh. Triển khai xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, bền vững, gắn kết với phát triển du lịch, hiện đại hóa hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành tăng cường công tác đào tạo nghề, nhân cấy nghề; chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành khác và thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp để nâng cao đời sống nông dân. |