Nam Định: Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020

05/12/2019 13:50
  • Print
  • Lượt xem: 6560

Với định hướng đến năm 2025, có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 20% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Các chỉ tiêu chủ yếu: thu nhập bình quân đầu người năm 2025 ≥ 72 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội ≤ 1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 95%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: 100%.

Đến năm 2030, có 100% số xã duy trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 60% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu); 9 huyện duy trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (trong đó có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu). Các chỉ tiêu chủ yếu: thu nhập bình quân đầu người năm 2030: ≥ 100 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội ≤ 1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ≥ 95%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch: 100%.

Ngoài ra, khi triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định, tỉnh đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, phải có sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng của những người có uy tín trong cộng đồng. Phải thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình để kịp thời phát hiện, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc ở cơ sở.

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ: Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, không có điểm kết thúc; người dân nông thôn là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, từ đó tạo được sự đồng thuận cao và tích cực tham gia của mọi tầng lớp Nhân dân.

Thứ ba, xác định, lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Nam Định: Xây dựng nông thôn mới từ hộ gia đình ra thôn/xóm, từ thôn/xóm lên xã, từ xã lên huyện. Lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân trong xây dựng nông thôn mới. Huyện chủ trì xây dựng các công trình của huyện, xã xây dựng các công trình chính của xã, các thôn/xóm vận động Nhân dân đóng góp xây dựng các công trình của thôn/xóm; các hộ dân lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, 3 công trình vệ sinh của hộ gia đình.

Đề án và kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới phải cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi. Lựa chọn các nội dung, tiêu chí thuận lợi, cần ít vốn đầu tư triển khai trước; chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng hạ tầng với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh trật tự ở nông thôn để phát triển bền vững.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP; chọn những sản phẩm, những nghề là thế mạnh của địa phương để khuyến khích phát triển, coi trọng việc đưa công nghiệp, nhất là công nghiệp may về nông thôn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo phương châm “Ly nông bất ly hương”.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, trước hết phải ưu tiên đầu tư làm trước các công trình phục vụ phát triển kinh tế. Phải kế thừa tối đa các công trình hiện có, kết hợp với bổ sung nâng cấp và xây dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Có cơ chế hỗ trợ và thưởng để tạo động lực cho phong trào thi đua và huy động mọi nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phải huy động được sự tham gia, đóng góp nguồn lực của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân.

Làm tốt công tác phân cấp quản lý, tạo sự chủ động, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các xã và cộng đồng dân cư trong quản lý, tổ chức thi công các công trình hạ tầng với quy mô phù hợp.

Không nóng vội chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, nhưng không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên.

Thứ tư, thực hiện tốt Pháp lệnh Dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch theo phương châm ‘‘Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ’’. Từ công tác lập quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới đến việc tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phải hết sức dân chủ và công khai, lấy ý kiến tham gia và đóng góp rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Ban giám sát cộng đồng.

Thứ năm, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên tuyên truyền, biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống phát thanh của xã để tạo phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

10 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới

Một là, tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Tập trung cao sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới; xác định rõ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên, lâu dài, không có điểm kết thúc; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; gắn với trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới.

Hai là, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Mỗi địa phương, mỗi ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị có hoạt động cụ thể để hưởng ứng các phong trào thi đua.

Ba là, đổi mới nội dung, hình thức để tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới và phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Bốn là, tích cực huy động tổng hợp các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là nguồn lực xã hội hóa. Tạo cơ chế để các địa phương có nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế cho thuê đất và đấu giá quyền sử dụng đất từ các thửa đất xen kẹp và các khu dân cư tập trung.

Huy động sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ; nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm để thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chương trình OCOP góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Năm là, tiếp tục phân cấp, tạo điều kiện để các cơ sở và người dân chủ động trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Khuyến khích các mô hình người dân tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới ở cơ sở.

Sáu là, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình và các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở.

Bảy là, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn trở thành khu xử lý rác thân thiện môi trường. Huy động doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải tập trung cấp huyện theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình sạch tập trung trên địa bàn nông thôn. Tập trung xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải của các làng nghề, trang trại, gia trại chăn nuôi. Giảm thiểu chăn nuôi trong các khu dân cư, từng bước đưa các cơ sở chăn nuôi và tiểu thủ công nghiệp vào các khu sản xuất tập trung.

Tám là, không ngừng củng cố hệ thống chính trị, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng công tác tham mưu và hiệu quả hoạt động của cơ quan giúp việc Ban chỉ đạo các cấp. Phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu. Bổ sung biên chế cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh để thực hiện tốt hơn công tác tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành, quản lý Chương trình OCOP.

Chín là, thường xuyên đảm bảo tốt công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật; làm tốt công tác tiếp công dân, phân loại xử lý và giải quyết dứt điểm các vụ việc, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp.

Mười là, tăng cường sự phối hợp, tham gia của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở và tăng cường sự giám sát của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.

 

Tuệ Mẫn